Buổi trưa tháng 4, anh Hoàng Văn Hậu (ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bước chậm từ trạm y tế xã trở về nhà.
"Nhà tôi không có xe máy, vợ tôi đang đi làm thuê. Giờ trời trở mùa, cái chân lại đau nhức nên tôi phải đi tiêm" – anh Hậu giãi bày với khách. Cũng vì chân đau, mấy hôm nay ngư dân này không thể ra biển kiếm con tôm, con cá mưu sinh.
Chịu thương tật, mất người thân
Cuối năm ngoái, anh Hậu trở về từ Quảng Đông (Trung Quốc) với cái chân trái thương tật từ một tai nạn lao động ở xứ người.
Không cam lòng với cuộc sống khốn khó, nhiều người dân vùng ven biển Thanh Hóa mạo hiểm vượt biên lao động "chui". Ảnh: Nguyễn Dương. |
Hôm đó, anh đang đẩy chiếc xe chở đồ thì không may bị bánh xe chèn lên, phải nằm viện ở Quảng Đông 3 tháng. Sau đó, anh bị chủ lao động sa thải và về quê, tiếp tục trở lại với nghề đi biển.
"Cuộc sống quá khó khăn, nghĩ nghề đi biển không thể giúp tôi đủ tiền nuôi 4 đứa con nhỏ nên năm ngoái tôi đánh liều qua Trung Quốc. Vượt biên chỉ mất 5 triệu, thấy người ta đi thì mình đi chứ cũng không biết bên đó thế nào. Qua đó chủ chỉ làm gì thì làm, chứ tôi cũng không biết tiếng" – anh Hậu cho hay.
Cách nhà anh Hậu không xa, căn nhà của ông Đặng Văn Hùng (44 tuổi) luôn đóng kín cửa. "Ở quê không có nghề ổn định, nhưng con tôi không đi Trung Quốc như người khác nữa. Nó đi Hà Nội làm thuê rồi" – người mẹ lớn tuổi của ông nói.
Anh Hậu chỉ vào bàn chân thương tật do làm việc "chui" bên Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Mấy năm trước, ông Hùng cùng con gái là Đặng Thị Dung (năm đó 17 tuổi) vượt biên qua Trung Quốc làm ở một xưởng thủ công. Chưa được bao lâu, trong một lần bị cảnh sát kiểm tra người nhập cư trái phép, Dung hoảng sợ chạy trốn.
Khi chạy lên tòa tầng 4 tòa nhà, cô không may sẩy chân trượt ngã xuống đất, tử vong. Phải mất không ít thời gian, ông Hùng mới đưa được thi thể con về nước.
Từ ngày đó, ông luôn bị ám ảnh và chỉ dám đi làm thuê trong nước chứ không vượt biên lần nữa.
Vượt biên làm thuê 5 triệu/tháng
Cũng giống như hoàn cảnh của nhiều hộ ở địa phương, Duy (23 tuổi, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) sinh ra trong một gia đình khốn khó. Thanh niên này từ nhỏ gắn mình với nghề đi biển đầy vất vả, thu nhập bấp bênh.
Một ngày cuối năm 2014, qua người quen, Duy được giới thiệu với một người phụ nữ làm nghề môi giới ở cùng xã chuyên đưa người sang Trung Quốc làm thuê.
Biết Duy có nhu cầu, người này hứa sẽ tìm cho anh một công việc phù hợp và lương mỗi tháng 15 triệu. Bà ta còn khẳng định, sang Trung Quốc lao động theo đường dây này thì hoàn toàn yên tâm và có uy tín.
Theo lời "cò", thủ tục với công an đã sắp xếp, Duy nạp số tiền 5 triệu đồng xong là chỉ việc đợi ngày lên đường. Ít hôm sau, anh cùng một số thanh niên trong xã được người phụ nữ bắt xe cho cả đoàn đi Quảng Ninh để thực hiện chuyến vượt biên.
