Tại cuộc họp về đề án cơ cấu lại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) diễn ra hôm 28/3 do Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh chủ trì, bà Nguyễn Thị Nhung - Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng cho biết Ủy ban đã có văn bản gửi hội đồng thành viên VNPT chỉ đạo tập đoàn hoàn thiện đề án cơ cấu lại.
Sau khi nhận được báo cáo phản hồi công tác hoàn thiện đề án, đại diện lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng nhấn mạnh một số nội dung cần VNPT cần lưu ý hoàn thiện là thời gian thực hiện thoái vốn và các số liệu tài chính nêu trong đề án.
Với những đề xuất, kiến nghị của VNPT, Vụ Công nghệ và Hạ tầng đã có hướng dẫn liên quan tới công tác thoái vốn tại đơn vị thành viên, trình tự thủ tục sáp nhập một số đơn vị thành viên vào công ty mẹ...
Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh đánh giá cao nỗ lực của VNPT trong việc xây dựng và hoàn thiện đề án. Ngoài ra, ông nhận định đề án cơ cấu lại VNPT cơ bản phù hợp với những chiến lược phát triển của tập đoàn trong thời gian tới.
Theo ông Cảnh, công tác cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước cần được nhìn nhận từ điểm xuất phát là tính cấp thiết của hoàn cảnh khách quan và từ chính nhu cầu nội tại của doanh nghiệp. VNPT đang có những chuyển dịch ngành nghề kinh doanh cốt lõi từ dịch vụ viễn thông sang lĩnh vực công nghệ thông tin, tham gia sâu rộng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin tại các cơ quan, địa phương trên khắp cả nước.
Do vậy, việc muốn chuyển dịch ngành nghề kinh doanh cốt lõi hiệu quả và thành công thì bộ máy tổ chức của VNPT phải có sự cơ cấu lại phù hợp. Từ đó bộ máy tổ chức mới của tập đoàn mới có thể hỗ trợ hiệu quả những chiến lược phát triển mới của VNPT trong giai đoạn tới.
Việc xây dựng chiến lược phát triển và kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn là điều tất yếu, đi kèm với đó là việc rà soát và xây dựng đề án cơ cấu lại VNPT để phù hợp, đồng bộ tương ứng.
Tại buổi họp, Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh giao Vụ Công nghệ và Hạ tầng làm đầu mối, phối hợp các đơn vị và VNPT hoàn thiện dự thảo đề án trong tháng 3 để trình lên Thủ tướng.
Trong báo cáo ước tính hoạt động kinh doanh công bố cuối năm 2022, VNPT thu về 55.209 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và đạt 97,5% kế hoạch. Lợi nhuận tập đoàn vượt kế hoạch 4,6%, đạt 6.629 tỷ. VNPT nộp ngân sách Nhà nước 5.228 tỷ đồng, vượt kế hoạch 3,5%.
Năm 2014, VNPT bắt đầu tiến hành tái cơ cấu theo các Quyết định số 888/QĐ-TTg và Quyết định số 2129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Quyết định số 888/QĐ-TTg: VNPT đã thực hiện nhiệm vụ tách Công ty MobiFone và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ra khỏi Tập đoàn, đồng thời kiện toàn bộ máy hoạt động của các đơn vị phụ thuộc như VinaPhone, VTI, VTN, VASC, VASC và Viễn thông tại 63 tỉnh, thành phố theo mô hình chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên biệt và khác biệt.
- Quyết định số 2129/QĐ-TTg: VNPT đã định hướng lại để Công ty VNPT-IT và VNPT-VinaPhone thống nhất đầu mối kinh doanh dịch vụ quốc tế cũng như các dịch vụ CNTT trong nước. Ngoài ra, VNPT cũng tập trung phát triển Công ty VNPT Technology, sắp xếp lại các công ty cổ phần và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành theo đúng tinh thần của Quyết định này.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...