Trước vụ việc phát hiện hàng tấn dầu loang ở đầu nguồn cấp, nhưng nhà máy nước vẫn cấp cho người dân tại Hà Nội sử dụng, tiến sĩ, chuyên gia vật lý Nguyễn Văn Khải cho rằng đây là hành động vô nhân tính.
"Cả một nhà máy nước lớn như thế, cung cấp nước cho hàng chục nghìn hộ dân mà không một ai đi kiểm tra, biết được nước bị nhiễm dầu thải. Đến khi người dân kêu ca, phàn nàn rồi mới đi kiểm tra? Họ hạn chế về năng lực hay đây là hành động lấp liếm, coi thường sức khỏe của người dân?", tiến sĩ Khải đặt câu hỏi.
Đặt lợi nhuận trên sức khỏe người dân
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, sự vô trách nhiệm của Công ty nước sạch sông Đà thể hiện việc nước rõ ràng có mùi lạ, thậm chí còn không xác định được là mùi gì, nguyên nhân gây mùi mà vẫn bán cho dân.
"Công ty nước sạch họ kiểm tra nước thế nào? Nước bị nhiễm tạp chất từ đầu nguồn, xử lý xong đến khi cho ra nước cho người dân không đạt tiêu chuẩn mà cũng không thông báo, cảnh báo gì đến người dân. Nếu hàng chục nghìn người này sử dụng nước này rồi nhiễm bệnh thì hậu quả sẽ khủng khiếp ra sao?", ông bức xúc.
Người dân phát hiện nhiều vết dầu loang ở khu vực thượng nguồn gần nhà máy nước sông Đà (Hòa Bình). Ảnh: Lê Phú. |
Theo ông Khải, thành phố Hà Nội phải xác định những cá nhân không làm tròn trách nhiệm, không đảm bảo được chất lượng nước cung cấp cho người dân, đe dọa đến sức khỏe của họ. Nhà máy nước cần công bố ngay các chỉ số về chất lượng nước, có những chất độc hại gì, hàm lượng các chất ra sao và yêu cầu người dân ngưng sử dụng hoặc cắt nước.
"Đối với những hộ dân đang không có nước sạch, nhà máy nước phải có trách nhiệm cung cấp nguồn khác như xe bồn chở nước hay lắp đặt các đường dẫn tạm thời", ông Khải nói.
Trong khi đó, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải (
Người dân ở khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) nhiều ngày phải xếp hàng lấy nước dịch vụ do nguồn nước máy bị nhiễm dầu. Mọi sinh hoạt đảo lộn do không đủ nước sạch. Ảnh: Việt Linh. |
Theo ông, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xác định mức độ nghiêm trọng và đánh giá thiệt hại đến sức khỏe người dân trong vụ việc này. Nếu các đơn vị cung cấp nước không đủ năng lực cần phải được thay thế, không thể có chuyện vi phạm nghiêm trọng mà vẫn cho hoạt động được.
"Người dân còn quá hiền, họ quá quen với việc chất lượng nước không đảm bảo, chỉ biết kêu trời rồi xách nước rồi mua nước từ xe bồn. Rồi cuối tháng lại phải thanh toán tiền cho đơn vị cấp nước bẩn cho mình. Nếu những vụ việc này xảy ra ở nước ngoài, cá nhân liên quan có thể bị truy cứu hình sự", giáo sư Hải nhấn mạnh.
Hành động thiếu trách nhiệm
Trả lời báo chí ngày 14/10, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch sông Đà (Viwasupco), cho rằng công ty không bưng bít thông tin vì sau khi phát hiện sự việc, đơn vị đã có thông báo gửi chính quyền và cơ quan công an để điều tra.
"Chúng tôi thường xuyên liên hệ với các khách hàng và gửi kết quả kiểm tra chất lượng nước do công ty tự kiểm tra cho họ. Chúng tôi gửi kết quả kiểm tra qua mạng xã hội cho 1-2 khách hàng", ông Tốn nói.
Bên cạnh đó, ông Tốn cũng cho biết công ty chưa lên tiếng trong những ngày trước đây là "sợ không khách quan". Vị giám đốc nói công ty chưa công bố thông tin vì chờ kết quả kiểm tra của đoàn liên ngành thành phố để khẳng định rằng nước có mùi lạ có phải là trách nhiệm của công ty hay không.
Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà. Ảnh: Lao động. |
Thực tế, từ ngày 9/10, lúc người dân có phàn nàn về nước có mùi lạ, công ty này chưa có bất cứ một cảnh báo, thông tin nào đến người dân. Công ty cũng không giải thích điều gì về việc nước đầu nguồn bị nhiễm dầu và cũng không xin lỗi khi người dân phải dùng nước ô nhiễm, đe dọa đến sức khỏe.
Trả lời báo chí, đại diện công ty nước sạch lại cho rằng kết quả tự kiểm tra của công ty là nước đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nước có mùi do lượng clo cao, không có độc tố.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng lãnh đạo nhà máy nước sạch đã biết sự việc nhưng vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân là hành động thiếu trách nhiệm.
"Nguồn nước sông Đà rất quan trọng, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho hàng vạn người dân. Doanh nghiệp không kiểm soát tốt để ảnh hưởng đến chất lượng nước là rất thiếu trách nhiệm", ông Thức nói.
Lo ngại dầu thải có thể sinh ra chất độc hại trong nước.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho rằng ngoài các nguy cơ về dầu thải, nước sinh hoạt còn có thể nhiễm một số chất độc khác.
"Nếu nước sinh hoạt có mùi khét, cháy của dầu tức là nước đang bị nhiễm nhiều tạp chất hữu cơ, bởi dầu là một loại chất hữu cơ. Khi các chất hữu cơ lẫn trong nước, chưa được xử lý hết mà lại sục khí clo thì rất dễ sinh ra các hợp chất hữu cơ clo, đây thường là các chất độc hại cho sức khỏe con người", TS Hồng Côn phân tích.
Ông đề nghị người dân dừng hoàn toàn việc sử dụng nguồn nước nhiễm mùi lạ và chờ đến khi nước sinh hoạt được kiểm tra lại. Đến khi đạt đủ các chỉ số thì người dân mới nên sử dụng lại.