Phân tích
“Năm ngoái, V.League có 47 cầu thủ ngoại và 70% số họ đá tiền đạo. Với ngần ấy, tìm đâu ra tiền đạo trong nước, đặc biệt là cầu thủ trẻ? Tôi nghĩ VFF và VPF nên xây dựng cơ chế, đặt chỉ tiêu để mỗi cầu thủ U21 được vào sân thi đấu”.
Đó không phải lần đầu tiên trong thời gian qua, HLV Park “ra điều kiện” với VFF và VPF xoay quanh câu chuyện thiếu tiền đạo và cơ hội cho cầu thủ trẻ.
Tuy nhiên, đó chưa từng là câu chuyện dễ xử lý của bóng đá Việt Nam.
Cơ sở thực tế ở V.League
Để cầu thủ trẻ có thêm cơ hội và tuyển Việt Nam có nhiều tiền đạo hơn, ông Park tin việc ưu tiên cầu thủ U21 tại V.League là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều đó có thật sự khả thi?
Kiến nghị của ông Park ngay lập tức mâu thuẫn với quyền lợi của các CLB. Giống như tuyển Việt Nam, các CLB cũng cần thành tích. Do V.League duy trì 3 suất ngoại binh, mỗi đội bóng phải ưu tiên nhân sự vào các vị trí quan trọng nhất, có khả năng tác động tới tỷ số nhiều nhất. Đó là trung vệ, tiền vệ giữa và đặc biệt là tiền đạo. Buộc các CLB sử dụng tiền đạo nội hoặc sử dụng cầu thủ trẻ đều sẽ khiến thành tích của từng đội đi xuống.
Không có thành tích, các đội bóng không duy trì được nguồn tài trợ, không kéo được CĐV tới sân. Đấy là lý do 70 tới 80% CLB V.League đều sử dụng tiền đạo ngoại ở vị trí đá cắm. Ông Park hay tuyển Việt Nam cần trẻ hóa, tiền đạo mới. Tuy nhiên, tuyển Việt Nam không thể phục vụ các CLB, mỗi đội bóng phải phục vụ chính mình. Đề xuất của ông Park hợp lý cho đội tuyển nhưng bất lợi cho các đội bóng. Đấy là lý do ông thầy Hàn Quốc nhận lại phản ứng mạnh mẽ từ nhiều HLV V.League.
Ông Park nhiều lần tuyên bố V.League cần tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ. Ảnh: Minh Chiến. |
Ngay cả khi quy định ưu tiên cầu thủ trẻ được áp dụng, khả năng thành công của nó trên thực tế không hề cao.
Bóng đá Trung Quốc từng có thời gian dài áp dụng những điều luật tương tự, quy định số cầu thủ trẻ tối thiểu ra sân trong từng trận đấu. Hậu quả xuất hiện khi các CLB cố tình lách luật, chỉ dành vài phút cuối trận cho các cầu thủ trẻ vào sân.
Thất bại của luật này ở Trung Quốc là bằng chứng cho thấy những can thiệp thô bạo, không tương xứng với sự phát triển tự nhiên về chuyên môn khó có thể thành công. Buộc cầu thủ trẻ thi đấu ở những sân chơi quá tầm khiến họ bị thui chột, đồng thời làm ảnh hưởng tới chất lượng trận đấu. Trong dài hạn, điều đó khiến giải đấu kém hấp dẫn, khó thu hút ngoại binh giỏi và kéo người hâm mộ tới sân.
Vấn đề của ông Park cũng là câu chuyện chung của thế giới bóng đá. Những giải vô địch quốc gia Anh, Italy cũng gặp vấn đề tương tự. Cho tới lúc này, vẫn tồn tại hai luồng quan điểm về sử dụng ngoại binh trên thế giới. Quan điểm thứ nhất muốn hạn chế dần ngoại binh như ở Trung Quốc, tạo thêm cơ hội cho cầu thủ trẻ và bản địa. Quan điểm thứ hai muốn kéo càng nhiều ngoại binh giỏi càng tốt, nhờ ngoại binh để nâng tầm giải đấu, qua đó tạo môi trường cạnh tranh khốc liệt nhằm nâng cao chất lượng cầu thủ bản địa.
Không thể kết luận cách làm nào là đúng, sai, nhưng ngay tại Đông Nam Á, một nền bóng đá gần gũi với Việt Nam là Thái Lan đã mở thêm số lượng cho cầu thủ ngoại, đồng thời quyết tâm thu hút các tài năng từ khắp ASEAN.
Chính nhờ được đối đầu các ngoại binh, hậu vệ Việt Nam mới có cơ hội trưởng thành nhanh hơn. Ảnh: Minh Chiến. |
Có ngoại binh, cầu thủ nội mới tiến bộ
Nhiều chuyên gia tin Italy sản sinh nhiều cầu thủ phòng ngự xuất sắc vì họ phải thi đấu trong môi trường quá khốc liệt. Bởi có Ronaldo de Lima, Marco van Basten, Gabriel Batistuta... nên mới có Paolo Maldini, Alessandro Nesta, Fabio Cannavaro...
