Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VN-Index bật tăng 12 điểm

Tâm lý ổn định khi nhà đầu tư giải ngân trở lại đã giúp thị trường tiếp đà hồi phục, có gần 700 mã tăng điểm phiên sáng.

Tiếp nối đà hồi phục cuối phiên hôm qua, thị trường chứng khoán ngày 25/2 mở cửa với tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn và các chỉ số đồng loạt tăng điểm ngay từ những phút mở cửa.

Đà tăng của VN-Index được nới rộng đến giữa phiên sáng nhờ xu hướng tăng giá đồng thuận giữa các nhóm ngành. Chỉ số có thời điểm lấy lại toàn bộ 17 điểm đã mất trong phiên hôm qua với sự tiếp sức của nhóm vốn hóa lớn.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index điều chỉnh nhẹ khi chỉ còn tăng 11,99 điểm (0,8%) lên 1.506,84 điểm và chính thức lấy lại mốc quan trọng 1.500 điểm.

Tương tự khi HNX-Index cũng tăng mạnh 5,66 điểm (1,3%) lên mức 440,54 điểm và UPCoM-Index tăng 0,3% đạt 112,66 điểm.

Sắc xanh chiếm chủ đạo trên các bảng điện tử khi có đến 698 mã tăng giá (trong đó có 47 mã tăng trần) và ngược lại chỉ có 323 mã giảm giá, tức số mã tăng gấp đôi mã giảm.

chung khoan ngay 25/2,  tang diem,  co phieu ngan hang anh 1

VN-Index bứt phá gần 12 điểm trong phiên sáng 25/2. Đồ thị: TradingView.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa có đóng góp lớn nhất cho sự phục hồi của chỉ số chung. Riêng rổ VN30 cũng tăng gần 12 điểm (0,79%) với 20/30 mã tăng giá.

Trong đó đáng kể nhất là sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp tâm lý thị trường tích cực hơn. Riêng VPB của VPBank bứt phá nhất khi tăng 4,2% lên 38.450 đồng, trở thành mã có đóng góp tích cực nhất lên chỉ số.

Một số cổ phiếu nhà băng khác cũng bứt phá trong phiên sáng như MBB tăng 1,5% lên 34.500 đồng, TPB tăng 2,4% đạt 42.450 đồng hay TCB tăng 0,8% đến 50.900 đồng...

Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng hỗ trợ tích cực cho đà đi lên VND tăng 4,6% đạt 79.500 đồng sau thông tin nhận được giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng. SSI cũng tăng 3% lên 45.950 đồng hay VCI tăng 3,5% đến 62.600 đồng...

Nhóm phân bón và hóa chất vẫn thể hiện sức nóng khi tiếp tục xu thế đi lên liên tục bất chất diễn biến chung. PCE và PMB có thời điểm tăng trần. Bộ đôi vốn hóa lớn nhất ngành DPM tăng 0,9% và DCM tăng 2,2%, bên cạnh LAS tăng 3,8% hay DGC tăng 3,1%...

Sự hồi phục còn được ghi nhận ở nhiều nhóm ngành quan trọng khác bất động sản, bán lẻ, xây dựng & vật liệu, thép, than, thủy sản, dệt may, hàng không...

Ở chiều ngược lại, nhóm dầu khí có sự điều chỉnh nhất định khi giá dầu thế giới hạ nhiệt. Sự phân hóa đã diễn ra khi một số mã tăng nhẹ và nhiều mã giảm sâu. Đáng kể là PLX mất 1,3% giá trị, PVG giảm 3,1%, PSH giảm 3,4% hay ASP giảm 2,2%...

chung khoan ngay 25/2,  tang diem,  co phieu ngan hang anh 2

Top cổ phiếu có tác động lớn nhất phiên sáng 25/2. Nguồn: VNDirect.

Khối ngoại sáng nay cũng có xu hướng tích cực khi họ mua vào khoảng 817 tỷ và bán ra hơn 461 tỷ, tương ứng mua ròng 356 tỷ đồng trên sàn HoSE. Các mã được mua nhiều nhất là DXG, KBC và GEX.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên sáng hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh giảm 17,6% xuống còn 17.642 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 16% về mức 14.841 tỷ đồng.

Tại thị trường quốc tế, chứng khoán Mỹ giảm sốc đầu phiên 24/2 nhưng rồi đồng loạt hồi phục mạnh khi nhà đầu tư bớt lo ngại về cuộc chiến tranh Nga - Ukraine và lao vào bắt đáy.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones ở đáy của phiên mất tới 859 điểm nhưng đóng cửa lại tăng 92 điểm (0,28%). Tương tự chỉ số S&P 500 có lúc giảm 2,6% nhưng đóng cửa tăng 1,5%. Nasdaq Composite kết phiên tăng 3,3% dù trước đó giảm tới 3,5%.

Giá dầu Brent tương lai tăng 2,24 USD (2,3%) lên 99,08 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 105,79 USD/thùng là cao nhất kể từ tháng 8/2014. Giá dầu WTI tương lai tăng 71 cent lên 92,81 USD/thùng, trong phiên có lúc lên 100,54 USD/thùng cũng cao nhất kể từ tháng 7/2014.

Chuyên gia: Chứng khoán Việt Nam bị tác động tâm lý là chính

Các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận thị trường trong nước vẫn chưa quá tiêu cực, tuy nhiên nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt và hạn chế margin.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm