Số ca nhiễm virus corona ở Trung Quốc đã vượt quá 75.000 với hơn 2.000 ca tử vong. Dịch bệnh lây lan nhanh đang đe dọa thế giới toàn cầu hóa ở những nơi dễ tổn thương nhất.
Tối 30/12, một bác sĩ trẻ ở thành phố Vũ Hán gửi đi dòng tin nhắn ngắn cho nhóm đồng nghiệp.
"Bảy ca SARS được xác nhận tại chợ hải sản Hoa Nam", anh viết. SARS, căn bệnh do virus gây ra bùng phát tháng 11/2002, từng cướp đi 774 mạng sống.
"Tôi thấy rõ chúng ta đang đối mặt với một vấn đề sức khỏe cộng đồng", vị bác sĩ nói.
Anh là Lý Văn Lượng, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Câu chuyện mà anh nói với tờ nhật báo Thanh niên Bắc Kinh được chia sẻ hàng chục nghìn lần trên mạng ở Trung Quốc.
Lúc 1h30 ngày 31/12, ủy ban y tế thành phố triệu tập và thẩm vấn anh nhiều lần trong ngày.
Công an sau đó cũng triệu tập, nói việc lan truyền thông tin như vậy là hành vi phạm pháp có thể bị trừng phạt và yêu cầu anh viết tờ khai nhận lỗi.
Song anh chưa bao giờ bị trừng phạt. Thay vào đó, anh nhiễm phải virus.
"Ngày 10/1, khoảng buổi trưa, tôi bắt đầu ho. Ngày hôm sau, tôi lên cơn cơn sốt. Đó là khi tôi biết mình gặp rắc rối", anh nói. Ngày 16/1, anh bắt đầu khó thở. Ngày 24/1, anh được chuyển đến phòng hồi sức tích cực. Tới 27/1, anh viết câu chuyện trên điện thoại. Anh không thể nói và chỉ có thể thở bằng máy. Ngày 7/2, anh qua đời.
Giờ cả thế giới đã biết bác sĩ Lý là một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh đang lây lan nguy hiểm, dù đó không phải là SARS.
Số người chết vì căn bệnh, đã được đặt tên chính thức là "Covid-19", do chủng virus corona mới gây ra, đến nay đã vượt qua SARS. Tính đến sáng 19/2, toàn thế giới đã có hơn 74.000 ca nhiễm và 2.009 ca tử vong được ghi nhận, 99% ở Trung Quốc đại lục.
Dịch bệnh đang khiến các nhà khoa học, chính trị gia và doanh nhân lo lắng. Thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và chứng khoán ngay lập tức sụt giảm. Virus làm đảo lộn cuộc sống hàng ngày của mọi người, cách họ kinh doanh và đi lại. Nỗi sợ về dịch bệnh hiển hiện ở mọi nơi trên thế giới.
Theo nhóm các quan chức Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu, quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng "phức tạp và nghiêm trọng".
Đất nước xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 2.300 tỷ USD mỗi năm và chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chuyện gì sẽ xảy ra khi giờ đây các sân bay, các cảng biển của Trung Quốc bị đóng cửa? Điều này sẽ phá vỡ vô số chuỗi cung ứng trên khắp thế giới, cả lớn và nhỏ.
Dịch bệnh đã cho thấy nền kinh tế phụ thuộc vào nhau trong thế kỷ 21 dễ bị tổn thương như thế nào.
Trung Quốc xuất khẩu hơn 80% sản phẩm - bao gồm hàng công nghiệp và tiêu dùng, nguyên liệu thô và thực phẩm - bằng đường biển. Nếu các cảng bị đóng cửa, điều này sẽ dẫn đến sự gián đoạn lớn trong thương mại toàn cầu, tương tự việc nguồn cung dầu từ Saudi Arabia bị gián đoạn.
Ở mức độ nhất định, Trung Quốc có "năng lực làm đảo chiều" trong ngành sản xuất. Sự gián đoạn trong sản xuất có thể khiến phần lớn nền kinh tế toàn cầu rơi vào bế tắc, dù điều này vẫn còn rất xa.
Toàn cầu hóa giúp hàng triệu người ở các quốc gia thoát nghèo. Nó mang lại cho người dân các nước công nghiệp những chiếc TV và máy tính xách tay giá rẻ, nhưng đồng thời, nó khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn trước mọi sự gián đoạn, từ các cuộc tấn công khủng bố đến thiên tai và dịch bệnh.
Nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nói "thế giới lâm nguy" khi họ đánh giá hậu quả kinh tế của một vấn đề khẩn cấp nghiêm trọng về sức khỏe toàn cầu vào năm ngoái.
Một đại dịch như cúm Tây Ban Nha, đã giết chết khoảng 50 triệu người trong giai đoạn 1918-1920, sẽ làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu ngày nay khoảng 3.000 tỷ USD, các chuyên gia tính toán. Ngay cả dịch bệnh tương đối nhẹ cũng có thể gây thiệt hại lên tới hơn 2% GDP.
"Thế giới không sẵn sàng trước dịch bệnh đường hô hấp do virus gây ra và lây lan nhanh chóng", báo cáo cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình so sánh virus mới là "con quỷ" - từ đó khuấy động cảm xúc lây lan nhanh hơn cả virus: nỗi sợ hãi.
Ở Malaysia, Hàn Quốc và Singapore, hàng trăm nghìn người đã ký đơn yêu cầu cấm người từ đại lục nhập cảnh. Ở Pháp, người gốc Á đã lên Twitter để phàn nàn về sự phân biệt đối xử, sử dụng hashtag #JeNeSuisPasUnVirus ("Tôi không phải là virus"). Một số người thậm chí từ chối phục vụ người châu Á trong siêu thị.
Câu chuyện về dịch bệnh không chỉ là vấn đề y học và Trung Quốc. Đây là bài học về sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng - và các khía cạnh chính trị, kinh tế và xã hội - của thế giới ngày nay. Đó là câu chuyện về sự toàn cầu hóa của mối nguy hiểm.
Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân ở miền Trung Trung Quốc, là trung tâm của cuộc khủng hoảng. Đối với Christian Drosten, Giám đốc Viện Virus học tại Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, người từng giúp phát hiện ra virus SARS, có một điều chắc chắn: Vũ Hán, nơi mọi chuyện bắt đầu, với số ca nhiễm và tử vong mới gia tăng từng ngày, những tuần tới sẽ cho thấy liệu virus có thể được ngăn chặn hay không - hay là thế giới sẽ phải chứng kiến virus lây lan từ nước này sang nước khác và từ châu lục này đến lục địa kia.
Các chuyên gia đã đưa ra những nhận định khác nhau về việc khi nào dịch bệnh sẽ đạt đỉnh. Nhà dịch tễ học nổi tiếng nhất Trung Quốc, Chung Nam Sơn, dự đoán dịch sẽ đạt đỉnh trong tháng 2 và có thể kết thúc vào tháng 4, trong khi các chuyên gia ở Hong Kong và London nói phải đến tháng 4 hoặc tháng 5 dịch mới đạt đỉnh.
Chuyên gia Drosten nói yếu tố quyết định trong cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới sẽ không phải là vài trăm bác sĩ hay một bệnh viện được xây dựng chỉ sau hơn một tuần, mà là hành vi hàng ngày của người dân.
"SARS chỉ có được ngăn chặn ở Hong Kong năm 2003 là nhờ mọi người ở yên trong nhà vì sợ hãi”, ông giải thích. Nếu mọi người tránh xa nhau, họ không thể lan truyền mầm bệnh.
Việc mà các nhà dịch tễ học gọi là "cách ly xã hội" - tức là giảm thiểu tiếp xúc với người khác, tránh đi lại không cần thiết, làm việc ở nhà... - hiệu quả hơn bất cứ thứ gì chống lại virus mới nguy hiểm, ông Drosten nói. Nếu số ca nhiễm mới ở Vũ Hán giảm trong những tuần tới, chắc chắn là do hành vi của người dân ở đó.
Cho đến nay, lệnh cấm giao thông và giới nghiêm của chính quyền Vũ Hán đã cho thấy tác động. Đường phố vắng tanh. Vào đêm giao thừa, nhiều người dân đứng ở cửa sổ hoặc ban công, hát quốc ca và hô vang những lời khích lệ: "Vũ Hán cố lên!”.
Trên thực tế, những gì Trung Quốc đang làm sẽ khó tưởng tượng ở bất kỳ quốc gia nào khác. Đối với người châu Âu, chuyện này có thể gợi liên tưởng đến một số bộ phim bom tấn về thiên tai.
Hơn 50 triệu người bị phong tỏa ở tỉnh Hồ Bắc - lớn hơn dân số Tây Ban Nha. Các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh và Thiên Tân đã nhanh chóng tạm dừng các tuyến xe khách đường dài.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus liên tục ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc. “Chúng tôi đánh giá cao sự nghiêm túc mà Trung Quốc đang cho thấy trong việc ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là cam kết từ lãnh đạo cao nhất", ông Tedros nói trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bất chấp những chỉ trích về việc ông khen ngợi Trung Quốc có thể đã gây ngộ nhận về tình hình, ông Tedros vẫn khẳng định “sẽ ca ngợi Trung Quốc nhiều lần nữa”.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua được", ông Tập nói trong cuộc gặp, miễn là chính sách của ông được "thực hiện chính xác". Lời lẽ của ông thể hiện sự tự tin, nhưng cũng là cảnh báo: Nếu không thể nhanh chóng ngăn chặn, thì đó có nghĩa là ai đó đã không thực hiện đầy đủ các chỉ thị từ Bắc Kinh.
Dân gian Trung Quốc có câu “Thiên cao hoàng đế viễn", nghĩa đen là “trời ở trên cao còn hoàng đế ở xa”. Câu này nôm na có thể hiểu là “phép vua thua lệ làng”, tức quan niệm rằng chính quyền trung ương Trung Quốc có quyền lực tuyệt đối đối với mọi thành phố, thị trấn, làng mạc đơn giản là không đúng.
Các lãnh đạo tỉnh được hưởng sự tự do đáng kể - chẳng hạn, bỏ qua các thủ tục và quy tắc. Về mặt kinh tế, điều này đã tạo ra những thí nghiệm táo bạo góp phần vào sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, mặt trái là chính quyền trung ương thường không có bức tranh chính xác về những gì đang diễn ra ở ngoại vi - và các lãnh đạo địa phương Trung Quốc thường phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra ở địa bàn của họ.
Đây có thể là lý do mà chính quyền ở Vũ Hán đã chờ đợi rất lâu để gióng lên hồi chuông cảnh báo. Vào ngày 1/1, chính quyền thành phố đã đóng cửa chợ Hoa Nam và công an có "hành động pháp lý" đối với 8 người dùng Internet đã "lan truyền tin đồn" về một căn bệnh do virus gây ra, bao gồm bác sĩ Lý Văn Lượng.
Ba tuần sau, và chỉ vài ngày trước khi Vũ Hán bị phong tỏa, chính quyền thành phố đã tổ chức một bữa tiệc đón năm mới. Khoảng 40.000 người đã tham gia, cùng nhau ăn những bát tôm cũng như món cổ vịt nóng cay.
Sau đó, thị trưởng Vũ Hán nói khi họ tổ chức bữa tiệc, họ nhận định rằng virus không thể lây từ người sang người. Song ông cũng thừa nhận rằng họ gần như đã không làm gì trong suốt thời gian dài.
Mạng xã hội ở Trung Quốc đã tràn ngập sự bất mãn, những lời chỉ trích, những câu chuyện của những người trong cuộc và nhân chứng, đặc biệt là sau cái chết của bác sĩ Lý, người đã được ca ngợi là anh hùng dân tộc.
Sau khi virus xuất hiện ở tổng cộng 24 quốc gia, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng.
"Tất cả chúng ta phải hành động cùng nhau ngay bây giờ", ông Tedros nói. Quan ngại chủ yếu của WHO khi đó là virus có thể lan sang các nước không có hệ thống y tế tốt.
Tuy nhiên, tổ chức đã không khuyến cáo hạn chế đi lại mà thay vào đó, ông Tedros kêu gọi nhanh chóng điều chế vắc-xin và thuốc. Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua với thời gian để điều chế vắc-xin. Song việc này sẽ mất thời gian - ít nhất ba tháng để thử nghiệm trên người bất kỳ loại vắc-xin nào.
