Phiên 24/2 thị trường chứng khoán toàn cầu ghi nhận đà bán tháo trên diện rộng khi Tổng thống Vladimir Putin chấp thuận chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, qua đó cho phép lực lượng đặc nhiệm tiến vào miền Đông Ukraine.
Chứng khoán Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng đáng kể khi có thời điểm lao dốc gần 37 điểm (-2,44%) vào đầu phiên chiều. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp thị trường hồi phục đáng kể khi chỉ còn giảm hơn 17 điểm (-1,15%).
Nhận định về diễn biến lao dốc của thị trường, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam - nhấn mạnh nguyên nhân phần lớn vẫn đến từ câu chuyện Ukraine.
VN-Index lao dốc mạnh trước khi có lực cầu giúp hồi phục một phần về cuối phiên 24/2. Đồ thị: TradingView. |
Thị trường trong nước vẫn có điểm sáng
Vị chuyên gia thừa nhận diễn biến VN-Index có phần tiêu cực so với các ngày trước. Mức độ căng thẳng chính trị leo thang hơn nên hầu như thị trường toàn cầu giảm mạnh chứ không riêng thị trường Việt Nam.
"Cơ bản diễn biến thị trường trong nước vẫn có điểm sáng, mặc dù chỉ số giảm tiêu cực nhưng độ rộng thị trường không quá xấu. Bằng chứng là lực cầu rất mạnh nên không diễn ra tình trạng bán tháo hàng loạt", ông Minh nêu quan điểm.
Thực tế trạng thái của VN-Index vẫn tích cực so với thế giới, đặc biệt là thanh khoản tăng mạnh vào cuối ngày giao dịch. Điều đó cho thấy dòng tiền luôn sẵn sàng tham gia vào bắt đáy vùng giá thấp, nhất là những lúc biến động mạnh.
Chuyên gia từ Yuanta thống kê từ lịch sử cho thấy những sự kiện địa chính trị chỉ diễn ra và tác động đến chứng khoán trong ngắn hạn, sau đó thị trường về trung hạn vẫn đi lên.
Do đó ông Minh kết luận thông thường những lúc biến động mạnh trong ngắn hạn cũng thường tạo ra cơ hội nhiều hơn là tiêu cực.
Về ngắn hạn thì tác động của cuộc chiến tại Ukraine khá nhẹ nhàng đến thị trường Việt Nam. Tuy nhiên ảnh hưởng trong dài hạn là có bởi áp lực lạm phát.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Hội sở Mirae Asset Việt Nam.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc Hội sở Mirae Asset - chia sẻ với Zing rằng tác động của chiến sự tại Ukraine đến thị trường chứng khoán Việt Nam là khá nhẹ nhàng trong ngắn hạn.
Vị này dẫn số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực Nga và Ukraine chưa đến 10 tỷ USD, tức chỉ khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Ngoài ra thì quy mô cuộc chiến theo thông báo của các bên liên quan thì chỉ là cuộc chiến mục tiêu kỹ thuật có khoanh vùng, tức là chỉ tiến hành chớp nhoáng và sau đó sẽ rút đi. Nên đây là cuộc chiến có giới hạn và có thể giảm nhiệt trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định ảnh hưởng trong dài hạn đến Việt Nam là có. Bởi nền kinh tế trong nước có thể chịu tác động của lạm phát khi giá dầu lên quá cao và trầm trọng hơn nếu cuộc chiến kéo dài.
Do đó chuyên gia Mirae Asset nhìn nhận về cuộc chiến tại Ukraine chỉ có tác động đến tâm lý là chính đối với chứng khoán trong nước.
Ông Tuấn nói thêm mức độ tác động cũng có sự khác nhau. Các thị trường phát triển hoặc liên quan trực tiếp đến cuộc chiến (như khối NATO và Mỹ) có thể bị chiết khấu khoảng 8-10%, trong khi các thị trường không liên quan nhiều như Việt Nam có thể chiết khấu 3-5%.
Hạn chế sử dụng margin
Phiên chiều ngày 24/2 chứng kiến dòng tiền bắt đáy ồ ạt nhập cuộc, giúp VN-Index hồi phục gần 20 điểm so với lúc rơi mạnh nhất (tức lấy lại khoảng 84.000 tỷ vốn hoá chỉ sau một giờ bắt đáy). Tuy nhiên lực cầu này vẫn là không đủ để kéo chỉ số về tham chiều.
Tổng giá trị thanh khoản tại HoSE hôm nay tăng vọt lên 35.000 tỷ khớp lệnh và toàn thị trường ở mức gần 42.600 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.
Ông Huỳnh Minh Tuấn lý giải dòng tiền có vào nhưng tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thực sự bình ổn khi chứng khoán quốc tế vẫn đang giảm mạnh. Do đó ông dự báo thị trường cần ít nhất 1-2 phiên nữa để tìm trạng thái cân bằng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng thị trường cơ bản không thể tránh được những phiên giảm sâu bởi thông tin xấu và sự hồi phục cũng rất khó để đưa VN-Index quay về sắc xanh ngay.
"Khi có một cú sốc về chiến tranh, FED tăng lãi suất hay dịch bệnh bùng phát... thì thường có hiện tượng bán tháo đồng loạt. Nhưng điểm sáng hôm nay là độ rộng thị trường vẫn tích cực, lực cầu vẫn rất mạnh bất chấp thị trường biến động lớn", ông Minh lạc quan.
Điểm sáng hôm nay là độ rộng thị trường vẫn tích cực, lực cầu vẫn rất mạnh bất chấp thị trường biến động lớn.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Mặc dù nhận định thị trường chưa phải quá tiêu cực, tuy nhiên chuyên gia Yuanta Việt Nam vẫn khuyến nghị nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy margin.
"Bởi vì việc sử dụng đòn bẩy sẽ khiến cho hành động diễn ra nhanh hơn, nhất là những phiên biến động khoảng 2% thì đòn bẩy càng ảnh hưởng rất lớn lên danh mục. Nếu muốn mạo hiểm thì cũng chỉ sử dụng margin ở một tỷ trọng rất thấp", ông nói thêm.
Ông Minh cho rằng về cơ bản thị trường hiện tải chưa có dấu hiệu quá xấu để bán tháo mà có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để tăng dần tỷ trọng cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể giữ tỷ trọng tiền mặt khoảng 45% trong trạng thái thị trường hiện tại.
Trong khi ông Huỳnh Minh Tuấn cũng cho khuyến nghị nhà đầu tư cần phải phòng thủ, ít nhất giữ tỷ lệ tiền mặt để khi thị trường ổn định có thể giải ngân trở lại. Tỷ trọng tiền mặt vị này đề xuất vào khoảng 30% danh mục và nên hạn chế dùng margin.