Sắp tới, VNPT sẽ công bố dịch vụ băng rộng thế hệ mới với chế độ bảo mật tốt hơn, tốc độ cao và dung lượng không giới hạn cho người dùng, hứa hẹn mở ra cuộc đua mới cho thị trường, trong đó khách hàng là đối tượng được hưởng lợi ích lớn nhất.
Đầu tư tuyến cáp mới, ổn định đường truyền
Thị trường mảng dịch vụ truyền thống (di động và Internet) trong thời gian vừa qua có sự biến động liên tục khi các nhà mạng có nhiều động thái cạnh tranh. Với nền tảng sẵn có, VNPT giành được nhiều lợi thế trong cuộc chiến thị phần.
Tập đoàn đang quản lý trực tiếp trạm cập bờ của 2 tuyến cáp quang biển lớn là SMW-3 và AAG; sở hữu hệ thống 2 vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 giúp bổ sung, tăng cường kết nối tới các nước trong khu vực Đông Nam Á và lân cận.
Trước đó, năm 2016, VNPT là một trong 2 đơn vị duy nhất của Việt Nam tham gia đầu tư và được quyền sử dụng tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất châu Á hiện nay APG (Asia-Pacific Gateway).
VNPT tăng đầu tư hạ tầng, chiếm ưu thế trong cuộc đua thị phần. |
Đơn vị cũng công bố đầu tư 44 triệu USD nhằm chấm dứt hiện tượng gián đoạn dịch vụ khi AAG gặp sự cố, tăng tốc độ kết nối Internet quốc tế cho người dùng trong nước. Tuyến cáp quang APG có khả năng cung cấp băng thông tới 54 Tbps, nhanh gấp 20 lần tốc độ đường của AAG. Tuyến cáp AAE-1 (AAE1-Asia Africa Euro 1) nối các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi cũng đang được đầu tư và dự kiến hoạt động trong năm nay.
Hai tuyến cáp quang biển quốc tế mới và nền tảng sẵn có đã giúp VNPT trở thành đơn vị có hạ tầng truyền dẫn mạnh, hoàn chỉnh nhất. Minh chứng nổi bật nhất là sự cố đường tuyến cáp quang biển vừa qua, nhà mạng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Sự đầu tư cho hạ tầng đường truyền của VNPT đã đem lại kết quả khả quan với thị phần thuê bao Internet cáp quang tăng từ 33,3% (cuối năm 2015) lên mức 44,8% (cuối năm 2016). Đến quý 1, VNPT dẫn đầu mảng Internet cáp quang với 46,01% thị phần.
Ưu đãi gói cước thu hút người dùng mới
Trong cuộc chạy đua hút khách và cạnh tranh thị phần, xây dựng các gói cước ưu đãi là động thái nhiều đơn vị áp dụng. Không nằm ngoài xu thế đó, VNPT đưa ra gói FiberVIP “Truy cập VIP - Giá bình dân”, kết hợp mức phí ưu đãi khi sử dụng thêm MyTV và di động trả sau.
Theo đó, Fiber VIP30 có mức phí 349.000 đồng/tháng với tốc độ truy cập 30 Mbps. Gói cước này tích hợp với MyTV và bảo mật thông tin F-Secure, di động VinaPhone, phù hợp nhu cầu hộ gia đình.
Nhà mạng cũng áp dụng các gói Fiber16, Fiber20, Fiber30, Fiber40, FiberNet với tốc độ truy cập tối thiểu 16 Mbps cùng giá cước 170.000 đồng/tháng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.
Tuy nhiên, việc chạy đua giảm cước không phải là hướng đi dài hạn khi chỉ số doanh thu/thuê bao (ARPU) trung bình hiện nay của cáp quang đang ở mức thấp (khoảng 200.000 đồng/tháng). Nhiều đơn vị chọn nâng cấp chất lượng dịch vụ như một hướng đi dài hạn và giảm giá gián tiếp cho người dùng.
Gần đây nhất, VNPT đưa ra thông báo tăng tốc độ gói cáp quang lên khoảng 25-50%, giữ nguyên giá cước tại TP.HCM và Hà Nội. Nhà mạng cũng ra mắt dịch vụ băng rộng thế hệ mới, tăng cường tính bảo mật thông tin cho khách hàng.