Theo một phương án trình lên Chính phủ gần đây, Mobifone nhiều khả năng sẽ được “lên lon” tổng công ty, đồng thời tách ra khỏi VNPT để chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Trở thành 1 tổng công ty trực thuộc Bộ, Mobifone có nhiều điều kiện phát triển hơn. Tuy nhiên, Mobifone sẽ không ra đi một mình. Theo phương án đề ra, sau khi trở thành tổng công ty, Mobifone sẽ phải “gánh” theo công ty Tài Chính Bưu điện, 2 vệ tinh Vinasat cùng nhiều khoản đầu tư chuyển sang để "nhờ" Mobifone thoái hộ.
Gánh nặng Vinasat
Hồi tháng 7, theo kết luận của thanh tra Chính phủ, dự án phóng vệ tinh Vinasat 1 (tổng mức đầu tư chưa có thuế VAT là 3.854 tỷ đồng), thực tế khai thác từ năm 2008 – 2011 đã lỗ gần 1.589 tỷ đồng, vượt số lỗ dự kiến là 329 tỷ đồng. Vinasat 2 có tổng mức đầu tư lớn hơn, chưa có VAT đã trên 5.426 tỷ đồng. Nhưng theo Thanh tra Chính phủ, hiệu quả kinh tế của dự án này, nếu ở mức khai thác tốt nhất vẫn lỗ khoảng 62 – 130 triệu USD, trường hợp xấu nhất có thể lên tới 216 triệu USD. Đây là những con số thua lỗ đáng giật mình, vì khi bắt đầu có chủ trương triển khai dự án, người ta chỉ vẽ lên những con số rất đẹp.
Đà lỗ của Vinasat khó có thể dừng trong một sớm một chiều. Việc gánh thêm 2 vệ tinh này chắc chắn sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả kinh doanh của Mobifone khi ra ở riêng. Và đây cũng không phải cục nợ duy nhất.
Tài chính Bưu điện - âm vốn chủ sở hữu
Một công ty khác được chuyển sang Mobifone đó là công ty Tài chính Bưu điện (PTF). Vốn điều lệ có 500 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2012, PTF đã lỗ tới 635 tỷ đồng, tương ứng vốn chủ sở hữu âm 127,5 tỷ. Với việc âm vốn chủ sở hữu thì nay VNPT coi như đã mất trắng khoản đầu tư này.
Mobifone thoái vốn hộ VNPT
Theo đề án tái cấu trúc, VNPT sẽ chuyển giao hàng loạt khoản đầu tư sang Mobifone để doanh nghiệp này thoái vốn hộ. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp có lịch sử thua lỗ, giá cổ phiếu trên sàn rất thấp. Bản thân VNPT cũng từng gặp khó khi không thể thoái vốn tại rất nhiều doanh nghiệp. Một số công ty đại chúng như CTCP Dịch vụ kỹ thuật viễn thông (TST), CTCP Dịch vụ viễn thông Sài Gòn (SPT) có lỗ lũy kế khiến VNPT không thể thực hiện thoái vốn bằng cách đấu giá cổ phần ra công chúng. Như vậy, việc thoái vốn ngoài ngành hầu như được chuyển giao hết sang cho Mobifone. VNPT chỉ phải lo thoái phần vốn tại ngân hàng Hàng hải.
Kết quả kinh doanh của Hacisco không lấy gì làm khả quan. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2013, doanh thu của công ty giảm 60%, còn lợi nhuận của công ty chỉ đạt 276 triệu đồng, giảm 95% so với con số 4,6 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Nếu Hacisco còn có lãi thì công ty cổ phần (CTCP) Công nghệ Viễn thông Viteco (VIE), nơi VNPT đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 49% cổ phần còn ghi nhận những khoản lỗ lớn. 9 tháng đầu năm, VIE đã lỗ tới 5,2 tỷ đồng, tăng vọt so với mức lỗ hơn 800 triệu đồng năm ngoái. Hoạt động kinh doanh bết bát, giá cổ phiếu của VIE đã rớt xuống mốc 2.600 đồng/cổ phiếu.
Rất nhiều các công ty dưới trướng VNPT có kết quả kinh doanh rất khiêm tốn. |
Đầu tháng 11 vừa qua, VNPT vừa thông báo thoái vốn thành công hơn 692.100 cổ phần khỏi Sonadezi Long Thành, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Sonadezi Long Thành cũng có tên trong nhóm doanh nghiệp VNPT sẽ thoái vốn sang cho Mobifone. Ngoài ra, các khoản vốn góp lớn, có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng như khoản vốn góp tại CTCP Đầu tư và phát triển SACOM, SPT, Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh,... Đó là những khoản đầu tư của VNPT vào các dự án bất động sản, nhiệt điện, bảo hiểm hay xây dựng.
Năm 2012, Mobifone đóng góp 1/3 doanh thu và 2/3 lợi nhuận cho VNPT. Việc phải bỏ đi “con gà đẻ trứng vàng” tất nhiên không phải là mong muốn của tập đoàn này. Tuy nhiên, trong trường hợp thành sự thật, Mobifone cũng sẽ giúp được VNPT nhiều điều. Sau khi thoái vốn và tái cơ cấu thành công, VNPT sẽ lại trở thành 1 doanh nghiệp “sạch”, không còn dính líu tới bất kỳ lĩnh vực ngoài ngành nào và còn giải quyết được một cơ số “con ghẻ” đang làm ăn ngày càng thua lỗ.