Dịch bệnh do virus corona mới (có tên gọi chính thức là 2019-nCoV) lây lan với tốc độ chóng mặt, Trung Quốc đã phải cách ly hơn 50 triệu người, một việc chưa từng có tiền lệ.
Nhiều sân bay trên toàn cầu đang thực hiện việc sàng lọc hành khách đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Một nhân viên bán hàng Trung Quốc đeo khẩu trang tại khu vực mua sắm vắng người. Khu vực này thường sẽ bận rộn trong dịp Tết. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, 3 tuần sau khi dịch bệnh trở thành một cuộc khủng hoảng về y tế, các chuyên gia vẫn không thể biết liệu những nỗ lực này có thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh đang đe dọa ít nhất 15 quốc gia hay không.
Tại 6 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã ghi nhận nhiều trường hợp lây truyền từ người sang người. 4 người ở Đức được xác nhận nhiễm bệnh qua việc tiếp xúc với cùng 1 người - một dấu hiệu đáng lo ngại trong việc ngăn chặn dịch bệnh chết chóc này.
Số ca mắc bệnh ở Trung Quốc tiếp tục tăng lên theo cấp số nhân và 5 triệu người Vũ Hán, nơi dịch bệnh bùng phát, đã rời khỏi thành phố trước lệnh phong tỏa. Không loại trừ khả năng trong số họ có những người mang mầm bệnh.
Cho đến nay, dịch bệnh do 2019-nCoV gây ra có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với một số bệnh đường hô hấp nghiêm trọng do virus corona khác gây ra. Tại Trung Quốc, nơi có 7.711 người bị nhiễm bệnh, 170 người tử vong tính đến sáng 30/1.
Đây là một tỷ lệ cao, nhưng vẫn ít hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong của bệnh SARS và MERS. Các quốc gia như Mỹ đã nhanh chóng bắt đầu việc sàng lọc khách du lịch, cách ly người bệnh và tìm xem họ đã tiếp xúc với ai. Chỉ có một số ít trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện tại đây và không có trường hợp tử vong do bệnh bên ngoài Trung Quốc.
Nhiều điều chưa rõ ràng
Các quan chức y tế cho biết họ đang vật lộn với một danh sách dài những thứ chưa chắc chắn như độc tính của virus, mức độ lây nhiễm, liệu những người bị nhiễm nhưng không có triệu chứng có thể lan truyền virus hay không và liệu có thể ngăn chặn virus ở nơi xuất phát dịch bệnh hay không. Những điều này sẽ xác định độ thành công trong việc hạn chế dịch bệnh bùng phát.
“Những con số này đang tăng nhanh với tốc độ đáng chú ý”, Trish Perl, Trưởng phòng bệnh truyền nhiễm và y học địa lý tại Trung tâm y tế UT Southwestern, người từng trải qua các đợt bùng phát virus đường hô hấp khác như SARS và MERS nói với Washington Post.
“Tôi có quan tâm đến sự gia tăng nhanh chóng của những con số này không? Có chứ. Tôi có nghĩ là dịch bệnh này khó kiểm soát không? Đúng vậy, nhưng trong bối cảnh còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết hết”, Perl nói.
Các chuyên gia không chắc chắn liệu các ca nhiễm mới được phát hiện có nghĩa là virus đang lây lan mạnh mẽ ở Trung Quốc hay nước này đang thực hiện công việc tầm soát và xét nghiệm bệnh tốt hơn hay cả hai điều này.
Các quan chức y tế Mỹ tổ chức họp báo vào ngày 28/1 để trấn an công chúng rằng cho đến nay hầu như không có ai ở Mỹ ở trong tình trạng nguy hiểm rõ ràng.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết: “Đây là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, nhưng tại thời điểm này, người Mỹ không nên lo lắng về sự an toàn của chính họ”.
Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar trong buổi họp báo ngày 28/1. Ảnh: Politico. |
Loại virus mới gần như không lây nhiễm nhanh như virus sởi, loại virus có thể tồn tại đến 2 giờ trong không khí sau khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Nó cũng không đe dọa sức khỏe dân Mỹ như cúm mùa, căn bệnh đã khiến ít nhất 8.200 người Mỹ tử vong trong mùa này.
Tuy nhiên, ông Azar cũng thừa nhận: “Chúng ta không thể biết tất cả mọi điều cần biết về loại virus này”. Nhiều quốc gia đang xem xét hoặc tiếp tục sơ tán công dân của họ khỏi Vũ Hán như Pháp, Hàn Quốc, Morocco, Anh, Đức, Canada, Hà Lan và Nga.
