Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vô hiệu hóa iPhone để kiếm tiền

Nhiều người dùng iPhone tại Việt Nam phát hoảng khi chiếc điện thoại iPhone của mình đang dùng bỗng dưng bị khóa mọi chức năng và nhận được yêu cầu nộp tiền để mở khóa.

Anh T., một kỹ sư xây dựng tại Q.1, TP.HCM, cho biết: “Đầu tháng 6, tôi bị hack hộp thư email dùng đăng ký tài khoản Apple ID. Chỉ năm phút sau, chiếc iPhone 5 của tôi bị khóa. Trên màn hình khi mở lên xuất hiện một tin nhắn yêu cầu liên hệ một số điện thoại. Khi nhắn tin đến số này, hacker đòi tôi trả vài triệu đồng qua mạng để kích hoạt lại iPhone bị khóa”.

iPhone bị khóa kèm dòng tin nhắn để lại số điện thoại liên lạc của hacker.
iPhone bị khóa kèm dòng tin nhắn để lại số điện thoại liên lạc của hacker.

Tương tự, anh H. (TP.HCM) cũng bị khóa iPhone đòi tiền chuộc. Anh cho biết iPhone của mình bị khóa từ cuối tháng 3 và cũng bị đòi tiền chuộc mở khóa. Số tiền phải trả để mở khóa cho iPhone của anh T. và anh H. xê dịch từ 3-4 triệu đồng.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Phúc, chuyên gia bảo mật, cho biết: “Apple quản lý người dùng thiết bị của mình thông qua tài khoản Apple ID/iCloud. Người dùng iPhone hay iPad kết nối thiết bị với tài khoản Apple ID để cài đặt, mua sắm ứng dụng, nhạc, sách... trên Apple App Store hay iTunes Store và lưu trữ dữ liệu lên “đám mây” iCloud.com. Bên cạnh đó, iCloud.com cung cấp tính năng “Find My iPhone” giúp theo dõi và chống trộm bằng cách định vị vị trí của iPhone một cách liên tục trên bản đồ số, gửi tin nhắn vào máy bị thất lạc, khóa máy và xóa dữ liệu từ xa khi không có khả năng lấy lại máy bị mất. Theo cách đó, có tài khoản iCloud trong tay, hacker khóa iPhone từ xa và gửi tin nhắn vào máy đã khóa để nạn nhân liên hệ nộp tiền chuộc”.

Trường hợp hack tài khoản Apple iCloud qua đó khóa iPhone từ xa đòi tiền chuộc xuất hiện ở nhiều quốc gia như Úc, Nga và một số quốc gia Đông Âu. Theo Reuters, cảnh sát Nga đã bắt hai tội phạm mạng tuổi teen liên quan đến khóa iPhone đòi tiền chuộc vào ngày 10-6.

Nguy cơ ảnh hưởng tại Việt Nam lớn hơn rất nhiều xuất phát từ nhiều yếu tố liên quan đến thói quen người tiêu dùng. Đầu tiên là thói quen mua hàng xách tay từ thị trường nước ngoài, không có hóa đơn bán lẻ từ cửa hàng Apple hay nhà mạng phân phối, do đó rất khó khăn để nhận được hỗ trợ từ Apple. Bên cạnh đó, đại đa số người dùng không quan tâm đến tài khoản Apple iCloud, họ đem iPhone vừa mua ra các cửa hàng điện thoại nhờ cài đặt ứng dụng, chỉ cần biết máy có thể cài được ứng dụng là xong. Chủ cửa hàng thường dùng tài khoản Apple của mình cài đặt vào iPhone khách hàng. Khi tài khoản dùng chung này bị hack, hàng trăm iPhone khách hàng đều đối mặt nhiều nguy cơ như khóa iPhone từ xa đòi tiền chuộc, thông tin của họ gồm danh bạ, hình ảnh và dữ liệu bị hacker xâm phạm.

Theo ông Phúc, người dùng thường có thói quen đặt chung mật khẩu (password) cho nhiều tài khoản, trang web, hoặc đặt mật khẩu quá dễ đoán. Một khi đã sử dụng thiết bị Apple như iPhone và iPad, người tiêu dùng cần hiểu và biết cách dùng tài khoản iCloud.

Xử lý khi iPhone bị khóa

Máy bị khóa (lock) bằng tài khoản iCloud nào thì phải dùng đúng tài khoản iCloud đó để mở khóa (unlock). Tài khoản iCloud không thể nhập vào hay thay đổi trên iPhone từ xa mà chỉ có thể nhập bằng tay trực tiếp trên thiết bị. Do đó, tài khoản iCloud dùng để khóa máy từ xa (thông qua iCloud.com hoặc ứng dụng Find My iPhone có sẵn trên iPhone) phải là tài khoản đã được chính người dùng nhập trên thiết bị trước đó. Cơ chế bảo mật của Apple rất chặt chẽ về điều này.

Máy bị khóa do hacker lấy được tài khoản iCloud thì cần lấy lại được quyền kiểm soát tài khoản iCloud trước. Lưu ý: tài khoản iCloud cần lấy lại là tài khoản iCloud trước đây đã được nhập trực tiếp vài mục iCloud trong phần Thiết lập của thiết bị (Settings > iCloud).

http://nhipsongso.tuoitre.vn/Nhip-song-so/614048/Vo-hi%E1%BA%B9u-h%C3%B3a-iPhone-d%E1%BA%BB-ki%C3%A9m-ti%C3%A8n.html

Theo Tranh Trực/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm