Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Virus Vũ Hán làm tê liệt cỗ máy tăng trưởng Trung Quốc

Dịch virus corona buộc nền kinh tế toàn cầu phải tìm cách xoay sở để đối phó với tình trạng cỗ máy tăng trưởng Trung Quốc tê liệt.

Ford và Toyota tiếp tục đóng cửa các nhà máy lắp ráp ở Trung Quốc thêm một tuần. General Motors và Nissan cũng đưa ra quyết định tương tự. Apple buộc phải điều chỉnh chuỗi cung ứng.

Starbucks đóng cửa hàng nghìn quán cà phê và cảnh báo khả năng doanh số sụt giảm nghiêm trọng. Các công ty như G.M., Honeywell, Facebook và Bloomberg đều đã hạn chế nhân viên đi tới Trung Quốc.

Vào giữa tuần, British Airways ngừng mọi chuyến bay tới Trung Quốc đại luc. United Airlines, Air Canada và hàng loạt hãng hàng không khác cắt giảm đáng kể số chuyến bay tới Trung Quốc.

Tại Nhật Bản, các nhà lãnh đạo cảnh báo nguy cơ kinh tế suy giảm vì dịch virus corona ở Trung Quốc. Ngành du lịch châu Á quan sát tình hình trong lo lắng khi nguồn chi tiêu du lịch lớn nhất thế giới lao đao vì dịch bệnh.

dich virus corona anh 1

Dịch virus corona làm tê liệt giao thông hàng không tại Trung Quốc. Ảnh: NYT.

Nguy cơ đóng cửa lâu dài

Báo New York Times nhận định virus Vũ Hán đã làm tê liệt Trung Quốc, một trong những cỗ máy tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế thế giới. Để đối phó với dịch, chính quyền Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán tới ngày 3/2 và hạn chế giao thông đường không, đường tàu và đường bộ. Hàng loạt thành phố bị phong tỏa hoàn toàn.

Hai năm trước, khi khởi xướng chiến tranh thương mại chống Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo kinh tế thế giới quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Giờ virus Vũ Hán thử thách sự phụ thuộc đó.

Trên thực tế, ảnh hưởng kinh tế của dịch virus corona là chưa rõ ràng bởi phần lớn Trung Quốc vẫn còn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh sẽ sớm bị kiềm chế.

Và nhiều công ty cho biết đang chuẩn bị với nguy cơ đóng cửa lâu hơn. “Các thành viên của chúng tôi đang đối phó với tình trạng kinh doanh đứt quãng, chuỗi cung ứng gặp vấn đề, các cửa hàng bán lẻ và nhà máy bị đóng cửa”, New York Times dẫn lời ông Jake Parker, Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, cho biết.

“Nếu việc đi lại và phong tỏa bị kéo dài sau ngày 8/2, các vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn”, ông Parker nhấn mạnh.

dich virus corona anh 2

Với việc Vũ Hán bị phong tỏa, các doanh nghiệp toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Nikkei.

Với nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc không chỉ là khu vực sản xuất mà còn là thị trường tiêu thụ vô cùng quan trọng. Thị trường xe hơi và smartphone Trung Quốc thuộc vào loại lớn nhất thế giới.

Sau khi thương chiến bùng nổ, các tập đoàn toàn cầu đã tư duy lại chiến lược Trung Quốc. Tăng trưởng của nước này chậm lại, chi phí lao động leo thang, doanh nghiệp trong nước ngày càng cạnh tranh trong khi chính quyền Bắc Kinh lập ra nhiều rào cản.

Nhưng Trung Quốc vẫn có lợi thế lớn là lao động lành nghề, hệ thống đường cao tốc và đường sắt rộng lớn và thị trường tiêu thụ khổng lồ. Do đó, các công ty toàn cầu rất khó từ bỏ thị trường Trung Quốc. Họ phải đi tìm giải pháp tạm thời.

Doanh nghiệp chật vật đối phó

Đầu tuần, CEO Apple Tim Cook tuyên bố hãng đang tìm đối tác cung ứng thay thế. Các công ty khác gặp rất nhiều khó khăn. Vũ Hán - tâm chấn của đại dịch - là một trung tâm giao thông lớn, do đó nhiều tập đoàn như General Motors, Honda, Nissan và các nhà cung ứng đặt nhà máy tại đây.

Vũ Hán thu hút tới 30% tổng đầu tư từ Pháp vào Trung Quốc. Nhà sản xuất xe hơi Pháp PSA Group đang họp khẩn để bàn biện pháp đối phó. Công ty này có khoảng 2.000 nhân viên ở Vũ Hán.

Đại gia Thụy Điển Ikea thông báo sẽ đóng cửa gần 15 siêu thị nội thất tại Trung Quốc. Nhân viên Ikea được yêu cầu ở nhà. Chưa rõ hoạt động kinh doanh của các công ty này sẽ nối lại vào bao giờ.

Công ty Mỹ Cummins thừa nhận không rõ bao giờ mới mở cửa trở lại 7 cơ sở sản xuất ở Vũ Hán. Ford không có nhà máy tại Vũ Hán nhưng cho biết một số nhà máy ở Trung Quốc sẽ không hoạt động cho đến ngày 10/2.

dich virus corona anh 3

Nhật Bản, Thái Lan và nhiều nước châu Á thiệt hại vì du khách Trung Quốc sụt giảm. Ảnh: Reuters.

Ở Nhật Bản, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura cảnh báo: “Tình hình nếu tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu, sản xuất và lợi nhuận doanh nghiệp của Nhật Bản”.

Du khách Trung Quốc chi tiêu khoảng 258 tỷ USD ở nước ngoài, theo Tổ chức Du lịch Quốc tế, gấp đôi mức chi tiêu của du khách Mỹ. Với Nhật Bản, du khác Trung Quốc chiếm 30% tổng số du khách nước ngoài.

Ở Thái Lan, du khách Trung Quốc chi tiêu gần 18 tỷ USD mỗi năm, tương đương 25% tổng chi tiêu của du khách nước ngoài. “Du khách Trung Quốc rất quan trọng với Thái Lan”, ông Yuthasak Supasorn, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Thái Lan, thừa nhận.

Ông cho biết chính phủ Thái Lan đang tìm cách bù đắp cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại vì lượng du khách Trung Quốc sụt giảm những tuần qua.

Người dân Vũ Hán mua sắm, sinh hoạt thế nào khi bị phong tỏa?

Đã 6 ngày trôi qua kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa vì dịch virus corona. Cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn hoàn toàn.

Virus Vũ Hán bắt đầu tàn phá kinh tế Trung Quốc

Các số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu lao đao vì ảnh hưởng của dịch virus corona xuất phát từ thành phố Vũ Hán.

Minh Phụng

Bạn có thể quan tâm