Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua phiên giao dịch đồng pha với đà suy giảm của chứng khoán thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ. Trong phiên 9/3 kết thúc rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, hàng loạt chỉ số như Dow Jones, S&P 500 hay Nasdaq 100 đều có mức giảm gần 2%
Kết phiên, VN-Index chốt ở mốc 1.053 điểm, giảm 2,95 điểm (-0,28%); HNX giảm 1,17 điểm (0,56%) về 207,86 điểm; riêng UPCoM tăng 0,17 điểm (0,22%) lên 76,77 điểm.
Toàn thị trường chứng kiến 817 mã đứng giá, 281 mã tăng, 53 mã tăng trần, 418 mã giảm và 37 mã giảm sàn. Trái ngược so với phiên hôm qua, thanh khoản trên cả 3 sàn đều hụt hơi, chỉ nhỉnh 10.300 tỷ đồng.
Nhà đầu tư vẫn thận trọng với giá trị thanh khoản chỉ hơn 10.300 tỷ đồng. Ảnh: DNSE. |
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chốt ở mốc 1.047 điểm, giảm hơn 3 điểm (-0,29%). Trong số 20 mã suy giảm của rổ này tập trung chủ yếu cổ phiếu ngân hàng. Đây cũng là nhóm cổ phiếu gây áp lực nặng nề lên chỉ số trong phiên hôm nay.
VCB, BID, TCB, ACB đang là những cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tiêu cực tới VN-Index. Ngoài ra còn có một số ngân hàng khác như STB, TPB, CTG.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu bán lẻ, sản xuất như MSN, VRE, VNM, VCF đóng vai trò làm trụ đỡ. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của VHM, HPG, VIC.
HVN (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) tiếp tục có phiên giao dịch tích cực trong khi nhiều cổ phiếu khác thuộc nhóm hàng không quay đầu giảm, tiêu biểu như VJC, SAS, ACV, SCS. Điều này cho thấy thông tin thí điểm mở cửa du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam chưa thể kéo dài lực mua vào dòng cổ phiếu này.
Cổ phiếu ngân hàng đang kéo chỉ số. Ảnh: VNDirect. |
Cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan tiếp tục có phiên thứ 4 liên tiếp tăng trưởng. Mới đây, tập đoàn đã công bố hoàn tất chuỗi sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào gói tín dụng hợp vốn trị giá 650 triệu USD (khoản vay hợp vốn năm 2023), tương đương hơn 15.000 tỷ đồng. Khoản vay bằng USD có lãi suất cộng thêm 3,5% với lãi suất tham chiếu SOFR, tương đương lãi suất 8% mỗi năm.
Nhóm bất động sản ghi nhận sự bứt lên của một số ông lớn như VIC (0,19%), VHM (1,096%), KDH (1,92%), DXG (0,45%) nhưng nhìn chung đa số vẫn ngập trong sắc đỏ.
Bên cạnh ngân hàng, dòng bảo hiểm và chứng khoán cũng trải qua phiên giao dịch đáng quên, điển hình như BVH (-0,51%), PVI (-0,4%), BMI (-2,22%), PTI (-4,55%), VND (-1,36%), VCI (-0,54%), HCM (-1,22%), MBS (-2,88%)…
Cổ phiếu ngành thép như HPG, HSG tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài với giá trị mua ròng lần lượt đạt 70,8 tỷ đồng và 55,76 tỷ đồng. Ngoài ra nhóm này cũng đẩy mạnh mua vào hai mã chứng khoán phổ thông là VND (57,6 tỷ đồng) và SSI (53,9 tỷ đồng). Giá trị mua ròng đạt 416,8 tỷ đồng.
Chiều bán tập trung chủ yếu là cổ phiếu STB của Sacombank (46 tỷ đồng), quỹ ETF DCVFMVN Diamond (20 tỷ đồng), HCM (19,4 tỷ đồng), VCB (15,5 tỷ đồng).
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...