Trước việc 4 CLB V.League đã gửi công văn đề nghị dừng tổ chức V.League 2020, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đều khẳng định họ quyết tâm tổ chức giải đấu tới cùng và sẽ chỉ dừng lại trong tình huống bất khả kháng.
Đại diện VPF, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trần Anh Tú khẳng định: “VFF và VPF đã tiếp nhận công văn của 4 CLB nhưng sáng nay, chúng tôi họp Thường trực VFF và đã xác định giải quyết tâm tổ chức. Chúng tôi chỉ không tổ chức giải trong trường hợp bất khả kháng, khi Chính phủ không cho phép các sự kiện thể thao, giải trí diễn ra. Còn về nguyên tắc, nếu điều kiện tổ chức cho phép, VFF và VPF sẽ tổ chức giải”.
V.League không bị hủy như đề xuất của một số đội bóng. |
Trước khi V.League trở lại, VPF đã quyết định đảo lịch Cúp Quốc gia lên trước. Giải đấu này vốn chỉ trở lại vào cuối tháng 8 nay sẽ tổ chức ngay đầu tháng 8 và kết thúc với trận chung kết ngày 9/8.
Ông Tú giải thích: “Chúng tôi đã báo cáo VFF và khi điều kiện cho phép, sẽ cố gắng bắt đầu tổ chức Cúp Quốc gia ngay. VPF đề xuất tổ chức Cúp Quốc gia tại 3 địa điểm là Hà Nội, Bà Rịa Vũng Tàu và Hà Tĩnh. Đây là 3 nơi chưa công bố dịch nên VPF đề xuất như vậy. Tuy nhiên, việc tổ chức còn căn cứ vào tình hình thực tế. Chúng tôi tin tưởng vào hiệu quả chống dịch của Chính phủ nên hy vọng sẽ tổ chức thành công các vòng còn lại của Cúp Quốc gia”.
Kéo Cúp quốc gia lên tổ chức sớm là một động thái của VPF nhằm không làm gián đoạn tiến trình bóng đá Việt Nam. Đơn vị này muốn V.League kết thúc ngày 31/10 nhằm không làm ảnh hưởng tới kế hoạch của tuyển Việt Nam vào cuối năm. Thậm chí, VPF còn xem xét khả năng tiếp tục tổ chức V.League sang tháng 11 nếu cần thiết.
Ông Tú giải thích: “Bóng đá sống bằng tiền tài trợ. Nếu chúng ta không thực hiện được, nếu ta phá hợp đồng, ta sẽ bị xử lý. Hậu quả đầu tiên là không có tiền, ta không làm gì được. Hậu quả thứ hai là khi phá vỡ hợp đồng, VPF sẽ mất uy tín. Ai sẽ tài trợ cho chúng ta năm sau nữa? Họ sẽ bảo chúng ta có giữ uy tín đâu mà họ tài trợ?”.
“Một nền bóng đá có hai mảng là đội tuyển và V.League. Nếu giải quốc nội không tổ chức được thì làm sao đội tuyển tốt được. Nếu nền bóng đá không tổ chức được thì điều đầu tiên, có thể tôi sẽ lên đường, sau đó là các quan chức VFF và còn nhiều vấn đề nữa. Nhưng nếu chúng ta tổ chức được giải trong khó khăn, chúng ta sẽ được ghi nhận”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, ông Tú cũng cho biết nếu có thêm nhiều đội nữa đề xuất dừng V.League, VPF và VFF sẽ phải xem xét lại. Đơn vị tổ chức giải và các CLB sẽ phải ngồi lại cùng nhau để xem xét các vấn đề lợi hại trước khi có quyết định sau cùng.
Riêng về CLB Đà Nẵng, nơi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, ông Tú cho biết: “Chúng tôi sẽ báo cáo với các cơ quan nhà nước, có thể di chuyển CLB Đà Nẵng tới một địa điểm trung gian nào đấy. Khi họ đủ điều kiện thi đấu, chúng tôi sẽ cho họ đá ở sân trung lập. Cùng với Đà Nẵng, CLB Quảng Nam cũng sẽ được xử lý tương tự”.
V.League hiện đã tạm dừng sau vòng 11. CLB Sài Gòn đang dẫn đầu bảng. Giải đấu còn 2 vòng nữa sẽ khép lại lượt đi và còn 7 vòng lượt về nữa. Nếu giữ nguyên kết quả hiện tại, CLB Sài Gòn sẽ là nhà tân vô địch của mùa bóng 2020.
Sau khi V.League phải tạm hoãn lần thứ hai, 4 đội bóng Nam Định, Quảng Nam, Thanh Hóa và SLNA đã có văn bản gửi đề xuất kết thúc V.League 2020. VFF lập tức họp khẩn trong ngày 28/7.
Trao đổi với Zing sáng 28/7, Giám đốc kỹ thuật Đoàn Phùng của CLB Quảng Nam cho biết đội đã gửi công văn lên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để đề nghị xin kết thúc V.League 2020. Ngoại trừ CLB Nam Định, 3 đội Quảng Nam, SLNA và CLB Thanh Hóa có quan điểm giống nhau về việc đề nghị VFF, VPF kết thúc mùa giải V-League 2020 ngay từ vòng đấu thứ 11, trao huy chương cho đội nhất, nhì, ba, đồng thời không có đội nào phải xuống hạng.