Điều đặc biệt đáng lo ngại là vẫn chưa rõ các nhà khoa học và bác sĩ đang chống lại điều gì. Mặc dù trình tự gen của chủng virus corona mới đã được giải mã và các nhà nghiên cứu Australia đã thành công trong việc phát triển virus trong phòng thí nghiệm, nhưng không rõ bằng cách nào virus có thể lây nhiễm và nguy hiểm đến mức nào.
"Hiện tại, chúng ta đang đối phó với mọi thứ khi chúng đến”, Stephan Becker, Giám đốc Viện Virus học tại Đại học Marburg, nói.
"Vô cùng khó để đưa ra bất kỳ dự đoán khả tín nào về chủng virus chỉ mới xuất hiện trên người", David Heymann của Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, người từng giúp WHO chiến đấu chống dịch SARS năm 2003, nói.
Công nghệ chỉ giúp xác định các đặc điểm của virus. Vì vậy, các nhà dịch tễ học đang tập trung nghiên cứu cẩn trọng các “ổ dịch”, cố gắng tìm hiểu xem những trường hợp cá nhân này có liên quan với nhau như thế nào.
Cho đến nay, chưa ai có thể dám chắc rằng cuối cùng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn. "Chúng ta vẫn phải chờ xem các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt mà chính phủ Trung Quốc áp dụng có hiệu quả hay không", Marion Koopmans, giáo sư tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam, nói. Đó chắc chắn sẽ là dấu hiệu tốt nếu chỉ có một vài ca mới trong những ngày tới tại các quốc gia bị ảnh hưởng bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều khả năng một đại dịch sẽ xuất hiện trong đó virus sẽ lây lan khắp thế giới. Chuyên gia Becker nói: "Dù sao đi nữa, việc ngăn chặn virus sẽ khó hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ”.
Lee Hyuk Min, giáo sư tại Đại học Y Yonsei ở Hàn Quốc, chỉ ra khía cạnh khác. "Tôi không muốn đưa ra bất kỳ ước tính nào về số lượng người có thể bị nhiễm bệnh", ông nói, "nhưng dịch bệnh này có thể kéo dài trong vài tháng”. Ông lo ngại virus có thể lây lan mà không bị phát hiện trong thời gian dài và gây ra thiệt hại đáng kể, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và mới nổi.
Song ngay cả khi đại dịch thực sự xảy ra, không hẳn đây sẽ là thảm họa, vì tỷ lệ tử vong thường bị thổi phồng khi dịch bệnh mới bùng phát. Các cơ quan y tế công cộng hiện ước tính tỷ lệ tử vong 2-4% đối với virus corona chủng mới, so với khoảng 10% cho SARS và 35% cho MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012).
Và thậm chí tỷ lệ 2-4% đó có thể giảm đáng kể nếu phát hiện ra nhiều trường hợp nhẹ hơn. Các ca nhiễm sớm nhất ở Vũ Hán đã cho thấy căn bệnh này đặc biệt nghiêm trọng ở người già và ở những người mắc các bệnh khác.
Đó là lý do chuyên gia Becker nghi ngờ rằng "một đại dịch với virus corona chủng mới có thể trở thành loại giống như đại dịch cúm thứ hai. Nó vẫn rất nguy hiểm và là thách thức đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhưng nó sẽ không phải là kết thúc của thế giới”.
Trong khi đó, nhiều người có tài sản và công việc phụ thuộc vào Trung Quốc, rất quan tâm đến tình hình. Họ đã sống trong sợ hãi về một sự kiện không lường trước được với hậu quả nghiêm trọng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
Trong tuần đầu tiên của năm mới âm lịch, tức vài ngày sau khi Vũ Hán và nhiều thành phố lân cận bị phong tỏa, thị trường tài chính quốc tế rất căng thẳng. Sau khi Shanghai Composite Index, chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của Trung Quốc, mất gần 5% giá trị trong vài ngày, giá cổ phiếu ở nhiều quốc gia đã giảm.
Đến ngày 2/2, chỉ số này giảm 7,7%, ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2015. Đồng thời, giá trị của mọi tài sản được giao dịch trên sàn chứng khoán dưới nhãn "an toàn" đã tăng: vàng, trái phiếu Mỹ, trái phiếu Đức. Các nhà giao dịch chứng khoán ở London, Hong Kong và New York đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ sụp đổ.
Các nhà đầu tư, chủ ngân hàng và chuyên gia kinh tế vẫn còn nhớ rất rõ tác động kinh hoàng của dịch SARS. Khi đó, tăng trưởng toàn cầu giảm khoảng 1%. Các nhà kinh tế ước tính rằng cái giá lần này có thể còn cao hơn, với tốc độ lây lan của virus và trọng lượng gia tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu. Đầu thế kỷ, Trung Quốc đóng góp 4% sản lượng kinh tế của thế giới, nhưng giờ là 16%.
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chính của Mỹ, Liên minh châu Âu và hầu hết nước láng giềng châu Á, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và vốn trên toàn thế giới và chịu trách nhiệm cho khoảng một phần ba tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc từ lâu đã là "công xưởng thế giới” nhưng đất nước đang dần trở thành trung tâm nghiên cứu và giao thương quan trọng.
Do đó, hậu quả kinh tế sẽ tương đối lớn nếu, trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, chính quyền ở Bắc Kinh phong tỏa toàn bộ một địa phương, hạn chế đi lại và cản trở sự di chuyển của hàng hóa, và kéo dài thời gian nghỉ học, nghỉ làm.
Các biện pháp này có thể chỉ được áp dụng ở một số địa phương Trung Quốc, nhưng tác động của chúng sẽ được cảm nhận bởi các chủ tàu ở Đài Loan, các nhà sản xuất điện tử ở Seoul và các nhà mốt ở Milan.
Trong tình huống xấu nhất, dịch virus corona có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, như cảnh báo của nhà kinh tế Mỹ Stephen Roach, người đã có nhiều năm điều hành chi nhánh của Morgan Stanley ở Hong Kong.
Ông cho rằng rủi ro này thậm chí còn lớn hơn bởi vì nền kinh tế toàn cầu đang trên đà đi xuống do nhiều xung đột thương mại và khủng hoảng chính trị.
"Một cú sốc lớn đối với nền kinh tế đang suy yếu có thể kết thúc bằng một cuộc suy thoái ngoài dự liệu”, ông nói.
Trên thực tế, nhiều lĩnh vực ngành nghề đã bắt đầu nghĩ đến những tổn thất lâu dài mà họ sẽ không thể xóa sạch, ngay cả khi Bắc Kinh có thể nhanh chóng xử lý khủng hoảng. Chẳng hạn trong ngành du lịch, các công ty lữ hành, chủ khách sạn và hãng hàng không đang đối mặt với sự sụt giảm mạnh bởi vì, ở nhiều nơi, tầng lớp trung lưu Trung Quốc là bộ phận khách hàng lớn.
Trước đại dịch SARS, chỉ có vài trăm nghìn người Trung Quốc đến Nhật Bản mỗi năm. Ngày nay, con số đó đã tăng lên hơn 8 triệu. Trung Quốc thậm chí còn quan trọng hơn đối với các địa điểm du lịch truyền thống như Thái Lan hay Philippines, cũng như đối với ngành hàng không, vốn đã mở thêm nhiều đường bay đến Trung Quốc trong những năm gần đây.
Khi các hãng hàng không lớn như British Airways đình chỉ mọi chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải, và các tập đoàn trên toàn thế giới thông báo rằng họ đang giảm số chuyến công tác, điều này gây ra tổn thất lớn.
Thiệt hại mà SARS gây ra chỉ riêng cho ngành vận tải và du lịch là hơn 10 tỷ USD. Các chuyên gia ước tính rằng virus mới có thể gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều.
Nếu Trung Quốc đi lại, buôn bán hoặc sản xuất ít hơn thì nước này cũng cần ít nguyên liệu hơn. Ít nhất, đó là quan điểm của các thương nhân trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế, những người đã đưa giá đồng, niken, ngô và đậu nành đi xuống trong những ngày gần đây.
Việc giá dầu giảm xuống mức thấp mới có thể là một lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu. Song các nước sản xuất dầu trong khối OPEC quyết tâm đẩy giá trở lại. Họ cho biết trong một tuyên bố rằng họ sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết”.
Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà bán lẻ và chính trị gia vẫn đang kỳ vọng dịch bệnh được khống chế trong thời gian tương đối ngắn. Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ chỉ để lại vết lõm nhỏ trong dữ liệu của các nhà kinh tế và thống kê.
