Ngày 26/1 tại Melbourne Park, Naomi Osaka và Petra Kvitova đã tạo nên trận chung kết Grand Slam hấp dẫn và kịch tính nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sau hơn 2 giờ thi đấu, tay vợt người Nhật Bản đã có chiến thắng 7-6 (2), 5-7 và 6-4 để lần đầu hưởng niềm vui chiến thắng tại Australian Open.
Bằng cách vượt qua hạt giống số 8 Kvitova, người từng 2 lần vô địch Wimbledon và sở hữu 26 danh hiệu trong sự nghiệp, Osaka đã vươn lên ngôi vị số 1 thế giới khi bảng xếp hạng được công bố vào ngày 28/1.
Naomi Osaka - niềm tự hào của thể thao Nhật Bản. |
Khi bông hoa bắt đầu nở
5 năm trước, một cô gái mới 16 tuổi và xếp hạng 406 thế giới đã tạo nên một cú sốc lớn khi đánh bại cựu vô địch US Open 2011 Samantha Stosur ở vòng 1 giải quần vợt Bank of the West Classic. Giới chuyên môn bắt đầu để ý đến cô bởi vóc dáng săn chắc cùng với những pha giao bóng có vận tốc lên tới gần 200 km/h.
Dù vậy, tay vợt người Nhật Bản bắt đầu có dấu hiệu chững lại khoảng 2 năm và chỉ quẩn quanh trong top 100 thế giới. Không bộc lộ tài năng sớm như cách mà Serena Williams hay Maria Sharapova từng làm nhưng Naomi Osaka đã bắt đầu có những bước tiến kể từ lần đầu tiên được đánh chính tại Australian Open 2017.
Mặc dù dừng bước tại vòng 2 trước hạt giống số 13 Johanna Konta, Osaka nhận được những lời khen của đối thủ: "Naomi là một trong những tay vợt đang lên với kết quả thực sự ấn tượng trong năm vừa qua".
Một năm sau, Naomi khiến tất cả phải kinh ngạc khi lên ngôi tại Indian Wells bằng chiến thắng dễ dàng trước Daria Kasatkina (Nga). Trên đường vào chung kết, tay vợt mới 20 tuổi khi đó đã lần lượt vượt qua các tên tuổi như Maria Sharapova, Agnieszka Radwanska, Karolina Pliskova và tay vợt số 1 thế giới Simona Halep.
Đó dường như là bước tiền đề để tay vợt người Nhật Bản tạo nên dấu mốc lịch sử tại US Open vào cuối năm đó. Cô đã có cuộc lật đổ thần tượng Serena Williams để nâng cao chiếc cup vô địch tại Flushing Meadows, và trở thành tay vợt đầu tiên của Nhật Bản làm được điều này tại một giải Grand Slam.
Osaka ăn mừng chiến thắng tại Australian Open. |
Chiến tích của Naomi được cả đất nước Nhật Bản ghi nhận. Gần 1 tháng sau, cô gái 20 tuổi trở về quê nhà để tham dự giải đấu Pan Pacific. Dù chỉ về nhì, Osaka vẫn được chào đón đặc biệt của người hâm mộ tại Tokyo.
Bước sang mùa giải mới với tư cách tay vợt hạng 4 thế giới, cô gái người Nhật Bản đã thẳng tiến vào chung kết Australian Open và sau đó lên ngôi vô địch. Naomi Osaka mới chỉ có đúng 3 danh hiệu trong sự nghiệp nhưng đó đều là những chức vô địch danh giá mà nhiều tay vợt khác ước muốn.
Ngày 28/1/2019, Naomi Osaka đã chính thức trở thành tay vợt nữ số 1 thế giới. Ở tuổi 21 và 104 ngày, cô trở thành tay vợt nữ trẻ nhất lần đầu vươn lên vị trí này kể từ khi Caroline Wozniacki làm được vào năm 2010 khi mới 20 tuổi và 92 ngày. Osaka cũng là tay vợt đầu tiên của Nhật Bản và châu Á giữ ngôi vị số 1 thế giới.
Sự khiêm nhường và khí phách người Nhật
Naomi sinh ra ở Nhật Bản và lớn lên ở Mỹ, có mẹ là người Nhật và bố người Haiti. Cô cùng với chị gái Mari được làm quen với quần vợt từ nhỏ. Cha của cô, ông Leonard Francois lấy cảm hứng từ Richard Williams, cha của Serena và Venus, đã dạy các con gái của mình chơi quần vợt mặc dù bản thân ông không có nền tảng về môn thể thao này.
Một người chơi tích cực, Osaka đã làm việc chăm chỉ để cải thiện khía cạnh tinh thần, cùng với đó là những vấn đề về chuyên môn. HLV Sascha Bajin, người từng dẫn dắt Serena Williams đánh giá cao sự bền bỉ của tay vợt người Nhật Bản.
Một Naomi giản dị, đời thường bên cạnh chiếc cup vô địch và đội ngũ huấn luyện. |
Sự năng động trên sân của cô gái 21 tuổi này được bù đắp bởi một sự quyến rũ thực tế, đã góp phần giúp cô lấy được thiện cảm của người hâm mộ trên toàn thế giới.
Trong khi nhiều đồng nghiệp của cô tiếp cận quần vợt với thái độ hiếu chiến, Osaka đã khiến người hâm mộ và giới truyền thông phải vui vẻ và hài hước khi phát biểu trên sóng truyền hình. Cô khẳng định tình yêu dành cho trò chơi điện tử hoặc các món ăn của Nhật Bản.
Hơn 4 tháng trước, Osaka đã bị tước đi một khoảnh khắc có lẽ là vui nhất trong sự nghiệp. Chiến thắng của cô đã bị hủy hoại một phần bởi việc Serena đã có những lời lẽ với trọng tài chính. Nhưng không có tiếng la ó nào vào tối thứ bảy tại Melbourne khi Osaka có chiến thắng nhọc nhằn trước Petra Kvitova.
Đôi mắt của Osaka lại trào lên những giọt nước mắt một lần nữa trong bài phát biểu chiến thắng, nhưng lần này là niềm vui, trái ngược với những cảm xúc mà cô thể hiện tại US Open khi đám đông ủng hộ Serena.
Khi được hỏi liệu cô có thấy mình là một hình mẫu sau chức vô địch Grand Slam, Osaka cho biết: "Quần vợt là một trò chơi, và ý tôi là luôn cố gắng hết sức. Nhưng đừng trông chờ tôi vì tôi không muốn chịu trách nhiệm nào đâu".
Chặng đường phía trước vẫn còn dài, và Naomi cần tiếp tục phấn đấu để chứng minh tài năng của mình. Vào đầu tháng 3, cô sẽ có nhiệm vụ bảo vệ chức vô địch tại Indian Wells, xa hơn nữa là các danh hiệu lớn và đặc biệt là tấm HCV Olympic được tổ chức tại quê nhà Tokyo vào năm 2020.
Bảng xếp hạng WTA ngày 28/1, Osaka lên số 1 thế giới. |