Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vỏ lạp xưởng giống hệt ni lông

Thay vì sử dụng ruột heo để làm lạp xưởng, nhiều cơ sở sản xuất mặt hàng này chuyển sang sử dụng loại vỏ mới có tính chất giống ni lông.

Vỏ lạp xưởng giống hệt ni lông

Thay vì sử dụng ruột heo để làm lạp xưởng, nhiều cơ sở sản xuất mặt hàng này chuyển sang sử dụng loại vỏ mới có tính chất giống ni lông.

Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, thời gian gần đây, khi mua lạp xưởng, người ăn phát hiện lớp vỏ ngoài (vốn làm bằng ruột heo) có độ dai một cách bất thường. Nhiều người sau khi nhai mãi mà “nuốt không trôi” đã nghi ngờ đó là lớp vỏ ni lông chứ không phải ruột heo như cách làm truyền thống. Sự bất thường này ngay cả cơ quan quản lý cũng chưa lý giải được.

 
ni lông hay nhựa nói chung là một loại hóa chất chỉ được dùng làm bao bì bên ngoài thực phẩm chứ không thuộc nhóm phụ gia, phẩm màu… sử dụng trực tiếp với thực phẩm.

Ông Trần Quốc Nhuần, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn - một thành viên  lạp xưởng Hùng Tuấn (trụ sở tại quận 11, TP.HCM) cho hay: trong các khâu làm lạp xưởng, mất thời gian nhất vẫn là khâu xử lý ruột heo để làm lớp vỏ lạp xưởng. Muốn lạp xưởng ngon phải dùng ruột heo tươi cạo sạch, đến khi lớp ruột ngoài mỏng như lớp ni lông. Tuy nhiên, chỉ ở quy mô gia đình mới có thể làm theo cách thủ công này.

Theo ông Nhuần, những cơ sở hay doanh nghiệp làm với số lượng lớn thì hầu hết chuyển qua sử dụng một loại ruột heo khô đặc biệt, đã được sơ chế sẵn. Các cơ sở mua ruột heo khô về, chỉ việc nhồi nguyên liệu vào trước khi đem sấy thành phẩm. Loại ruột này được gấp thành xấp, mỗi xấp có trọng lượng khoảng 100g, chiều dài có thể tới 11-12m, nếu như không nói trước đó là ruột heo thì ai cũng nghĩ là ni lông. Ông Nhuần cũng từng thắc mắc về loại vỏ này thì được các đầu mối cung cấp cho biết, ruột heo được xử lý theo công nghệ giống như cách… “thuộc da” nên dù một con heo chỉ có vài mét ruột nhưng với cách làm này có thể nối ruột heo dài hàng trăm mét.

 

Theo lời của một số chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng thủ công tại huyện Bình Chánh (TP.HCM), loại ruột heo đặc biệt này được bán lẻ tại một số chợ thuộc khu vực quận 5, quận 6 và được đưa từ Trung Quốc về. Với nhu cầu cần mua ruột heo khô về làm lạp xưởng, qua rất nhiều sạp hàng tại chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM), An Đông (quận 5, TP.HCM) chúng tôi được các tiểu thương chỉ dẫn tới sạp hàng Thành Ký tại chợ An Đông, nơi được biết đến như một đại lý đầu mối cung cấp hàng cho một số cơ sở sản xuất lạp xưởng và người mua lẻ.

Chúng tôi vừa hỏi mua, bà chủ sạp đã lôi ra rất nhiều xấp “ruột heo khô” đựng trong bịch lớn, kèm theo lời chào mời muốn mua bao nhiêu cũng có. Thật bất ngờ khi một xấp ruột heo khô có thể xuất ra khối lạp xưởng dài tới 11-12m nhưng giá bán lẻ chỉ 30.000 đồng. Trong khi với mức tiền ấy, nếu mua ruột heo tươi tự chế biến chỉ được không quá 2m.

Theo lời bà chủ sạp, chính vì vừa rẻ, vừa tiện lợi nên mặt hàng này đang được rất nhiều khách hàng hỏi mua. Bằng một số thí nghiệm đơn giản được chúng tôi thực hiện như đốt trên lửa, ngâm trong nước… với xấp “ruột heo” mua tại chợ, loại nguyên liệu này có vẻ giống với ni lông hay cao su hơn là một loại thực phẩm. Chẳng hạn, khi hơ trên lửa, chất liệu này săn và co rút lại rất nhanh, có mùi khét của nhựa (ảnh bên), và khi ngâm trong nước năm - sáu giờ đồng hồ thì không thấm nước, không có dấu hiệu bị bở.

Từng tận mắt chứng kiến một cơ sở sản xuất lạp xưởng tại Bình Chánh sử dụng loại “ruột heo” đặc biệt này, ông Bành Đức Liễu, Phó giám đốc trung tâm thú y vùng VI cũng không khỏi ngạc nhiên. Ông Liễu cho hay: “Chúng tôi sẽ sớm xem xét vấn đề này vì một điều đáng ngạc nhiên là ruột heo lại không có trong danh mục sản phẩm động vật cần kiểm dịch của cơ quan thú y, trong khi nguồn gốc các sản phẩm lại không rõ ràng”.

Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam, Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cho biết: ni lông hay nhựa nói chung là một loại hóa chất chỉ được dùng làm bao bì bên ngoài thực phẩm chứ không thuộc nhóm phụ gia, phẩm màu… sử dụng trực tiếp với thực phẩm. Ngay cả khi sử dụng làm bao bì, các loại nhựa nếu không đảm bảo đúng yêu cầu an toàn có thể sinh độc tố, nhiễm vào thực phẩm, gây hại đến sức khỏe người sử dụng. Nếu ruột heo khô được làm giả bằng chất nhựa, người ăn sẽ nạp trực tiếp vào cơ thể thì mối nguy hại ẩn chứa còn lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu và kết luận chính xác loại vỏ lạp xưởng này là chất liệu gì nên rất khó đưa ra những khuyến cáo mức nguy hại có thể tác động đến người sử dụng. Người tiêu dùng không nên chọn mua những sản phẩm mà mình nghi ngờ về độ an toàn, nhất là với những sản phẩm không có trong danh mục kiểm soát này.

Đại diện công ty Vissan cho biết, vỏ bọc lạp xưởng hiện nay sử dụng hai nguồn: ruột heo và ruột collagen. Loại ruột collagen làm bằng thực phẩm tổng hợp có tính năng co giãn, có thể ăn được và không gây độc hại cho người. Loại ruột collagen hiện nay chủ yếu hàng ngoại nhập. Riêng loại ruột heo khô thì khi ngâm vào nước sẽ mềm và có màu trắng ngà, dù có độ dai nhưng nếu dùng tay xé vẫn bị rách…

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Bạn có thể quan tâm