Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vợ chồng nhiều năm cùng đón Tết trên tàu

Theo phiên vụ, anh Nguyễn Xuân Trường - Tổ tàu SP1/2 tuyến Hà Nội - Lào Cai sẽ đi tàu đúng hôm mùng Một Tết này.

Vợ anh, chị Nguyễn Thị Thúy làm cùng Trạm công tác trên tàu Thống Nhất. Tết này họ lại đón Giao thừa trên tàu, lại xa nhau, xa gia đình để phục vụ hành khách.

Gần như năm nào tổ của anh Trường cũng đón Tết trên tàu, anh em quây quần trong toa xe chúc Tết nhau, chúc hành khách năm mới bình an. Thường những chuyến tàu Tết vắng vẻ lắm nên cũng buồn. Nhìn qua cửa sổ toa tàu thấy đường phố rực rỡ ánh đèn, gia đình sum họp, họ lại càng nhớ nhà, nhớ con. Nhưng đành nén lòng, anh em tổ tàu động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.

“Gần nhau mà xa vời vợi”

“Thà công tác xa hẳn thì là một nhẽ, đằng này mang tiếng làm cùng xí nghiệp nhưng cả tháng hai vợ chồng mới được gặp nhau vài lần” - anh Nguyễn Xuân Trường - Tổ tàu SP1/2 tuyến Hà Nội - Lào Cai, mở đầu câu chuyện với tôi.  Tôi có ý muốn gặp cả hai vợ chồng để nghe họ kể về nghề, về gia đình, nhưng chị Nguyễn Thị Thúy - vợ anh đang phục vụ trên chuyến tàu Thống Nhất vào TP.HCM, phải 3 hôm nữa mới về.

Tổ tàu Lào Cai phục vụ hành khách trên chuyến tàu cuối năm.

Trường năm nay 31 tuổi, nhưng trông già dặn và đã có 2 cậu con trai kháu khỉnh. Hai vợ chồng làm cùng Trạm Thống Nhất nhưng đi hai tổ tàu khác nhau. Trường đi Tổ SP1/2 tuyến Hà Nội  - Lào Cai, còn vợ đi Tổ SE5/6 tuyến Hà Nội - Sài Gòn. Trường kể, hồi trước, hai người làm cùng tổ nên mới quen và yêu nhau, nhưng khi cưới xong anh quyết định xin chuyển sang tổ khác để tiện chăm lo con cái, cứ anh đi tàu thì vợ ở nhà ít hôm và ngược lại.

Nhà ở Phú Thọ, Trường cùng mấy anh em đồng nghiệp thuê nhà ở gần ga để tiện đi lại. Còn vợ Trường ở nhờ nhà cậu. Hai cậu con trai được gửi về quê nội, nên những ngày không phải đi tàu, cả hai vợ chồng đều cố gắng thay nhau về với con được mấy hôm lại đi. Cao điểm Tết này, Xí nghiệp tăng chuyến nên thời gian hai vợ chồng gặp nhau càng ít. Cũng vì vậy, nên mỗi lần gặp, Trường lại cố gắng chăm lo nhà cửa, động viên vợ vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những lần họ hàng có công to việc lớn, cả hai phải cắt cử nhau đến chứ ít khi được sóng đôi như những gia đình khác.

Ở Trạm công tác trên tàu Thống Nhất nằm trong khuôn viên ga Trần Quý Cáp, Hà Nội có 3 cặp vợ chồng như thế. Ngoài vợ chồng anh Trường, chị Thúy, còn vợ chồng anh Lưu Văn Hùng và chị Nguyễn Kim Thoa; vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường Bắc và chị Trần Thị Thanh Tú. Mang tiếng hai vợ chồng làm cùng trạm, nhưng lại ở hai tổ tàu khác nhau nên cứ như mặt trăng với mặt trời, cả tháng mới được gặp mặt nhau vài ngày. Tết này họ lại đón Giao thừa trên tàu, lại xa nhau, xa gia đình để phục vụ tốt nhất hành khách. Tôi cứ nhớ mãi câu nói của Trường: “Mang tiếng gần nhau, sao cứ xa vời vợi”. Cái nghề tàu vốn thế, phần lớn thời gian dành cho những chuyến tàu xuôi ngược. Thế nên họ chắt chiu những khoảnh khắc ít ỏi bên nhau.

Anh Nguyễn Xuân Trường.

Tết sớm, Tết bù

Ông Huỳnh Cường - Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội tâm sự: Tết năm nào cũng vậy, gần như cả xí nghiệp không được nghỉ, toàn bộ các tổ tàu đều làm việc nên xí nghiệp đã bố trí cho cán bộ công nhân viên đón Tết sớm, bố  trí nghỉ bù để anh chị em có thời gian chăm lo gia đình.

"Năm nay, ngoài tiền thưởng Tết khoảng 16 triệu đồng/người, mỗi cán bộ, công nhân viên tham gia trực Tết đều được bồi dưỡng từ 300.000 - 500.000 đồng. Các tổ tàu phục vụ Tết được bồi dưỡng từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Các trạm, đội... cũng đều có phần quà động viên anh em. Tổ tàu đi đêm Giao thừa sẽ được lãnh đạo xuống tận nơi động viên, tặng quà. Đây là tấm lòng của lãnh đạo xí nghiệp đối với anh em luôn phải vất vả vì nhiệm vụ, thậm chí có phần hy sinh những thời khắc quây quần đầm ấm bên gia đình trong những ngày Tết, để những chuyến tàu được an toàn. Anh em quyết tâm không để bất cứ hành khách nào bị lỡ tàu, hoặc không thể về quê vì không có tàu. Đây không những là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm của người đường sắt", ông Cường nói.

http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/201401/tet-cua-nhung-nguoi-khong-tet-vo-chong-cung-don-tet-tren-tau-445570/

Theo Báo Giao Thông

Bạn có thể quan tâm