Ngày 7/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp thông tin về tình hình mắc mới bệnh do vi rút Ê-bô-la tới Cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) và Cục Y tế dự phòng Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 2-4/8 đã ghi nhận thêm 108 trường hợp mắc mới, bao gồm 45 trường hợp tử vong tại Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone.
Hiện, trên thế giới đã ghi nhận 1.711 ca nhiễm vi rút Ebola, trong đó có 932 ca tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi. Đặc biệt có hơn 100 cán bộ y tế đã lây nhiễm vi rút này.
Miền Nam Guinea - khu vực ổ dịch đã ghi nhận người tử vong. Ảnh: AFP |
Có thể xâm nhập Việt Nam, gây bùng phát dịch lớn
Ngày 7/8, Bộ Y tế khẳng định, qua hệ thống giám sát tại các sân bay, chưa ghi nhận ca bệnh nào liên quan đến virus Ebola.
Tuy nhiên, Bộ này cũng nhận định, căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Lý giải về nhận định này, Bộ Y tế cho rằng, bệnh do virus Ebola lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết và bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật mắc bệnh hoặc tiếp xúc với dụng cụ bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người hoặc vật mắc bệnh.
Tỷ lệ tử vong và mắc bệnh tại các nước Tây Phi đang cao từng ngày nên nguy cơ bệnh có thể xâm nhập Việt Nam qua khách du lịch, người lao động về từ vùng Tây Phi hoặc hành khách nhập cảnh có thời gian ở, đi qua quốc gia Tây Phi.
Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên các biện pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.
Chính phủ Guinea cho biết chủng Zaire bất ổn nhất trong "họ hàng Ebola" đã được phát hiện trong dịch mới nhất. Ảnh: AFP. |
Trước diễn biến phức tạp này, ngày 7/8 Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virus Ebola tại Việt Nam. Mục tiêu của kế hoạch là phát hiện sớm nhất trường hợp mắc bệnh, xử lý kịp thời không để dịch lây lan và hạn chế thấp nhất mức độ tử vong.
Bộ đã đưa ra 3 tình huống dịch bệnh: Một là chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam; hai là xuất hiện ca bệnh đã xâm nhập; ba là dịch lây lan trong cộng đồng. Các phương án đều được tính toán các công tác chỉ đạo, giám sát, dự phòng, công tác điều trị, truyền thông và hậu cần.
Trong đó, với tình huống xấu nhất là dịch lan rộng, Bộ Y tế cũng đưa ra kế hoạch giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Cụ thể, Bộ sẽ thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, có kế hoạch mở rộng các cơ sở điều trị trong trường hợp quá tải.
Các bệnh viện sẽ thực hiện phân luồng khám bệnh, cách ly điều trị, chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện. Ngoài ra, các bệnh viện sẽ chuẩn bị sẵn sàng khu vực tiếp nhận bệnh nhân do virus Ebola, thành lập các nhóm lưu động hỗ trợ các địa phương...
Bộ cũng yêu cầu các viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động nghiên cứu dịch tễ học để đánh giá nguồn gốc, sự biến đổi và đề xuất các biện pháp phòng chống.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố, các bệnh viện trung ương, địa phương, các trung tâm y tế địa phương, trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh, thành phố cũng được yêu cầu rốt ráo lên phương án phòng chống dịch.