Công chúa Elena, 57 tuổi, và Công chúa Cristina, 55 tuổi, đã được tiêm vaccine Covid-19 khi đến thăm cha mình, cựu vương Tây Ban Nha Juan Carlos, theo BBC.
Cựu vương đã rời đất nước vào năm 2020 sau một loạt vụ bê bối.
Cả hai công chúa đều chưa đủ điều kiện để tiêm vaccine ở Tây Ban Nha. Họ giải thích rằng đã nhận lời đề nghị tiêm vaccine để có thể tới thăm cha thường xuyên hơn.
"Tôi và chị gái đã đến thăm cha. Để được cấp giấy chứng nhận y tế giúp chúng tôi tiếp tục tới thăm cha thường xuyên, chúng tôi được trao cơ hội tiêm vaccine. Chúng tôi đã chấp nhận đề nghị", các công chúa viết trong tuyên bố gửi đến báo El Mundo vào ngày 3/3.
"Nếu việc này không xảy ra, chúng tôi đã đợi đến lượt mình tiêm phòng Covid-19 ở Tây Ban Nha", các công chúa cho biết thêm.
Công chúa Elena (trái), 57 tuổi, và Công chúa Cristina, 55 tuổi, đã được tiêm vaccine Covid-19 khi đến thăm cha mình. |
Bộ trưởng Bình đẳng Irene Montero là một trong những chính trị gia chỉ trích các công chúa sau khi nổi lên thông tin họ đã được tiêm vaccine.
"Việc các công chúa được chủng ngừa góp phần làm mất uy tín của hoàng gia. Đối với công chúng, đây là hành vi hưởng ưu đãi và đặc quyền", bà Montero nói với đài TVE.
Bộ trưởng Lao động Yolanda Diaz gọi đây là hành vi "xấu xí và gây khó chịu".
Hoàng gia Tây Ban Nha từ chối bình luận về vụ việc nhưng cho biết Vua Felipe VI, Hoàng hậu Letizia và các con gái của họ sẽ tiêm vaccine Covid-19 khi đến lượt.
Tây Ban Nha mới chỉ tiêm khoảng 4 triệu liều vaccine cho đến nay, theo BBC. Những người trên 80 tuổi và nhân viên làm công việc thiết yếu là đối tượng đang được ưu tiên.
Một vụ bê bối tương tự đã xảy ra vào tháng 1 ở Tây Ban Nha. Một số nhân vật cấp cao, bao gồm cả chỉ huy quân sự hàng đầu của nước này, phải từ chức sau khi bị cáo buộc "vượt hàng" để tiêm vaccine.
Cựu vương Juan Carlos đã sống lưu vong tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ tháng 8/2020. Dù cựu vương phủ nhận các cáo buộc tham nhũng, sự ra đi của ông làm dấy lên các cuộc tranh luận và lời chỉ trích nhắm vào hoàng gia Tây Ban Nha.