Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'VN sẽ quyết liệt với Ebola, nghiêm ngặt cách ly người mắc'

Nếu phát hiện ca bệnh xâm nhập Việt Nam sẽ giám sát nghiêm ngặt vấn đề cách ly, không để lây nhiễm chéo như dịch Sởi.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định với Zing.vn như vậy, trước lo ngại về dịch bệnh nguy hiểm Ebola có khả năng lây nhiễm nhanh khi xâm nhập Việt Nam.

Philippines đã thông báo những trường hợp nghi nhiễm virus Ebola đầu tiên ở nước này. Nguy cơ dịch lan sang Việt Nam ra sao?

- Báo chí có đăng thông tin Philippines nghi 7 công nhân mới trở về từ Sierra Leone có biểu hiện những triệu chứng giống nhiễm Ebola. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nghe thông tin gì từ đầu mối kiểm dịch.

Bộ Y tế: 'Virus Ebola có thể xâm nhập vào Việt Nam'

Trước nguy cơ dịch có thể xâm nhập, Bộ Y tế đã chuẩn bị 3 tình huống đối phó với dịch bệnh, trong đó tình huống xấu nhất là dịch lan rộng.

Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Hiện nay, người ở khu vực các nước châu Phi chỉ mười mấy hai mươi tiếng là có thể sang Việt Nam. Thậm chí, có những chuyên gia toàn cầu là người Trung Quốc làm việc ở châu Phi, không về nước ngay mà qua Việt Nam kiểm tra tiến độ công việc nên nguy cơ dịch xâm nhập là hoàn toàn có thể.

Tất cả những ai tiếp xúc với Virus Ebola đều phải cách ly - ảnh CBS news
Tất cả những ai tiếp xúc với Virus Ebola đều phải cách ly.

Tỷ lệ người chết do virus Ebola đang tăng từng ngày, căn bệnh được khuyến cáo có khả năng lây nhiễm nhanh. Việt Nam sẽ làm gì để tránh khả năng dịch bị lây nhiễm chéo như đã xảy ra với dịch sởi trước đây?

- Chúng tôi đã ban hành kế hoạch ứng phó với virus Ebola trong đó đưa ra 3 kịch bản cụ thể: khi chưa ghi nhận ca bệnh, khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập và khi dịch lây lan trong cộng đồng.

Với trường hợp nếu phát hiện ca bệnh xâm nhập Việt Nam sẽ phải cách ly nghiêm ngặt, không để lây nhiễm chéo như dịch sởi. Bài học của ngành y tế không để đến lần thứ 2.

Chúng tôi cũng chuẩn bị các phương án phân tuyến, ví dụ ca bệnh phát hiện ở sân bay Nội Bài thì đưa vào đâu, phòng ốc như thế nào. Chúng tôi sẽ tập huấn toàn bộ hệ thống y tế dự phòng vào thứ 4 tới.

Sân bay Tân Sơn Nhất chặn đường Ebola vào Việt Nam

Thân nhiệt của khách có ngưỡng 37 độ, quá con số này máy quét sẽ báo ngay lập tức, tín hiệu từ camera cũng sẽ truyền về trung tâm kiểm soát để cách ly khách khả nghi bị bệnh.

- Tình hình đang rất cấp bách nhưng tại sao đến tận 15/8 Bộ mới làm tờ khai y tế với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch chưa qua 21 ngày tại tất cả cửa khẩu?

- Chúng tôi đưa ra lịch 15/8 vì còn để các địa phương chuẩn bị. Từng cửa khẩu phải phối hợp công an, hàng không, bộ đội để không ảnh hưởng tới việc đi lại của hành khách.

Khó khăn nhất hiện nay là việc kiểm soát khách nhập cảnh về từ những nước này vì có thể họ bay bằng nhiều hãng hàng không khác nhau. Nếu triển khai tờ khai y tế với tất cả các chuyến bay thì sẽ rất tốn kém, mất thời gian, tương tự với đường bộ.

Vì thế, nhân viên cửa khẩu được giao nhiệm vụ nếu thấy khách đến từ vùng dịch trong vòng 21 ngày thì yêu cầu khai báo y tế, trong đó ghi rõ nơi ở và số điện thoại tại Việt Nam. Những trường hợp có biểu hiện sốt được tạm thời cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Tỷ lệ tử vọng do virus Ebola tăng từng ngày - ảnh Internet
Tỷ lệ tử vong do virus Ebola tăng từng ngày.

- Ngành Y tế đang có những biện pháp cấp bách gì?

- Quan điểm của chúng tôi là quyết liệt, chứ chờ đến lúc bệnh nhân vào mới ứng phó thì không kịp. Giám sát cả cửa khẩu và cộng đồng là biện pháp số một hiện nay.

Trong trường hợp phát hiện bệnh nhân là cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm để xác định. Đồng thời, chúng tôi sẽ thực hiện phòng bệnh với cán bộ y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân đó, phòng bệnh đối cộng đồng khi tiếp xúc.

Các vấn đề về xét nghiệm, thiết lập chỗ điều trị, khu cách ly bệnh nhân sẽ được giám sát ngặt nghèo. Chúng tôi sẽ nỗ lực tuyệt đối để bệnh không lây nhiễm ra cộng đồng.

Ngoài ra, chúng tôi đã có văn bản báo cáo Chính phủ, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phối hợp. Ngoài việc ngăn chặn dịch bệnh, chúng ta phải làm sao để khách du lịch không bị ức chế tâm lý. Họ đồng tình kết hợp khai báo để yên tâm rằng vào Việt Nam không có dịch bệnh.

Tại sao chúng ta bị nhiễm virút Ebola?

Bệnh Ebola (hay còn gọi là sốt xuất huyết Ebola) được phát hiện vào năm 1976 trong vụ dịch ở một ngôi làng gần sông Ebola, Congo, châu Phi.

- Vậy ông có khuyến cáo gì với người dân?

- Người dân không nên hoang mang, dịch bệnh giờ diễn biến phức tạp, nếu cứ hoang mang thì hoang mang suốt năm. Mọi người phải chủ động, kịp thời nắm bắt thông tin. Bộ Y tế sẽ cung cấp thông tin kịp thời, tùy tình hình khuyến cáo người dân nên làm gì.

Nếu người dân đi từ khu vực có dịch về, có triệu trứng bệnh phải báo cáo ngay với nhân viên y tế. Người tiếp xúc với người bệnh cũng sẽ bị giám sát. Gia đình có người đi từ châu Phi, người đó không có triệu chứng nhưng một người trong gia đình có biểu hiện bệnh thì cũng phải đến ngay cơ sở y tế.

Chúng tôi sẽ giám sát đồng thời cả người cùng ghế máy bay với người này. Mỗi người dân phải thực hiện vệ sinh nhà cửa, rửa tay xà phòng...

Triệu chứng của bệnh Ebola:

Sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày.

Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm