Nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, con gái cố danh họa Nguyễn Phan Chánh trò chuyện với Zing.vn tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam khi bà vừa kết thúc một cuộc họp với Ban nhà văn nữ.
Dù phóng viên đã biết về bà, nữ tác giả vẫn cặn kẽ giới thiệu bản thân: “Tôi là nhà văn Nguyệt Tú, năm nay 92 tuổi” với phong thái điềm đạm, khiêm tốn.
Nhà văn Nguyệt Tú tác giả của nhiều cuốn sách như Chuyện tình của các chính khách Việt Nam, Bác Hồ với thiếu nhi và phụ nữ. Ảnh: Quang Đức. |
Viết sách để ghi lại hành trình đi và nhớ
Trong cuộc họp của Ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn Việt Nam cách đây không lâu, nhà văn Nguyệt Tú được nêu gương là một trong những tác giả có nhiều sách xuất bản nhất, với 5 đầu sách trong khoảng thời gian từ tháng 10/2015 đến 10/2016. Dù tuổi cao, bà vẫn miệt mài sáng tác, thậm chí dịch cả sách cho thiếu nhi.
Bà chia sẻ: “Với tôi viết sách là để ghi lại hành trình đi và nhớ. Người trẻ thường nhìn về phía trước, còn người già hay nhìn lại phía sau. Tôi từng nhiều năm làm báo rồi chuyển sang làm ở nhà xuất bản. Được đi nhiều, gặp gỡ nhiều người nên tôi muốn viết lại, trước hết là để con cháu mình đọc, sau là cho độc giả cảm nhận”.
Về cơ duyên đến với văn chương, nữ tác giả 92 tuổi cho biết năm 80 tuổi bà viết hồi ký. Sau khi gửi cho giáo sư văn học Hoàng Như Mai đọc, ông dành nhiều lời khen tặng cho câu chữ của bà và khuyên nữ tác giả nên tiếp tục sáng tác để không lãng phí những trải nghiệm quý báu.
“Giáo sư Hoàng Như Mai bảo với tôi rằng: 'Chị cứ yên tâm, đọc sách của chị, tôi thấy chị vẫn có thể đi và viết nhiều hơn nữa'. Đó là lời động viên mà tôi không bao giờ quên. Từ đó đến nay, ngày nào tôi cũng dành thời gian viết và dịch sách” – nhà văn Nguyệt Tú nhớ lại.
Đi và nhớ - cuốn sách mới xuất bản của nữ tác giả 92 tuổi. Ảnh: NXB Phụ nữ. |
Băn khoăn vì ngôn ngữ tiếng Việt sa sút
Do tuổi cao, mắt kém nhà văn Nguyệt Tú không thể tự đánh máy tác phẩm của mình. Bà phải nhờ con cháu và các tình nguyên viên giúp đỡ. “Tôi đọc và sau đó các em đánh máy lại. Tôi không thấy bất tiện vì làm việc với người trẻ thích lắm. Tiếp xúc với các em, thấy mình cũng trẻ hơn” – nữ tác giả nói.
Yêu mến người trẻ nhưng nhà văn Nguyệt Tú lại không hài lòng với cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của nhiều bạn trẻ hiện nay. Tác giả Đi và nhớ cho rằng giới trẻ hiện nay chủ yếu đọc trên mạng và ít dành thời gian đọc sách nên việc sử dụng câu chữ còn hạn chế.
“Các em chưa ham thích việc đọc sách nên văn hóa đọc chưa cao. Các em hay đọc văn trên mạng mà văn trên đấy rất kém. Điều này khiến tôi rất băn khoăn vì ngôn ngữ tiếng Việt trở nên sa sút” – nhà văn Nguyệt Tú chia sẻ.
Bên cạnh đó, nữ tác giả cao tuổi nhất Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho biết bà còn nhiều điều trăn trở với lớp trẻ, trong đó có khả năng ngoại ngữ. Theo bà, giới trẻ hiện nay đã nhận biết được tầm quan trọng của ngoại ngữ nhưng lại ít người sử dụng được thuần thục.
“Lớp trẻ cần phải vừa sử dụng chuẩn mực tiếng Việt vừa thuần thục ngoại ngữ. Thời của chúng tôi, rất nhiều người giỏi tiếng Pháp mà đều là tự học. Học được một ngoại ngữ rồi phải học sang ngoại ngữ khác. Tôi vốn học tiếng Pháp ở trường Đồng Khánh trong Huế nhưng sau học cả tiếng Anh để còn dịch sách” – nữ nhà văn gạo cội bày tỏ.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, phu nhân của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo cũng bật mí muốn học ngoại ngữ tốt hay muốn làm bất cứ điều gì cần phải xây dựng được nguồn cảm hứng.
“Nếu có cảm hứng thì mọi chuyện đều trở nên dễ dàng. Tôi có cảm hứng viết nên ngày nào cũng phải dịch hoặc sáng tạo một câu chuyện gì đó. Ngoài ra, tôi còn làm thơ. Mỗi sáng sớm, khi lắng nghe những âm thanh của ngày mới, lúc đó, nguồn cảm hứng trong tôi tràn trề. Và tôi sẽ không nghĩ đến việc gì khác ngoài sáng tạo tác phẩm” – tác giả Chuyện tình của các chính khách Việt Nam tiết lộ.