Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chủ quan, sai quy trình làm 6 người chết trong bể dầu cá

Sai quy trình lấy mẫu dầu cá, chủ quan khi cứu người bị ngạt là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 6 người tại Đồng Tháp.

Nguyên nhân dẫn đến vụ nghi ngạt khí khiến 6 người tử vong tại bồn chứa dầu (mỡ cá) thuộc dự án Nhà máy tinh luyện dầu cá (công ty cổ phần đầu tư phát triển IDI, ấp An Thạnh, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã được xác định. 

Ngày 5/9 ông Hồ Mạnh Dũng - Giám đốc điều hành dự án Nhà máy tinh luyện dầu cá - cho biết hiện nhà máy vẫn trong quá trình hoàn thiện và cho vận hành thử nghiệm hơn một tháng nay. Về nguyên tắc, khi lên bồn chứa lấy mẫu (dầu cá) thì phải có 3 người, nhưng lúc xảy ra tai nạn chỉ 2 nhân viên lấy mẫu là Lâm Thanh Phong (35 tuổi) và Trần Tấn Lợi (27 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đồng Tháp).

Ông Hồ Mạnh Dũng cho biết do sơ suất trong quy trình lấy mẫu, chủ quan khi cứu người đã dẫn đến tai nạn làm 6 người chết.

Do bể dầu (cao 6m) chỉ còn 1/3 lượng dầu trong bồn nên dụng cụ lấy mẫu ngắn, với không tới nên anh Phong đã leo cầu thang xuống gần đáy bồn. Do thiếu dưỡng khí, anh Phong đã ngã. Khi đó, anh Lợi phát hiện sự việc liền tri hô mọi người đến hỗ trợ rồi leo xuống phía dưới và bị ngạt. 

Các anh Mai Hữu Tôn (31 tuổi, Giám đốc nhà máy tinh luyện dầu cá, ngụ Đồng Tháp), Triệu Bá Trà (39 tuổi, Phó Giám đốc, ngụ TP.Cần Thơ), Lê Đình Thái (27 tuổi), Lê Xuân Thuận (20 tuổi, cùng ngụ Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá) đang ngồi trong phòng họp, nghe tiếng kêu cứu đã chạy đến hỗ trợ.

Do chủ quan không định liệu trước được tình huống xảy ra, các anh lần lượt leo xuống và bị thiếu dưỡng khí giống 2 trường hợp trước. Riêng anh An cũng đã leo xuống bồn chứa dầu nhưng vừa bước được 2 - 3 nấc thang thì thấy khó thở nên leo lên. 

Lúc này, mọi người mới hoảng hốt, tháo nắp bồn chứa dầu (nắp xả) phía dưới để đưa tất cả mọi người đi cấp cứu nhưng không kịp. “Các bồn chứa dầu cá được đậy nắp thường xuyên nên lượng oxy rất thấp. Thông thường, khi mở nắp bồn phải chờ một thời gian nhất định để tăng lượng oxy. Tuy nhiên, do sơ xuất trong quy trình lấy mẫu, chủ quan khi cứu người của các nhân viên đã dẫn đến sự cố đáng tiếc này. Sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo công ty đánh giá rất cao tinh thần cứu đồng nghiệp của anh em là rất đáng quý, đáng trân trọng”, ông Dũng nói.

Nắp xả được tháo ra để đưa các nạn nhân đi cấp cứu.

Được biết, nhà anh Tôn (Giám đốc nhà máy) chỉ cách nơi làm việc chừng 1km. Ngay trong tối ngày 4/9, khi thi thể anh được đưa về nhà an táng đã có rất đông bà con lối xóm đến chia buồn, giúp đỡ gia đình lo hậu sự. Người dân địa phương cho biết, gia đình ông Mai Văn Trường (SN 54 tuổi, cha anh Tôn) rất nghèo. Anh là con trai độc nhất của gia đình, hiện đã có vợ (làm chung công ty) và đứa con gái lên 3 tuổi. Hằng ngày, ông Trường phải đi đi đạp xe ba gác, làm thuê, làm mướn để nuôi con ăn học.

Thương cha, anh Tôn chịu khó học tập và tốt nghiệp trường ĐH bách khoa TP.HCM vào năm 2007. Đến cuối năm 2010, anh nhận công tác tại công ty IDI và mới được bổ nhiệm Giám đốc nhà máy cách đây mấy tháng thì xảy ra sự cố đau lòng này.

Đình Đình

Bạn có thể quan tâm