Sam Bankman-Fried phát biểu từ xa tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook. Ảnh: The New York Times. |
Trong bài phát biểu qua video tại Hội nghị thượng đỉnh DealBook của The New York Times diễn ra vào đầu tháng 12, cựu CEO sàn giao dịch tiền điện tử FTX cố tạo ra dáng vẻ thiện cảm từ căn phòng cá nhân tại thiên đường miễn thuế Bahamas.
Vỏ bọc nhân đạo
“Có rất nhiều thứ tác động lớn đến thế giới. Đó là điều tôi quan tâm nhất. Tôi thẳng thắn nghĩ rằng ngành công nghiệp blockchain có thể ảnh hưởng tích cực. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về màn ngủ và bệnh sốt rét, về việc cứu người khỏi những căn bệnh để không ai phải chết”, Sam Bankman-Fried nói.
Theo New York Times, đó là ngôn ngữ của chủ nghĩa vị tha hiệu quả (Effective Altruism - E.A), một trào lưu sử dụng trí tuệ và dữ liệu để thực hiện các công việc nhân đạo. Từ lâu, Sam Bankman-Fried đã thể hiện mình là một người theo E.A nhằm tạo ra sự khác biệt với các tỷ phú tiền mã hóa.
Làm ra nhiều để cho đi nhiều, hướng lợi nhuận đến nơi quan trọng nhất là điều mà Sam Bankman-Fried nói đến. Tuy nhiên, khi sàn giao dịch FTX sụp đổ, quét sạch tài sản của các nhà đầu tư nhỏ và tàn phá ngành công nghiệp blockchain, liệu có ai tin rằng dòng tiền hàng tỷ USD được tạo ra bằng giao dịch qua lại giữa FTX và Alameda Research - một tổ chức khác cũng do ông lập ra - được dùng vào mục đích “màn ngủ và bệnh sốt rét” hay cứu sống người nghèo?
Nhưng mùa hè năm ngoái, Bankman-Fried đã nói với Gideon Lewis-Kraus của tờ The New Yorker về một điều hoàn toàn khác.
“Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy chưa bao giờ trải qua giai đoạn ngủ màn và coi những vấn đề ngắn hạn - sức khỏe toàn cầu và nghèo đói - thiên về tình cảm nhiều hơn”, Lewis-Kraus viết.
Những người vị tha hiệu quả nói về cả “chủ nghĩa cận hạn” và “chủ nghĩa dài hạn”. Bankman-Fried muốn tiền của mình được dùng để giải quyết các mối đe dọa dài hạn, như mối nguy do trí tuệ nhân tạo vượt khỏi tầm kiểm soát gây ra. Hỗ trợ loại bỏ các bệnh nhiệt đới là việc của người khác, những ai thực sự quan tâm đến vấn đề này. “Không phải tôi hoặc ai đó tương tự”, cựu CEO FTX cho biết.
Vấn đề của chủ nghĩa vị tha hiệu quả (Effective Altruism)
Bận tâm của Sam Bankman-Fried về các cỗ máy chiếm lĩnh thế giới trong tương lai nghe có vẻ kỳ quặc. Tuy nhiên, nhiều tài liệu E.A có ảnh hưởng lớn, các cuốn sách cũng nói về điều này. Các nhu cầu cấp thiết, hiện hữu, kể cả các đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu, đại dịch bị lơ đi, trong khi những thứ viễn tưởng hơn về thuộc địa không gian, AI lại được thổi phồng.
Một số đầu sách có ảnh hưởng của E.A. Ảnh: New York Times. |
Superintelligence (2014) của Nick Bostrom cảnh báo về những mối nguy hiểm do máy móc có thể học cách suy nghĩ tốt hơn chúng ta; The Precipice (2020) của Toby Ord liệt kê những trận đại hồng thủy có thể hủy diệt chúng ta.
Trong cuốn sách bán chạy gần đây, What We Owe the Future (2022), MacAskill nói rằng trường hợp lòng vị tha hiệu quả ưu tiên cho quan điểm dài hạn có thể được chắt lọc thành 3 câu đơn giản: “Những người trong tương lai được tính đến. Có thể họ rất đông. Chúng ta có thể làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn”.
Theo New York Times, trong khi những tác giả thuộc chủ nghĩa vị tha hiệu quả này bận tâm nghĩ cho những người trong tương lai thì họ lại phớt lờ con người hiện tại.
Vào năm 2015, MacAskill đã xuất bản cuốn sách Doing Good Better cũng nói về những đức tính của lòng vị tha hiệu quả. Mối quan tâm của ông trong cuốn sách đó (mù, tẩy giun) có vẻ rất kỳ lạ khi so sánh với những phỏng đoán về cõi trung giới (AI, xây dựng một “nền văn minh giữa các vì sao”) mà ông đề cập trong What We Owe the Future.
“Kiếm tiền để cho đi” là quan điểm bắt nguồn từ công trình của nhà triết học theo chủ nghĩa thực dụng cấp tiến Peter Singer, người có bài tiểu luận Famine, Affluence and Morality năm 1972 và trở thành nền tảng lý luận của E.A.
Singer cũng viết cuốn sách về lòng vị tha hiệu quả The Most Good You Can Do (2015). Trong đó, ông lập luận rằng việc tham gia vào lĩnh vực tài chính sẽ là một lựa chọn nghề nghiệp tuyệt vời cho những người theo E.A. Ông thừa nhận có những rủi ro nhưng cho rằng chúng đáng giá.
Có thể Sam Bankman-Fried không đọc những quyển sách này, vì ông từng cợt nhả với một nhà văn rằng ông ta không bao giờ đọc sách và không thấy quyển sách nào đáng đọc. Dù vậy, ông cũng cố chứng tỏ rằng mình là người theo chủ nghĩa E.A.