Tại Philippines, cơ quan di trú tạm thời đình chỉ việc cấp thị thực nhập cảnh tại chỗ với công dân Trung Quốc. Quan chức xuất nhập cảnh Jaime Morente cho biết động thái này nhằm “giảm các tour du lịch theo nhóm vào Philippines” và ngăn chặn sự lây lan của virus.
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam đã dùng các biện pháp mạnh để ngăn chặn dòng người từ Trung Quốc đại lục vào Hong Kong như đóng cửa các tuyến đường sắt, phà và xe buýt du lịch xuyên biên giới.
Các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục sẽ bị giảm một nửa và chính quyền Hong Kong sẽ ngừng cấp thị thực du lịch cá nhân cho người từ Trung Quốc đại lục từ 30/1.
Có thể không ngăn được virus lây lan
Mặc dù nhiều biện pháp được thực hiện, chúng ta vẫn chưa chắc chắn điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.
“Có khả năng thực sự là virus này sẽ không thể được ngăn chặn”, ông Tom Frieden, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ, người giám sát chương trình phản ứng với dịch Ebola và Zika cho biết.
Các nhà nghiên cứu đang vật lộn để tìm mô hình bùng phát của virus và dự đoán nó một phần vì dữ liệu do chính quyền Trung Quốc công bố không đầy đủ.
Nhân viên y tế mang đưa một bệnh nhân nhiễm virus corona vào bệnh viện Chữ thập Đỏ thành phố Vũ Hán hôm 25/1. Ảnh: AFP. |
Các nhà nghiên cứu cũng muốn biết thêm về thời gian ủ bệnh (hiện được ước tính từ 2 đến 14 ngày) và mức độ nghiêm trọng của các ca nhiễm bệnh.
Tỷ lệ tử vong do virus corona mới này gây ra chỉ hơn 2 %, nếu số liệu chính phủ Trung Quốc công bố là chính xác. Con số này thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ tử vong do các virus corona khác như SARS, gần 10% số người mắc bệnh tử vong, và MERS, khoảng 35% số ca nhiễm tử vong.
Nhiều chuyên gia cảm thấy có hy vọng vì vẫn chưa có trường hợp nhiễm bệnh nghiêm trọng và tử vong bên ngoài Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia khác cảnh báo rằng tỷ lệ tử vong hiện tại có ít ý nghĩa vì những ca nghiêm trọng nhất trong dịch bệnh như thế này thường xuất hiện sớm, sau đó ít hơn khi các biện pháp y tế công cộng được tăng cường.
Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, lưu ý rằng virus có thể đã lan truyền trong nhiều tuần tại Vũ Hán trước khi chúng ta phát hiện ra nó.
:Chúng ta sẽ rất dễ bỏ lỡ nếu nhiều người có các triệu chứng nhẹ và điều đó khiến việc đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn", Jennifer Nuzzo, một nhà dịch tễ học và học giả tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết.
Các chuyên gia cũng không chắc chắn liệu những bệnh nhân không có triệu chứng có thể lan truyền virus hay không. Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Ma Xiaowei đã cảnh báo các quan chức trên toàn thế giới vào cuối tuần trước rằng Trung Quốc có bằng chứng cho thấy loại lây lan này đang xảy ra.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nghi ngờ kết luận này và muốn Trung Quốc cho họ xem dữ liệu chứng minh điều đó.
Đồ họa: BBC. |
“Ngay cả khi có việc lây truyền từ những người không có triệu chứng, nó chưa bao giờ là nguyên nhân bùng phát dịch bệnh trong tất cả những loại bệnh do virus đường hô hấp gây ra”, ông Fauci nói. “Tác nhân làm bùng phát dịch bệnh luôn là một người có triệu chứng nhiễm bệnh”.
Ông Frieden và những người khác nhấn mạnh rằng ngay cả khi chúng ta không thể ngăn dịch bệnh lây lan, chúng ta có thể giảm số người bị nhiễm bệnh và những người tử vong do bệnh nặng. Một biện pháp quan trọng là tăng cường việc sẵn sàng đối phó với dịch bệnh bằng cách đào tạo nhân viên y tế để ngăn ngừa bệnh lây lan.
Hiện tại, Mỹ đang cách ly bệnh nhân nhiễm virus corona trong bệnh viện. Tuy nhiên, điều này sẽ không thể được thực hiện nếu có nhiều ca nhiễm hơn nữa. Trong dịch SARS, các bệnh nhân nhiễm trùng cao là tác nhân gây lây lan khủng khiếp tại các cơ sở y tế.
Bà Nuzzo nói: “Cách ly một người mắc bệnh nhẹ do virus corona gây ra tại nhà sẽ có ý nghĩa hơn. Nếu cô ấy chỉ bị sốt và chảy nước mũi, chúng ta có cần phải hoảng sợ không?”.