Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Võ sư Ngô Xuân Bính dùng hội họa thể hiện nội tâm

Người sáng lập phái võ Nhất Nam đồng thời là một viện sĩ, họa sĩ. Triển lãm tranh lớn trong sự nghiệp hội họa của ông thực hiên tại Hà Nội từ tháng 11.

Ngô Xuân Bính là một Giáo sư, được phong Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên châu Âu vào năm 2011. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, võ thuật, hội họa, âm nhạc, thơ… Ông nổi tiếng nhất trong vai trò một võ sư sáng lập ra môn phái võ Nhất Nam. Hiện ông làm Chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam ở Liên bang Nga.

Vo su Ngo Xuan Binh,  Vo Nhat Nam anh 1
Võ sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính.

Nhưng trong con người mạnh mẽ của một võ sư ấy, còn có một con người với tâm hồn bay bổng khi miệt mài sáng tạo với màu sắc, hình khối hội họa. Tuy nổi tiếng trong võ thuật và y học dân tộc, nhưng Ngô Xuân Bính vốn được đào tạo bài bản về hội họa.

Ngay từ bé, bằng những những viên than, que củi, ông đã vẽ tất cả những gì quen thuộc con trâu, con mèo, căn nhà, hoa lá... lên tất cả những gì có thể một cách đơn sơ tự nhiên.

Đó là những bước chập chững đầu tiên đưa ông đến với niềm đam mê hội họa. Với Ngô Xuân Bính, hội họa giúp ông thể hiện được nội tâm, nói ra được những điều sâu lắng bên trong. Với ông, vẽ tranh là một sự may mắn, khi ông biết cách yêu, và yêu đến tận cùng.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính theo đuổi chất liệu sơn mài. Theo quan điểm của ông, sơn mài là một chất liệu truyền thống, nhưng luôn cần sự cải tiến, nghiên cứu, sáng tạo.

Vo su Ngo Xuan Binh,  Vo Nhat Nam anh 2
Tác phẩm của họa sĩ Ngô Xuân Bính.

“Kỹ thuật vẽ sơn mài được các bậc thầy trường Mỹ thuật Đông Dương sáng tạo và tiếp tục được các học trò tài hoa của họa phát triển. Cuộc cách mạng về chất liệu mang tính bắt buộc của sơn mài sẽ giúp nghệ thuật tranh sơn mài, cũng như hàng mỹ nghệ... phát triển” – họa sĩ Ngô Xuân Bính nói.

Theo ông, cuộc cách mạng trên chất liệu sơn mài ấy đầy xung đột, thử thách, không chỉ là những cải tiến về màu sơn truyền thống, cùng chất phụ gia, vóc… mà nó còn đến từ những giằng xé giá trị giữa nghệ thuật truyền thống và ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính từng có cuộc triển lãm các tác phẩm, mà ở đó, đa phần tác phẩm đi theo lối trực họa và biểu cảm. Nhưng, gần đây, tranh của ông lại đi theo lối trừu tượng và biểu hiện.

Trong các tác phẩm, họa sĩ tái hiện những quy luật tự nhiên bằng ngôn ngữ tạo hình, bộc bạch nguồn năng lượng và tư duy hình tượng, và coi đó là một cuộc giải phóng những năng lượn bị kiềm tỏa.

Vo su Ngo Xuan Binh,  Vo Nhat Nam anh 3
Tác phẩm của họa sĩ Ngô Xuân Bính.

Các tác phẩm trong chặng sáng tác mới của họa sĩ sẽ được ông giới thiệu tới công chúng trong một triển lãm cùng họa sĩ Lê Văn Thìn diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội từ 9/11 tới.

Đây là triển lãm lớn nhất trong sự nghiệp hội họa của Ngô Xuân Bính từ trước tới nay, với hơn 200 tác phẩm khổ lớn, với nhiều thể loại, chất liệu. Tranh trong triển lãm lần này dường như phơi bày cuộc sống của họa sĩ, bởi ông luôn quan niệm “tranh là đời”. Những bức như: Hớp hồn, Tiềm thức, Hoang dại, Bí ẩn hay Lên đồng Vân tranh… được họa sĩ lấy ý niệm về chuyện cổ tích và huyền thoại trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.


Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm