Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VN-Index thất bại trước đỉnh lịch sử

Dù có thời điểm vượt đỉnh cũ, áp lực bán tăng lên khiến VN-Index vẫn chưa thể thiết lập một mức cao mới.

Thị trường chứng khoán trong nước đang có xung lực rất tốt để hướng về đỉnh lịch sử 1.529 điểm. Thực tế VN-Index ngay khi mở cửa đã phá được ngưỡng cản này nhưng áp lực bán sau đó khiến chỉ số hạ độ cao và thất bại trong lần đầu thử thách vượt đỉnh ngày đầu tuần.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index tăng 8,26 điểm (0,54%) đạt mức 1.524,7 điểm (cách đỉnh lịch sử gần 4 điểm). Sắc xanh bao phủ khi có 254 mã tăng và 187 mã giảm giá.

Tại các sàn ở Hà Nội, bộ chỉ số HNX-Index tăng 4,59 điểm (1,01%) lên 458,69 điểm và UPCoM-Index tăng 0,41% lên 117,67 điểm.

chung khoan ngay 4/4,  co phieu FLC,  co phieu chung khoan anh 1

VN-Index thất bại trong lần thử thách vượt đỉnh phiên đầu tuần. Đồ thị: TradingView.

Cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiếp tục là điểm sáng thu hút dòng tiền và là trụ cột nâng đỡ chỉ số. Riêng rổ VN30 tăng 0,36% với 17/30 mã tăng giá, với một số mã tăng rất mạnh.

Trong đó GVR của Tập đoàn Cao su bất ngờ bứt phá 5,6% lên 36.500 đồng để trở thành mã có đóng góp tích cực nhất lên chỉ số. Bên cạnh đó nhiều mã ngành cao su khác cũng tăng mạnh như PHR có thêm 5,2% và DPR tăng 3,3%.

Cổ phiếu bất động sản NVL của Novaland cũng đi lên mạnh 4,7% đạt 86.500 đồng hay GAS của PV Gas tăng 2,5% lên 112.400 đồng, MSN của Masan có thêm 2,4% đạt 150.000 đồng.

Ở chiều ngược lại TCB của Techcombank là mã có tác động tiêu cực nhất khi thị giá mất 1,3% còn 49.650 đồng. Tiếp đến là DPM của Đạm Phú Mỹ giảm sàn về 64.200 đồng và DXG giảm 6,2% còn 43.600 đồng.

chung khoan ngay 4/4,  co phieu FLC,  co phieu chung khoan anh 2

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất lên VN-Index. Nguồn: VNDirect.

Nhóm cổ phiếu tâm điểm liên quan đến hệ sinh thái FLC Group của ông Trịnh Văn Quyết cũng giao dịch khả quan. Toàn bộ 6 mã FLC, ROS, ART, KLF, AMD và HAI đều tăng kịch trần với tổng lượng dư mua giá cao nhất lên đến 21 triệu đơn vị.

Trong phiên cuối tuần trước, cổ phiếu FLC đã bất ngờ có thanh khoản trở lại khi khớp lệnh đột biến 100 triệu đơn vị. Ngay sau đó FLC Group đã ra văn bản đề nghị xem xét lại diễn biến bất thường và lo ngại có hành động thâu tóm doanh nghiệp.

Một nhóm cổ phiếu khác cũng trở thành tâm điểm trong ngày đầu tuần là khối ngành chứng khoán. Mã VND, AGR, FTS, CTS hay HBS đã tăng kịch trần, các mã khác cũng tăng phổ biến 3-6%.

Hôm nay là ngày nộp tiền cuối cùng trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng của Chứng khoán VNDirect, trong khi Chứng khoán SSI thông báo huy động vốn tín chấp kỷ lục 148 triệu USD. Nhà đầu tư đang kỳ vọng lượng tiền mới này sẽ sớm được đổ mạnh vào thị trường, tiếp tục mở rộng quy mô margin chứng khoán.

Về giao dịch khối ngoại diễn ra khá cân bằng, họ mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.603 tỷ và bán ra 1.607 tỷ, tương đương chỉ bán ròng nhẹ 4 tỷ đồng trên HoSE.

Trước phiên giao dịch này, nhiều đơn vị phân tích đã dự báo thị trường chứng khoán vẫn trong xu thế tăng tích cực, VN-Index khả năng cao biến động trong biên độ ±10 điểm. Một số đơn vị lạc quan còn cho rằng thị trường sẽ sớm phá đỉnh lịch sử.

Chứng khoán sẽ quay lại đỉnh lịch sử?

Xu hướng tích cực cuối tuần trước và dòng tiền tìm về cổ phiếu vốn hóa lớn đang giúp cho triển vọng tăng điểm của chỉ số vẫn có, VN-Index thậm chí được dự báo về đỉnh lịch sử.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm