Kyodo dẫn lời Bộ Tư pháp Nhật Bản hôm 28/9 cho hay tổng cộng 385 người nước ngoài bị tước bỏ tư cách lưu trú tại nước này trong năm 2017, mức cao nhất kể từ khi có dữ liệu so sánh vào năm 2005.
Con số này cũng cao hơn 31% so với thống kê năm trước đó, với sự gia tăng các vụ việc khả nghi liên quan đến sinh viên.
Xét theo quốc tịch, người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người bị tước tư cách lưu trú, ở mức 46,5%; theo sau là Trung Quốc với 21,8% và Philippines 7,8%.
Người nước ngoài đợi nhận giấy tờ lưu trú tại Nhật. Ảnh: Kyodo. |
Xét theo tình trạng lưu trú, top 3 là "sinh viên" ở mức 44,7%; "vợ/chồng hoặc con cái của công dân Nhật" 17,4%, bao gồm các trường hợp kết hôn giả; và "kỹ sư/chuyên gia về nhân văn/dịch vụ quốc tế", một dạng visa làm việc, 17,1%.
Số sinh viên nước ngoài bị tước tư cách lưu trú tăng gấp đôi so với năm ngoái. Trong một số trường hợp, sinh viên bị phát hiện ở lại Nhật sau khi ra trường.
Theo hãng thông tấn nhà nước Nhật, tính đến tháng 10/2017, số người nước ngoài ở Nhật là 1,28 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2012. Nếu bị tước tư cách lưu trú, công dân nước ngoài có thể bị trục xuất và bị giam giữ tại các cơ sở của cơ quan di trú.
Bộ Tư pháp Nhật Bản cũng tước tư cách lưu trú của các cá nhân sử dụng giấy tờ lưu trú có được nhờ chương trình đào tạo kỹ năng của chính phủ Nhật để đến làm việc tại các công ty khác sau khi bỏ nơi làm việc được chỉ định ban đầu của họ.
Những người đến Nhật theo diện này được gọi là "tu nghiệp sinh", theo chương trình được chính phủ Nhật tài trợ từ năm 1993. Chương trình được chính phủ Nhật quảng bá là nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật, kiến thức trong nhiều lĩnh vực ngành nghề cho các nước khác.
Một tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei. |
Trong những năm qua, nhiều thanh niên Việt Nam đã lựa chọn đến Nhật bằng con đường này. Theo khảo sát của Cục Di trú Nhật Bản, số người Việt Nam tham gia chương trình đào tạo kỹ năng cho người nước ngoài của Nhật đã lên đến 26.437 người vào tháng 6/2017, đứng đầu trong danh sách.
Dù vậy, chương trình này lâu nay cũng bị chỉ trích vì để các công ty ở Nhật lợi dụng nhằm sử dụng nhân công giá rẻ. Tu nghiệp sinh phải đối mặt với những rủi ro như bị "giam" tiền lương, bị bắt làm thêm giờ, bị ngược đãi, bị ép làm những công việc trái với nội dung hợp đồng...
Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, số tu nghiệp sinh kỹ thuật tại nước này vào năm 2017 là hơn 274.000 người. Tuy nhiên cùng năm, đã có 7.089 trường hợp bỏ việc, tăng gần 40% so với năm trước.