Những câu chuyện buồn sau mùa vải
Đến xã Tân Hoa, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang khi mùa thu hoạch vải thiều vừa đi qua, trái ngược với khung cảnh tấp nập người mua kẻ bán trong vụ mùa, là quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ của vùng quê nghèo miền núi. Trong thời gian này, phần lớn lao động nông nhàn đã tìm sang Trung Quốc kiếm thêm thu nhập.
Qua sự giới thiệu của anh Ngô Văn Quyền - Trưởng Công an xã Tân Hoa, chúng tôi tìm đến nhà chị Hoàng Thị Hưởng (thôn Vật Phú) - người vừa trở về từ bên kia biên giới.
Trong căn nhà khoảng 30m2, người phụ nữ dân tộc Tày thất thần kể lại chuyến đi đầy bão tố. Năm nay chị 27 tuổi, vừa lập được gia đình được vài năm. Năm 2014, chồng chị bị điện giật, bỏng nặng, phải đi viện cấp cứu chi phí hơn 100 triệu đồng. Vậy là bao nhiêu của nả tích cóp được đã đội nón ra đi, hơn nữa gia đình còn phải vay mượn rất nhiều tiền. Với gánh nặng kinh tế đó, chị đã nghe theo nhiều người trong làng vượt biên sang Trung Quốc nhằm tìm kiếm giấc mơ đổi đời.
Sau vụ vải thiều, nhiều lao động nông nhàn loay hoay tìm việc làm. |
Ngày 20/7, chị cùng hơn 20 người khác lên chuyến xe vượt biên sang Trung Quốc. Ban đầu họ hứa hẹn các chị sẽ được làm ở một công ty chuyên bóc tôm với mức lương gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, khi sang đến Trung Quốc, toàn bộ đoàn người mới té ngửa khi biết, công ty đó đã đủ người và không nhận thêm công nhân.
Trong khi họ đang loay hoay không biết phải làm sao thì nhận được thông tin, những kẻ môi giới đã “bán” họ cho một công ty khác. Khi biết được mức lương không đảm bảo cũng như các điều kiện khắc nghiệt ở đây, chị cùng một tốp người đã trốn về Việt Nam. Thế nhưng, khi tốp người lao động này đang ngơ ngác tìm đường về nước thì bị lực lượng biên phòng Trung Quốc bắt giữ.
Hơn 10 người bị tạm giữ ở đồn biên phòng chỉ có chị cùng 4 người khác được về vì có lý do sức khỏe (chị Hưởng đang mang thai tháng thứ 4) còn lại vẫn ở trong trại tạm giam. Bản thân em trai chị là Hoàng Văn Huấn hiện nay vẫn ở bên kia biên giới, chưa rõ số phận thế nào. Vậy là cái gia đình nghèo nàn của chị lại phải gánh thêm phần chi phí đã bỏ ra để đi “xuất khẩu” lao động. Giấc mơ đổi đời coi như tắt ngấm.
Anh Dương Văn Hải (thôn Tân Văn 1, xã Tân Hoa) cũng bàng hoàng chia sẻ những ngày tháng lăn lộn xứ người: "Mùa hè nắng nóng như rang nhưng chúng tôi vẫn phải chặt mía từ 10-12 tiếng mỗi ngày. Chống lại thì chủ đánh đập, trừ lương hoặc dọa báo công an bắt nên ai cũng lo sợ. Chúng tôi không muốn lao động chui lủi vì khổ cực lắm, nhưng về quê không có việc làm, đành chấp nhận đánh cược với tính mạng".
Trong năm 2014, trên địa bàn huyện Lục Ngạn còn ghi nhận một sự việc đau lòng là anh Nguyễn Văn Huy (thôn Lò Gạch, xã Thanh Hải) cùng một số người sang Trung Quốc làm thuê những mong kiếm được nhiều tiền. Thế nhưng, sau gần 2 tháng, anh Huy đã thiệt mạng nơi đất khách quê người. Do xuất cảnh trái phép nên trường hợp của anh không ai đứng ra chịu trách nhiệm, việc đưa xác anh về nước gia đình cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí.
Báo động tình trạng xuất cảnh trái phép
Tình trạng xuất cảnh trái phép trên địa bàn huyện Lục Ngạn trong những năm qua hết sức phức tạp. Theo số liệu mà ông Nguyễn Văn Mạnh - Chánh Văn phòng UBND huyện Lục Ngạn cung cấp, tính từ đầu năm 2014 - tháng 6/2015, Lục Ngạn có hơn 10.000 người xuất cảnh trái phép, chiếm 56% toàn tỉnh Bắc Giang.
Số người đi lao động ngày càng gia tăng, đầu năm 2011 huyện Lục Ngạn có 1.088 người, đến năm 2014 con số này đã là 5.353 (gấp gần 5 lần), riêng 6 tháng đầu năm 2015, số lượng xuất cảnh trái phép đã lên tới 4.872 trường hợp.
Còn xét theo cơ cấu dân số, con số này cũng rất đáng báo động. Từ đầu năm 2011 đến nay, số người đi lao động “chui” thống kê được là 17.739 trường hợp. Con số này chiếm 8% dân số toàn huyện và chiếm tới 31% so với số thanh niên trong độ tuổi lao động.
Theo báo cáo tham luận của Trưởng công an huyện Lục Ngạn tại Hội nghị trao đổi biện pháp quản lý lao động trái phép, các trường hợp xuất cảnh trái phép chủ yếu là lao động làm thuê tại các trang trại, đồn điền của các tư nhân Trung Quốc như trồng, chặt mía hoặc các việc như sản xuất da giày, đồ chơi, điện tử…, nhất là các lĩnh vực độc hại. Thời gian làm việc theo mùa vụ, khoảng từ 1 - 3 tháng. Thu nhập giao động từ 2.000 - 3.000 nhân dân tệ (6 - 10 triệu đồng).
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do vấn đề kinh tế. Hiện nay, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trình độ nhận thức còn hạn chế nên họ chưa biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc làm của người dân hiện nay vẫn mang tính mùa vụ, vì vậy thu nhập không ổn định, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Một nguyên nhân nữa là do hiện nay nhiều người có quan hệ thân tộc ở Trung Quốc, một số phụ nữ lấy chồng Trung Quốc về thăm thân đã lôi kéo anh em, bạn bè, người thân sang chơi rồi ở lại làm thuê.
Đường biên Việt - Trung dài, trong khi lực lượng chức năng bảo vệ đường biên còn mỏng, nên một số đối tượng xấu đã lợi dụng lôi kéo, tổ chức người địa phương vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động để hưởng lợi, gây phức tạp an ninh trật tự. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật của một bộ phận quần chúng còn nhiều hạn chế. Việc giải quyết thủ tục xuất cảnh sang nước ngoài chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, công tác quản lý còn lỏng lẻo, các chế tài xử phạt không đủ mạnh để răn đe.