Năm 2005, việc cổ phần hóa MobiFone được Thủ tướng phê duyệt. Những năm kế tiếp, thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đạt cực thịnh (2007-2008), quá trình cổ phần hóa vẫn dậm chân tại chỗ bất chấp việc công ty mẹ là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) bi bêu tên trong các báo cáo về tiến trình này. Nguồn tin từ VNPT cho biết, có 2 quá trình khác nhau. Quá trình đầu tiên là ở phía MobiFone thì được tiến hành rất tích cực. Kế đến là VNPT xử lý các vấn đề thủ tục và trình lên các cấp có thẩm quyền để thực hiện thì rất chậm.
Một lãnh đạo cấp cao của MobiFone chia sẻ: “Chúng tôi muốn đẩy nhanh cổ phần hóa nhưng chỉ có thể làm được những việc trong phạm vi của mình. Còn những việc khác, quyết định tiến trình này có nhanh hay không còn phụ thuộc vào cấp trên chứ chúng tôi không tự chủ được”.
MobiFone chiếm gần 80% lợi nhuận của VNPT nên tập đoàn này không muốn cổ phần hóa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Câu chuyện về cổ phần hóa MobiFone dậy sóng trở lại vào đầu năm 2011 khi Chính phủ ban hành Nghị định 25 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, có hiệu lực từ 1/6/2011. Theo quy định ở văn bản này, một doanh nghiệp sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường thuộc danh mục do Bộ Thông tin Truyền thông quy định. Điều này có nghĩa là nếu VNPT đã sở hữu VinaPhone thì không được sở hữu MobiFone hoặc ngược lại (phải bán 80% cổ phần ở một trong 2 doanh nghiệp).
Một cựu lãnh đạo của VNPT tiết lộ: “Điều hài hước là việc cực kỳ hệ trọng, liên quan đến đi hay ở của 2 con gà đẻ trứng vàng thuộc VNPT nhưng lúc dự thảo lấy ý kiến thì lãnh đạo của tập đoàn không có phản ứng quyết liệt về việc này hay tìm một giải pháp khác. Do vậy, khi thông tin về việc chỉ được giữ 1 trong 2 mạng di động sắp có hiệu lực, lãnh đạo tập đoàn mới rối lên”.
Vào thời điểm thông tin về Nghị định số 25 được công bố, người phát ngôn của VNPT lúc đó là ông Bùi Quốc Việt có phản ứng khá dữ dội về việc tập đoàn này không được sở hữu cả 2 mạng di động. Ông Việt cho rằng, VNPT vẫn được sở hữu cả 2 mạng di động và diều này không trái quy định. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông sau đó đã chuẩn hóa lại thông tin để tránh các hiểu nhầm về Nghị định số 25 mới được ban hành. VNPT cũng không có phát ngôn thêm về chủ đề được sở hữu đồng thời 2 mạng di động.
Sau đó, VNPT trình lên Bộ Thông tin Truyền thông đề án tái cơ cấu với điểm quan trọng bậc nhất là sáp nhập MobiFone – VinaPhone, giúp cho tập đoàn này không phải bán hoặc tách một mạng di động nào. Điều hài hước là phương án này đi ngược lại chiến lược phát triển viễn thông đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt trước đó (phải có 3 mạng di động với thị phần tương đồng, có thể cạnh tranh với nhau).
Không cổ phần hóa, VNPT bị hớ nặng với bản đề án tái cơ cấu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Sau khi thông tin về đề án của VNPT được hé lộ, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Dự định sáp nhập MobiFone-VinaPhone vi phạm Luật Cạnh tranh và là tín hiệu không tốt cho cải cách doanh nghiệp”. Một lãnh đạo cấp cao của VNPT cũng thừa nhận với báo chí: “Đó là một quyết định nhằm bảo vệ lợi ích của tập đoàn”. Sau đó, Bộ Thông tin Truyền thông không đồng ý với phương án này của VNPT.
Gần đây nhất, sau khi VNPT có sự thay đổi lớn về nhân sự (thay Tổng giám đốc), tập đoàn này có đề án mới trình Bộ Thông tin Truyền thông. Theo đó, VNPT sẽ đồng ý cho MobiFone “tự do”, đi kèm là khoảng vài chục doanh nghiệp khác đang làm ăn thua lỗ do tập đoàn sở hữu hoặc góp vốn (khoảng 1.500 tỷ đồng). Hiện tại, đây cũng là phương án khả thi nhất và tuân thủ đúng định hướng trong chiến lược phát triển viễn thông tới năm 2020.
Trao đổi với Zing.vn, một nguồn tin từ VNPT cho biết, nếu theo cách hiểu thông thường, MobiFone tách ra thì tập đoàn sẽ mất đi gần 80% lợi nhuận (năm 2013 là hơn 6.900 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhờ việc đẩy sang cho tổng công ty mới hàng loạt đơn vị thua lỗ cùng viêc cơ cấu lại, khả năng VNPT sẽ có lợi nhuận tương đương với MobiFone (tổng công ty mới) trong năm 2014 và mọi thứ sẽ phải lành mạnh hơn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thua lỗ khi sang tổng công ty MobiFone sẽ bị “thanh trừng quyết liệt”. Ông này nhận xét: “Khi còn ở VNPT, những mối quan hệ khiến cho việc thay lãnh đạo, đóng cửa… dù công ty thua lỗ luôn chậm trễ, khó khăn. Thế nhưng, khi sang nơi mới, MobiFone sẽ làm rất quyết liệt để cứu chính họ và cũng bởi mọi thứ đều mới hoàn toàn”.
Nhận định về việc MobiFone tách khỏi VNPT, Tiến sĩ Mai Liêm Trực – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin Truyền thông, nói: “Đó là một thiệt thòi lớn cho VNPT”. Người từng giữ vị trí Tổng giám đốc VNPT cho rằng, nếu tập đoàn làm đúng tiến trình cổ phần hóa của Nhà nước với MobiFone từ năm 2005 thì mạng di động này vẫn thuộc về VNPT. “Còn giờ thì VNPT bị chia đôi, nhưng đó là hậu quả của việc không chịu cổ phần hóa MobiFone”, ông Trực nói.
Trong khi đó, một cựu lãnh đạo cấp cao của VNPT nói với Zing.vn: “Nếu lãnh đạo cũ của tập đoàn nhìn xa hơn một chút, hiểu rõ tiến trình cổ phần hóa MobiFone là không thể đảo ngược thì mọi thứ đã khác. Việc cố giữ toàn bộ lợi ích từ con gà đẻ trứng vàng, không muốn chia sẻ với ai, đã làm hại chính VNPT. Đúng là tham thì thâm”.