Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ con 6 người chết ở bể dầu cá được nhận vào làm việc

Nhà máy tinh luyện dầu cá ở Đồng Tháp sẽ thu nhận vợ, con của 6 cán bộ, nhân viên thiệt mạng vào làm việc để góp phần làm vơi đi sự đau thương, mất mát quá lớn.

Sau cái chết của 6 cán bộ, nhân viên nhà máy tinh luyện dầu cá (ở huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp) thuộc công ty CP Ðầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (Tập đoàn Sao Mai An Giang) hôm 4/9, ông Hồ Mạnh Dũng, giám đốc ban điều hành dự án nhà máy, sáng 6/9 đã tiết lộ với phóng viên nhiều thông tin liên quan đến sự cố này.

Ông Mai Văn Trường (phải) - cha của anh Mai Hữu Tôn, Giám đốc Nhà máy Tinh luyện dầu cá - khóc thương con trai tử nạn hôm 4/9.

Ông Dũng cho biết vào năm 2011, Sao Mai An Giang cùng Tập đoàn Desmet Ballestra (Bỉ) khởi công xây dựng nhà máy tinh luyện dầu cá, thực phẩm chức năng tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 15 triệu USD. Nhà máy đặt tại Cụm Công nghiệp Vàm Cống (Ðồng Tháp), có tổng diện tích 23.450 m2, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 12/2013. Theo ông Dũng, đây là nhà máy tinh luyện mỡ cá thành dầu thực phẩm đầu tiên ở Việt Nam và lớn nhất khu vực châu Á. Công suất của nhà máy khoảng 100 tấn nguyên liệu/ngày.

Khác với dây chuyền sản xuất dầu bio diesel cũng từ mỡ cá tra, nguyên liệu dầu tinh luyện của nhà máy này không pha trộn với bất kỳ loại hóa chất nào để bảo đảm tuyệt đối về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, nguyên liệu dầu tinh luyện chứa trong 14 bồn chứa khép kín của nhà máy sẽ không phát sinh khí độc hại gây chết người.

Ông Dũng cho biết do hệ thống dây chuyền hoạt động của nhà máy đều tự động hóa nên ban điều hành chỉ bao gồm 12 người. Ðội ngũ kỹ sư này có tay nghề cao và được các chuyên gia nước ngoài huấn luyện thường xuyên từ đầu năm đến nay.

Trước thông tin nhà máy không trang bị bảo hộ lao động cho cán bộ, nhân viên nên mới xảy ra sự cố chết người, một cán bộ của nhà máy khẳng định: Trước ngày xảy ra sự cố, cán bộ, nhân viên của nhà máy đã được tập huấn kỹ thuật và an toàn lao động đến tận 19h. Thế nhưng, sáng hôm sau, do nôn nóng, chủ quan trong quá trình lấy mẫu kiểm nghiệm nên kỹ sư Lâm Thanh Phong đã tự ý leo sâu vào bên trong bồn dẫn đến chết ngạt vì thiếu ôxy. Năm người còn lại vì muốn cứu đồng nghiệp nhanh chóng nên vội vàng leo vào bồn dẫn đến tử vong.

"Ngoài việc hỗ trợ tiền và gấp rút giải quyết các chế độ, chính sách cho anh em gặp nạn, chúng tôi sẽ xem xét thu nhận vợ, con của họ vào để đào tạo làm việc tại nhà máy nếu những người này có nhu cầu. Ðây là việc làm cần thiết để giúp gia đình họ vơi đi phần nào nỗi đau thương, mất mát" - ông Dũng ngậm ngùi.

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm