Năm 2003, khi Hội chứng Suy hô hấp cấp (SARS) gieo rắc sợ hãi ở miền Nam Trung Quốc, Li là một nam sinh 15 tuổi đang quay cuồng chuẩn bị cho các bài kiểm tra tại Vũ Hán, địa phương cách nơi bùng phát dịch khoảng 1.000 km.
Vẫn đang trong giờ học và các học sinh được thông báo rằng chúng không thể về nhà giữa giờ học buổi chiều và buổi tối, vì vậy phụ huynh đã tụ tập bên ngoài cổng trường để đưa hộp thức ăn cho con.
Li (không phải tên thật) cho biết trường học của anh có mùi giấm, do niềm tin rằng hơi giấm sẽ giúp ngăn chặn bệnh dịch lây lan.
Đối với Li, SARS không giống như thứ mà chính bản thân anh sẽ mắc phải.
Người dân đi ngang qua một quảng cáo chống SARS ở Thượng Hải vào tháng 12/2003. Ảnh: AP. |
Khi đó, không có tàu cao tốc nối Vũ Hán với các thành phố khác, và tỉnh Quảng Đông, nơi dịch bệnh phát sinh, anh cảm thấy rất xa xôi. Một số người đeo khẩu trang, những người khác thì không.
Gần hai thập kỷ sau, châu Á đang đứng bên bờ vực một đại dịch khác, theo các chuyên gia. Đối với nhiều người, tình cảnh này rất giống dịch SARS với 8.000 người lây nhiễm và 774 người tử vong trên khắp thế giới trong khoảng thời gian từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003. SARS cũng là một chủng virus corona, gây ra các triệu chứng giống như cúm và có thể biến đổi khi nó lây từ người này sang người khác.
Trong một tháng qua tại Trung Quốc, ít nhất 80 người đã chết và hơn 2.800 người được chẩn đoán nhiễm virus corona Vũ Hán, chủng virus cùng họ với SARS. Các trường hợp khác đã được ghi nhận ở một số quốc gia, bao gồm những nơi xa xôi như Mỹ và Canada.
Giao thông đang bị phong tỏa ở Vũ Hán - thành phố 11 triệu dân và là tâm điểm của dịch bệnh - và ở 10 thành phố lân cận. Tất cả những điều này xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất trong năm: Tết Nguyên đán, kỳ nghỉ quan trọng nhất trong năm với người Trung Quốc, khi ba tỷ chuyến đi dự kiến diễn ra.
Ngay cả trước khi Vũ Hán đóng cửa các nhà ga và sân bay, anh Li - hiện 31 tuổi và làm việc tại Macao - lần đầu tiên trong đời quyết định không về nhà vào dịp "Xuân tiết". Anh lo lắng cho sức khỏe của gia đình mình, nhưng nói rằng cá nhân anh không thể làm được gì nhiều.
"Tôi hy vọng chính phủ đã rút ra được bài học từ những gì xảy ra 17 năm trước", anh Li nói. "Có vẻ như họ đang xử lý vấn đề một cách nghiêm túc, nhưng tôi không chắc liệu có hơi muộn không".
Sáu tuần sau khi dịch bệnh bùng phát, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang xử lý khác trước. Song vẫn còn lo ngại về phản ứng của Trung Quốc - và việc Bắc Kinh minh bạch đến mức nào.
Chốt chặn được cảnh sát dựng lên ở các cửa ngõ ra vào Vũ Hán trong những ngày thành phố bị phong tỏa vì virus corona mới. Ảnh: AFP. |
Những yếu kém thời SARS
Trong vài tháng đầu tiên của dịch SARS năm 2002-2003, Trung Quốc đã che giấu tình hình.
Tin tức về SARS lần đầu xuất hiện công khai vào tháng 2/2003, nhưng khi đó, dịch bệnh đã diễn ra nhiều tháng. Năm người đã chết và 300 người khác nhiễm bệnh tại tỉnh Quảng Đông.
Vào tháng 4/2003, một bác sĩ nổi tiếng ở Bắc Kinh công khai tố cáo chính phủ che đậy sự việc. Cuối tháng đó, Trung Quốc đã sa thải bộ trưởng y tế và thị trưởng Bắc Kinh.
Và mãi đến tháng 4 - khoảng 5 tháng sau khi dịch bệnh xuất hiện - các nhà khoa học Mỹ và Canada tuyên bố họ đã giải được trình tự bộ gen được cho là nguyên nhân sinh ra virus SARS.
Sự thiếu minh bạch từ Trung Quốc, kết hợp với sự thiếu hiểu biết về virus và sự thiếu sẵn sàng giữa các quốc gia trong khu vực trong việc đối phó với đại dịch, tất cả đã dẫn đến hậu quả chết người của SARS.
Tại đặc khu hành chính Hong Kong, hơn 280 người chết vì SARS - tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất trong các vùng lãnh thổ trên thế giới.
"Sự bùng phát (dịch bệnh) là rất, rất khó kiểm soát. Vào thời điểm đó, chúng tôi không biết cái gì đã gây ra đại dịch", Ivan Hung, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hong Kong, nói. "Chúng tôi không thể kiểm soát tình hình, có thể đưa ra chẩn đoán sớm và từ đó áp dụng biện pháp cách ly. Rất nhiều trường hợp bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện".
SARS cũng cho thấy Trung Quốc và các vùng lãnh thổ khác đã yếu kém như thế nào trong việc đối phó với đại dịch. Trong một bài báo được xuất bản ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cựu lãnh đạo cơ quan y tế Hong Kong Lee Shiu-hung đã chỉ ra một số vấn đề mà thành phố phải đối mặt, bao gồm việc thiếu quần áo bảo hộ cho nhân viên y tế, sự thiếu chuẩn bị của lãnh đạo bệnh viện và những yếu kém cơ bản trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, như quá đông và thông gió kém.
Như chuyên gia Hung nói, khi đó, giới chức y tế công cộng đã "cố gắng để kiếm bàn hòa".
Grace - cư dân Hong Kong, 37 tuổi - khi đó đang thực tập tại một khách sạn, nhớ lại nỗi sợ hãi. Tại khách sạn của chị, mọi người đều đeo khẩu trang và người ta rửa tay, điện thoại trước khi bắt đầu công việc.
"Mọi người đều lo lắng vì không ai biết tình hình nghiêm trọng đến mức nào. Mọi người đều phải đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi. Kinh doanh cũng không tốt", chị Grace nói. "Mọi người muốn ở yên trong nhà nếu họ không phải đi làm hoặc đi học".
Một Trung Quốc khác
Trong sáu tuần kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona Vũ Hán, rõ ràng Trung Quốc ngày nay không giống Trung Quốc năm 2003.
Trung Quốc đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chủng virus mới này vào ngày 31/12/2019, chưa đầy ba tuần sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên vào ngày 12/12. Chủng virus mới được xác định vào ngày 7/1 - nhanh như mọi quốc gia phát triển khác có thể xác định nó, theo ông Ian Lipkin, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia, người từng tham gia ngăn chặn dịch SARS trở lại vào năm 2003.
Hành khách được kiểm tra thân nhiệt tại sân bay ở Bắc Kinh hôm 22/1. Ảnh: AP. |
Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance, tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, nói việc xác định kịp thời chủng virus mới này đã cho phép các quốc gia khác xây dựng sớm các xét nghiệm nhận diện virus, giúp kiểm soát dịch bệnh.
Các chuyên gia cũng ca ngợi Trung Quốc đã minh bạch về sự bùng phát dịch bệnh - điều mà nước này đã bị chỉ trích lần trước. Nhiều người cũng ấn tượng với quyết định chưa từng có của Trung Quốc về việc dừng giao thông đến và đi từ Vũ Hán trong kỳ nghỉ lớn nhất ở đất nước.
"SARS là một nỗi xấu hổ lớn đối với Trung Quốc, và điều đó đã thúc đẩy rất nhiều sự cởi mở và minh bạch xung quanh dịch bệnh lần này", ông Daszak nói.
Cũng có những thứ khác có thể khiến dịch bệnh lần này dễ dàng ngăn chặn hơn SARS 17 năm trước.
Trung Quốc và các nước châu Á khác đã tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch. Cư dân Trung Quốc cũng nhận thức rõ hơn về cách bảo vệ bản thân trước sự lây lan của virus, giáo sư Lipkin nói. Đeo khẩu trang giờ là việc bắt buộc ở Vũ Hán, nhưng trước đó, doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng vọt, China Daily đưa tin.
Đó cũng là tình hình tại Hong Kong. Trong gần tám tháng, khẩu trang có liên hệ chặt chẽ với phong trào biểu tình chống chính phủ vẫn đang diễn ra. Song trong vài tuần qua, ngày càng có nhiều người đeo khẩu trang y tế ở nơi công cộng - vì sức khỏe của bản thân. Đối với nhiều người, SARS đã dạy họ cách đối phó với nguy cơ mắc bệnh.
Theo ông Horace Lau, một lãnh đạo ngành dược ở Hong Kong, khẩu trang y tế xuất hiện khắp nơi trên tàu điện ngầm và thành phố đang phải đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang nghiêm trọng.
Grace cho biết chị bắt đầu đeo khẩu trang từ nhiều tuần trước.
"Kể từ dịch SARS năm 2003, người dân ở Hong Kong đã ý thức hơn về sức khỏe và cách tự bảo vệ mình", chị nói.
Người mua hàng đeo khẩu trang tại một siêu thị ở Bắc Kinh hôm 25/1. Ảnh: Reuters. |
Điều gì không thay đổi?
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc chắc chắn đã truyền thông nhiều hơn về virus corona Vũ Hán, vẫn còn đó sự ngờ vực.
Năm 2003, anh Li khi đó 15 tuổi đã không nghĩ đến việc đặt câu hỏi với cơ quan chức năng. Bây giờ, với tư cách một học giả đang sống bên ngoài sự kiểm duyệt ở Trung Quốc đại lục, anh tin rằng chính phủ Trung Quốc không tin tưởng người dân của mình để nói ra đầy đủ sự thật.
"(Đây là) ý tưởng về việc 'chúng ta phải kiểm soát mức độ hoảng loạn thay vì quy mô bệnh tật", anh nói. "Tôi chỉ có thể hy vọng rằng... họ có thể hành động tốt hơn và phản ứng nhanh chóng thay vì giấu nhẹm thông tin với người dân".
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ lo ngại về sự minh bạch của chính phủ Trung Quốc.
"Tôi tin rằng sự lo lắng mà bạn nhìn thấy cả bên trong Trung Quốc và trên toàn thế giới là sự phản ánh những gì chúng ta đã thấy trong quá khứ", quan chức này nói. "Việc miễn cưỡng trả lời một cách nhanh chóng không mang lại cho cộng đồng toàn cầu cảm giác an toàn rằng việc này đang được kiểm soát bên trong Trung Quốc".
Tuy nhiên sau đó Tổng thống Donald Trump nói trên Twitter rằng Trung Quốc "đã rất nỗ lực để ngăn chặn virus corona" và cảm ơn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Mỹ đánh giá rất cao những nỗ lực và sự minh bạch của họ. Tất cả sẽ ổn thôi. Thay mặt cho người dân Mỹ, tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Tập!", ông Trump nói.
Nhân viên y tế đứng cạnh một xe cấp cứu tại Vũ Hán hôm 26/1. Ảnh: Xinhua/AP. |
Ông Daszak nói rằng sẽ luôn có nhiều người nhiễm bệnh hơn con số chúng ta biết - không phải triệu chứng của mọi người đều nghiêm trọng để họ tìm đến bệnh viện. Giáo sư Lipkin đồng tình, nói rằng các nhà chức trách có thể thận trọng về việc báo cáo các con số vì dù sao thời gian này đang là mùa đông - mùa mà mọi người thường bị cúm và viêm phổi.
Trên mạng, nhiều người cho hay họ bị các bệnh viện ở Vũ Hán từ chối. Mặc dù CNN không thể xác minh những tuyên bố cá nhân này, cơ quan y tế Vũ Hán thừa nhận rằng các bệnh viện địa phương đã bị quá tải. Các quan chức cho biết tình hình sẽ được cải thiện khi có thêm các cơ sở y tế được dành riêng để phát hiện và điều trị virus.
Một vấn đề lớn khác là chợ động vật sống.
Virus corona gây ra SARS khởi phát từ những con cầy hương, loài động vật hoang dã được coi là món ngon ở các vùng phía nam Trung Quốc. Sau khi dịch bệnh bùng phát năm 2003, Trung Quốc đã cấm giết mổ và tiêu thụ cầy hương.
Những con cầy hương mang virus gây ra dịch SARS. Ảnh: AP. |
Lần này, người ta tin rằng dịch bệnh ở Vũ Hán bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam hiện đã bị đóng cửa, nơi một số động vật hoang dã được rao bán, bao gồm lửng chó và rắn. Các chuyên gia tin rằng virus corona mới được động vật mang theo - có thể là rắn - và sau đó lây sang người.
Mặc dù Trung Quốc cấm buôn bán một số động vật hoang dã, nhưng nước này vẫn được xem là thị trường lớn nhất thế giới cho các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp. Các chuyên gia cho rằng thị trường buôn bán động vật hoang dã cần phải bị cấm.
"Nó khiến cả thế giới gặp nguy hiểm. Và tôi không nghĩ chúng ta có thể cho phép những điều này tiếp tục. Rủi ro là quá lớn", ông Lipkin nói.
Hôm 26/1, Trung Quốc đã ra lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã trên toàn quốc, bao gồm tại các chợ, siêu thị nhà hàng cũng như trên các trang thương mại điện tử. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.
SARS một lần nữa?
Có lý do để nghĩ rằng dịch virus corona hiện tại sẽ không có tác động tương tự dịch SARS trước đây.
Hiện tại, virus đã gây chết người nhưng tỷ lệ chưa cao. Đến 22/1, ông Daszak ước tính rằng tỷ lệ tử vong lần này là 3,5%, trong khi WHO ước tính SARS có tỷ lệ tử vong từ 14% đến 15%.
Lần này, chúng ta biết căn bệnh là gì và có những loại vắc-xin tiềm năng có thể sẽ được thử nghiệm, ông Daszak nói. Cơ quan y tế cũng đã chuẩn bị tốt hơn, theo ông Hung, người không nghĩ rằng dịch bệnh lần này sẽ tồi tệ như SARS.
Song chính quyền cũng gặp khó khăn mới. Đợt bùng phát này xảy ra đúng vào thời gian Tết Nguyên đán và trong 17 năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về du lịch quốc tế và trong nước.
Mạng lưới thương mại mở rộng của Trung Quốc có nghĩa là virus có thể lây lan đến những nơi như châu Phi, nơi việc xét có thể sẽ không được kỹ lưỡng, ông Daszak nói. Ngay cả ở các nước phát triển hơn, việc xác định những người có khả năng bị nhiễm bệnh vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc họ tự khai báo các triệu chứng của họ - điều mà một số người sẽ không làm.
Các bác sĩ quân y tiến về một bệnh viện ở Vũ Hán hôm 26/1. Ảnh: Xinhua/AP. |
Hiện tại, căn bệnh này vẫn chưa ở mức siêu lây lan như SARS. Nếu một căn bệnh được xem là siêu lây lan, có nghĩa là một người có thể lây nhiễm cho nhiều người.
Song nếu virus tiến hóa để trở nên siêu lây lan, thì ông Daszak nói rằng "về cơ bản đó sẽ là sự lặp lại của dịch SARS".
"Mỗi ngày tình hình càng trở nên giống SARS", ông Daszak nói và cho biết thêm rằng quyết định đóng cửa Vũ Hán cho thấy chính quyền có thể biết điều gì đó về cách lây lan của căn bệnh không phải là tin tốt.
Dù dịch này có biến thành SARS hay không phụ thuộc vào mức độ tiến hóa của bệnh - và cơ quan y tế công cộng ngăn chặn virus lây lan như thế nào, ông nói.
"Ngay bây giờ, chúng ta đang đứng ở ranh giới với những gì có thể là sự lặp lại của đại dịch SARS", ông nói.
Tính đến ngày 27/1:
- 80 người tử vong do viêm đường hô hấp cấp do virus corona, 2.800 ca nhiễm bệnh.
- Trong đó, 95% ca tử vong và hơn 50% ca nhiễm bệnh ở tỉnh Hồ Bắc.
- 55 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona bên ngoài Trung Quốc đại lục, bao gồm: Australia (4 ca), Pháp (3 ca), Hong Kong (8 ca), Nhật (4 ca), Macao (5 ca), Malaysia (4 ca), Nepal (1 ca), Singapore (4 ca), Hàn Quốc (3 ca), Đài Loan (4 ca), Thái Lan (8 ca), Mỹ (5 ca) và Việt Nam (2 ca).