Tuy nhiên, nếu virus lây lan trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, như hầu hết nhà dịch tễ học dự đoán, thì thiệt hại cũng sẽ nhanh chóng tăng lên - đặc biệt là đối với các công ty có giao dịch đáng kể ở Trung Quốc.
Apple, có trụ sở tại Mỹ, sản xuất linh kiện cho máy tính và điện thoại thông minh ở Vũ Hán, trung tâm của dịch bệnh. Và Starbucks, chuỗi cà phê của Mỹ, vận hành khoảng 4.300 cửa hàng ở Trung Quốc, một nửa trong số đó đang đóng cửa.
Đối với thương mại ở Trung Quốc, virus đang trở thành bài kiểm tra về sức chịu đựng. Sự chậm trễ trong hoạt động sản xuất của các nhà máy có thể có tác động mạnh đến các cửa hàng giảm giá và các kênh mua sắm tại nhà, vì 90% sản phẩm họ bán là hàng tiêu dùng được chào bán với giá bán.
"Chúng tôi nghĩ sẽ có những tắc nghẽn to lớn. Không có gì được sản xuất bởi vì công nhân không được phép đến các nhà máy”, đại diện một công ty hậu cần lớn cho biết.
Để hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế, chính phủ Bắc Kinh sẽ phải tự tin rằng các biện pháp y tế mà họ thực hiện sẽ thành công. Về mặt kinh tế, các phương tiện có sẵn cho quốc gia này bị hạn chế. Họ đã tung ra một số gói kích cầu kinh tế trong những năm qua và nhiều ngân hàng, công ty đang chìm trong nợ nần.
Nicolas Lardy, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Peterson, tổ chức tư vấn chính sách có trụ sở tại Washington, DC, nói rằng phương Tây đánh giá thấp việc "hạn chế rủi ro tài chính" quan trọng như thế nào đối với chính phủ ở Bắc Kinh.
Như những tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng đã cho thấy, các chính trị gia và nhà kinh tế của Trung Quốc lẫn phương Tây đều không chuẩn bị cho loại sự kiện mà các chuyên gia thường cảnh báo kể từ khi dịch SARS xuất hiện. Các tổ chức tư vấn chính sách cũng không quan tâm nhiều đến dịch bệnh như thế này trong các kịch bản khủng hoảng của họ.
Mọi người dường như để sự lo lắng chiếm hết tâm trí. Những nỗi sợ về số phận của người sống ở Vũ Hán và xung quanh lan đến những nơi còn lại của thế giới. Điều này ảnh hưởng đến những người như Lee Tsui-ping dù cô không mắc bệnh.
Lee, người Đức gốc Đài Loan, đã sống ở Munich hàng chục năm. Cô làm phiên dịch tại ISPO, hội chợ lớn nhất thế giới về đồ thể thao. Khi cô đến đưa tờ khai đăng ký tham gia sự kiện của mình, nhân viên tiếp nhận lúng túng như thể sợ hãi đến chết.
"Đối với họ, tôi trông giống một người vừa đến từ Trung Quốc, vì vậy tôi hẳn là đã nhiễm bệnh, đúng không?", cô nói. Cô cho biết cô thấy những nỗi sợ hãi tương tự trong các cửa hàng ở trung tâm thành phố Munich. "Khi họ đưa biên lai cho một người trông giống tôi, họ làm điều đó bằng đầu ngón tay," cô nói.
Nếu các chuyên gia như Christian Drosten đúng, thì chính những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, những người bị cấm rời khỏi Vũ Hán, Hoàng Cương, Hiểu Cảm và 13 thành phố khác đã bị phong tỏa ở Hồ Bắc, đang làm chính xác điều đúng đắn: Họ đang chờ đợi và giữ khoảng cách. Họ đang làm việc gọi là "cách ly xã hội", trái với cái gọi là “kết giao toàn cầu”. Đây cũng là cách tốt nhất để họ tự bảo vệ mình khỏi virus.
Có vẻ là nghịch lý, nhưng những điều cần thiết nhất để cứu lấy sự toàn cầu hóa tại thời điểm này là sự cô lập, bình tĩnh và kiên nhẫn.