Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán toàn cầu hoảng loạn vì tình hình Ukraine

Không chỉ chứng khoán, thị trường hàng hóa, năng lượng biến động mạnh và lập nhiều cột mốc mới sau động thái Nga đưa quân vào vùng ly khai tại Ukraine.

Theo Bloomberg, căng thẳng địa chính trị một lần nữa bị đẩy lên cao trào khi Tổng thống Vladimir Putin chấp thuận chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, qua đó cho phép lực lượng đặc nhiệm tiến vào vùng Donbas của Ukraine.

Một lần nữa, diễn biến mới nhất này tác động tiêu cực đến nhiều chỉ số thị trường cũng như giá cả hàng hóa.

Lần đầu tiên kể từ sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng, hiện giao dịch ở mốc 102,3 USD/thùng theo Trading Economics. Tương tự, giá dầu WTI cũng tăng hơn 5 USD, chạm mốc 97,2 USD/thùng và tiến dần đến mức giá 3 con số.

Trong vòng một tháng qua, giá dầu Brent đã tăng 16,33%, trong khi dầu WTI tăng 14,27%. Nhiều loại năng lượng khác như xăng, khí tự nhiên, dầu sưởi cũng tăng mạnh từ 3,5-5% trong ngày hôm nay.

Nga hiện là nhà cung cấp năng lượng quan trọng cho châu Âu, chiếm tới 1/4 nguồn cung dầu và 1/3 lượng khí đốt. Do đó, việc Nga triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine đã dấy lên lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung và hoạt động xuất khẩu năng lượng.

Thi truong sut giam anh 1

Giá năng lượng tăng chóng mặt. Ảnh: Trading Economics.

Đáng chú ý, nguồn cung dầu trên khắp thế giới vẫn chưa bắt kịp đà phục hồi nhu cầu sau đại dịch. Liên minh OPEC+ do Saudi Arabia dẫn đầu đang vật lộn để khôi phục tốc độ sản xuất.

Theo JPMorgan, căng thẳng leo thang có thể thúc đẩy giá dầu lên mức 110 USD/đồng trong quý II. Ngân hàng này cho biết thị trường dầu thô có khả năng duy trì mức đỉnh mới trong quý tới trước khi quay đầu giảm về mức trung bình 90 USD/thùng vào cuối năm.

Bên cạnh đó, giá vàng đang đạt mức cao nhất trong hơn một năm. Vàng giao ngay tăng 2,1% lên 1.949,03 USD/ounce. Kim loại quý này được coi là kênh dự trữ an toàn và hàng rào chống lại các vấn đề địa chính trị lớn.

Kim loại công nghiệp cũng có diễn biến mạnh mẽ. Giá niken tăng 3,2%, mức cao nhất một thập kỷ, nhôm tăng 2,1% và tiến sát mức kỷ lục.

Không chỉ dầu thô và vàng, giá hàng loạt loại lương thực cũng bắt đầu tăng, đặc biệt là đậu nành, lúa mì, dầu cọ, yến mạch và ngô. Thước đo hàng hóa nông nghiệp hiện ở mức cao kỷ lục, báo hiệu nhiều thách thức cho sự phục hồi toàn cầu.

Trái ngược với giá hàng hóa, sắc đỏ đang bao phủ toàn thị trường chứng khoán. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số Topix của Nhật Bản 1,59%, chỉ số S&P/ASX 200 ở Australia giảm 2,99%, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,66%, chỉ số Hang Seng giảm 3,18%.

Tại Mỹ, chỉ số Nasdaq 100 kỳ hạn giảm 0,5% trong khi Nasdaq 100 giảm 2,6%. Tính đến 9h30 giờ Tokyo, chỉ số S&P 500 tương lai giảm 0,4%, chỉ số S&P giảm 1,8%.

Đầu phiên chiều nay, chỉ số VN-Index giảm những 2,38%, tương đương 35,63 điểm và hiện ở mức 1.476,47 điểm. Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng giảm mạnh 31,37 điểm với 24/30 mã giảm.

Thị trường thế giới chao đảo sau tuyên bố của ông Putin

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai tại Đông Ukraine tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa và chứng khoán thế giới.

Ngọc Phương Linh

Bạn có thể quan tâm