Tương tự vậy, vì có nhiều tiền đạo ngoại chất lượng, nên hậu vệ Việt Nam mới phải nâng dần trình độ. Các tiền đạo ngoại hạn chế cơ hội của tiền đạo Việt, nhưng họ giúp những cầu thủ phòng ngự Việt Nam tiến bộ, tiếp cận trình độ cao ngay trên sân nhà.
Nếu V.League lắng nghe những đề xuất của thầy Park, những tiến bộ ấy có mất đi không? Nếu chất lượng hậu vệ Việt Nam giảm xuống, ông Park có một lần nữa lên tiếng cho các trung vệ trẻ người Việt?
Hạn chế ngoại binh, áp đặt ưu tiên cầu thủ trẻ ở V.League có vẻ không phải giải pháp thích hợp để phát triển cầu thủ Việt. Bình luận của ông Park làm nhiều người có cảm giác VFF hay VPF không làm gì cả. Sự thật là họ đã làm rất nhiều.
Ngược về thời điểm 2008, V.League từng chứng kiến những đội bóng 7 “Tây” như Bình Dương với 3 cầu thủ ngoại và 4 cái tên nhập tịch, Việt kiều. Ngày này, điều đó đã thay đổi. Mỗi CLB V.League hiện được đăng ký 3 ngoại binh kèm thêm một cầu thủ nhập tịch. So với các nước trong khu vực, bóng đá Việt Nam trao nhiều cơ hội cho cầu thủ nội nhất. Thai League cho phép mỗi đội đăng ký 9 ngoại binh trong đấy có 3 cầu thủ gốc Á. J.League cho phép mỗi đội đăng ký 10 ngoại binh, được sử dụng 5 người trong cùng một thời điểm.
Chúng tôi nhận ra để tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ, điều cốt lõi là tăng số lượng trận bóng ở các giải trẻ.
Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc
Những người lãnh đạo bóng đá Việt Nam đã nghĩ nhiều về việc hạn chế ngoại binh, tăng cơ hội cho cầu thủ trẻ. Chia sẻ với báo giới gần đây, Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc nói: “Cách đây 5 năm, chúng tôi đã đưa vào điều lệ rằng trong danh sách đăng ký thi đấu, các CLB phải có tối thiểu 3 cầu thủ U23. Sau đó, chúng tôi nhận ra để tạo điều kiện cho họ, điều cốt lõi là tăng số lượng trận bóng ở các giải trẻ”.
Ai quan tâm tới bóng đá trẻ Việt Nam không thể không biết về sự ra đời của hai giải đấu mới là U15 Cúp Quốc gia và U17 Cúp Quốc gia trong năm 2020. Hai giải đấu này đã nâng tổng số giải trẻ của bóng đá Việt Nam lên con số 8. Trong tương lai gần, VFF dự định tổ chức thêm giải U9, biến đây thành giải đấu thấp nhất trong hệ thống đào tạo trẻ, đồng thời tăng thêm các Cúp Quốc gia ở những lứa U lớn hơn.
Những nỗ lực ấy đang làm thay đổi đáng kể bộ mặt bóng đá trẻ Việt Nam. Lấy cấp độ U17 làm ví dụ, năm 2019, một cầu thủ thuộc đội vô địch quốc gia chỉ có thể đá tối đa 15 trận. Năm nay, chỉ cần dự vòng chung kết U17 Quốc gia và U17 Cúp Quốc gia, một tài năng trẻ không khó đạt tới con số 25 trận. Đấy là lý do đề án U15 và U17 Cúp Quốc gia nhận được sự ủng hộ cực lớn từ các trung tâm đào tạo trẻ và những nhà chuyên môn. Nỗ lực của VFF càng đáng ghi nhận hơn nếu chúng ta biết hai giải đấu mới này đều chưa có tài trợ, được tổ chức bởi kinh phí của liên đoàn.
Cách làm của bóng đá Việt Nam cũng là xu hướng hiện tại của thế giới. Tại các nền bóng đá phát triển, những hạng đấu thấp đều được tổ chức với quy mô lớn, số đội tham dự đông đảo. Đó được xem là bệ phóng cho những cầu thủ trẻ trước khi bước lên đội một hoặc các hạng đấu cao nhất. Đó có lẽ cũng là lý do VFF kiên quyết đặt mục tiêu 14 đội cho các giải V.League, hạng Nhất và hạng Nhì.
Những nỗ lực từ các giải trẻ, chứ không phải điều áp đặt tại V.League, có lẽ mới là con đường đúng đắn cho bóng đá Việt Nam.