Trước khi SEA Games diễn ra, các VĐV đội tuyển đều có chuẩn bị khá kỹ cho SEA Games 27 và cố gắng ứng phó với từng tình huống có thể bị xử ép. Sợ nước chủ nhà không bố trí hạng cân sở trường, cả Phạm Văn Mách, Nguyễn Anh Thông và Nguyễn Văn Lâm đều tham dự giải vô địch thế giới vào tháng 11/2013 vừa qua với nhiều hạng cân khác nhau.
Lực sĩ Phạm Văn Mách - Ảnh: Lâm Thỏa. |
Kết thúc giải vô địch thế giới, ngoài tấm HCV ở nội dung sở trường, các VĐV này đều giành được HCB hoặc HCĐ ở những nội dung cao hơn. Chính vì sự chuẩn bị khá tốt ấy nên các VĐV tin rằng, dù có bị “xử ép” thì sự vượt trội về đẳng cấp vẫn sẽ giúp họ giành được chiến thắng.
Không nằm ngoài dự đoán, khi bước vào SEA Games 27, nước chủ nhà đã cắt bỏ nhiều hạng cân thế mạnh của Việt Nam: không tổ chức thi cho nữ, và chỉ có 5 bộ huy chương được trao. Khi biết được điều này, HLV Huỳnh Anh xác định chúng ta giành được 1 HCV cũng đã là thành công.
HLV Huỳnh Anh cho biết: “Năm nay thể hình chỉ có 5 bộ huy chương và thông thường nước chủ nhà sẽ lấy từ 2-3 huy chương. Chúng ta chỉ có thể cạnh tranh ở 2 tấm huy chương còn lại. Thế nên, bước vào SEA Games chúng tôi chỉ đặt mục tiêu giành 1 tấm HCV, dù nếu đi thi đấu ở châu Á hoặc thế giới chúng ta đều có thể giành được ít nhất 2 HCV”.
Do đặc thù là môn biểu diễn và tấm HCV được quyết định thông qua thang điểm của BGK, thế nên chuyện các VĐV nước chủ nhà luôn được ưu ái trở thành bình thường. Các VĐV quốc gia khác tham dự hầu như chỉ có cơ hội cạnh tranh công bằng ở những nội dung mà nước chủ nhà không đăng ký.
Thế nên, khi những nhà vô địch thế giới như Anh Thông hay Phạm Văn Mách thất bại ở SEA Games bản thân các VĐV cũng cảm thấy đây không phải là cú “sốc” quá lớn. Phạm Văn Mách cho biết: “Tôi đã chuẩn bị khá kỹ cho SEA Games này, nhưng ngay cả khi ở đỉnh cao sự nghiệp, giành HCV SEA Games là cực khó nếu có VĐV nước chủ nhà tham dự”.