Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sơn La vừa chuyển hồ sơ sang VKSND tỉnh để đề nghị truy tố 8 bị can liên quan vụ nâng điểm thi THPT 2018 về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
VTV cho biết ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, đã nâng điểm cho 13 thí sinh. Trong số này có 8 trường hợp do ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, “gửi gắm”, nhờ rút bài, sửa nâng điểm.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến (áo trắng) bị cáo buộc nâng điểm cho 13 thí sinh. Ảnh: Hoàng Minh. |
Kết quả điều tra cũng cho thấy bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Sơn La), thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, đã nhận rút bài, sửa nâng điểm cho 16 thí sinh. Một số bị can còn lại nhận sửa điểm cho hơn 10 thí sinh khác.
Về chi phí để sửa nâng điểm, có bị can khai trung bình mỗi trường hợp mua điểm phải trả 1 tỷ đồng. Quá trình điều tra, một số bị can đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.
Tuy nhiên khi trả lời Người Đưa Tin sáng 25/4, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức phủ nhận việc chỉ đạo cấp phó nâng điểm cho 8 thí sinh. Ông Đức khá bất ngờ trước lời khai các bị can và bức xúc nói: “Bố láo bố lếu, làm gì có chuyện đấy”.
Nói với Tiền Phong, lãnh đạo Viện KSND tỉnh Sơn La cho rằng thông tin về giá nâng điểm 1 tỷ đồng cho mỗi thí sinh là không chính xác. Đây chỉ là lời khai một phía của bị can, chưa đủ căn cứ để buộc tội.
Vị cán bộ này nói những người liên quan trong vụ án này liên tục thay đổi lời khai, một số chứng cứ đã bị tiêu hủy, gây không ít khó khăn cho cơ quan điều tra.
Vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được xem là bê bối thi cử lớn nhất từ trước đến nay với hơn 222 thí sinh được nâng điểm. Trong đó Hà Giang có 114 thí sinh, Sơn La và Hòa Bình lần lượt có 44 và 64 thí sinh.
Điều tra tiêu cực, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La có cán bộ 8 ngành giáo dục và công an liên quan.