Nam thanh niên này cho hay, đoàn đi xe khách từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh mất khoảng 4 tiếng. Từ đây, anh cùng một số người tiếp tục đi theo chỉ dẫn để sang kia biên giới.
Trên hành trình, có lúc đoàn của anh phải đi bộ qua đường rừng, khi đi xe ôm, lúc ngồi xe buýt. Trên mỗi chặng đường, đoàn đều có người trong đường dây môi giới đón sẵn và dẫn đường sang đến tận nơi.
"Ở Việt Nam thì người dẫn đường là người nước mình, còn sang đất Trung Quốc thì người dẫn đường là người Trung. Mọi việc diễn ra thuần thục và nhanh chóng. Để tránh bất đồng ngôn ngữ nên chẳng ai nói với nhau một câu nào" – Duy kể.
Và hơn hết, một nguyên tắc mật để đến được đích an toàn là không nói nhiều cũng không hỏi nhiều nhằm tránh công an phát hiện ra gốc tích.
Khi đến nơi, Duy cùng một số người phải đi một chuyến xe buýt và hai chuyến xe khách mới đến được địa điểm làm việc nằm ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
"Sau khi đến nơi, đoàn của em được nghỉ một ngày cho lại sức và để làm quen trước với công việc. Mọi người trong đoàn được 'cò mồi' hướng dẫn trước là mua sim điện thoại mới để tiện liên lạc với nhau trên đất khách quê người" – thanh niên này kể tiếp.
Những ngày tháng ở xứ người, công việc của Duy là sản xuất các loại máy làm đẹp như máy mát-xa, hút mỡ bụng…nhưng lương chỉ được 5 triệu/tháng. Đến lúc này, Duy mới ngộ ra thực tế không như những lời "cò" hứa hẹn ban đầu.
Để có thêm thu nhập, thanh niên này cùng những người khác phải tăng ca một ngày 12 tiếng. Ngoài công việc chính, họ còn phải làm thêm những công việc khác như đứng trông coi máy, bưng bê, giúp việc, hàn xì, thợ xây và cả đánh bắt cá trên biển… thì mới kiếm được trên dưới 8 triệu/tháng.
Tuy nhiên, vì là lao động "chui" nên Duy cùng rất nhiều người không được chủ đóng bảo hiểm. Họ phải sống chui lủi, khi công an truy quét bắt được thì buộc phải sống trong trại tạm giam.
Ai muốn được tại ngoại phải mất một khoản chi phí lớn. Đó là chưa kể đến chuyện bất đồng ngôn ngữ, bị kẻ ác đánh đập khi không hiểu ý nhau.
Cuối năm 2015, Duy cùng một số người tìm cách trở về nước sau thời gian bị chủ vắt kiệt sức lao động. Về đến quê với đồng lương ít ỏi dành dụm, anh còn phải đóng 5 triệu cho người dẫn đường.
Ở vùng ven biển xứ Thanh, nhiều trường hợp khi qua Trung Quốc lao động "chui" đã trở thành nạn nhân của đường dây buôn bán người, làm gái mại dâm, bị ép làm vợ, làm thân sinh con thuê nơi đất khách.
Theo số liệu của UBND tỉnh Thanh Hóa, với hàng trăm người vượt biên sang Trung Quốc mỗi năm, đến đầu năm 2016, toàn tỉnh có khoảng 8.300 người xuất cảnh trái phép sang nước này làm thuê. Số lao động này chủ yếu ở các huyện ven biển như Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc,...
Nhà chức trách cho hay, việc người dân vượt biên sang Trung Quốc lao động "chui" đã để lại nhiều hệ lụy. Trong số 8.300 lao động thì đã có 585 người bị chính quyền Trung Quốc bắt, trao trả, đẩy trở lại biên giới; 9 người bị đưa ra xét xử; 16 người bị tai nạn và tử vong; nhiều phụ nữ bị mất tích.
Dịp Tết Bính Thân vừa qua, có 4.000 người về quê ăn Tết, số còn lại vẫn ở lại lao động trái phép. Ba tháng qua, tình hình vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu giảm.