Một nhà đầu tư có thể bay tới Idaho cùng gia đình. Một bác sĩ tại thành phố Colorado tìm cách trấn an các khách hàng giàu có yêu cầu phương thuốc chữa trị. Và, một người sống ở New York gọi tới bệnh viện được đặt theo tên của người này, để xin ý kiến tư vấn. Giống như mọi người tại Mỹ, giới nhà giàu đang gồng mình chuẩn bị đối phó với sự bùng phát của virus corona.
Cách đối phó virus của người giàu
Ken Langone, đồng sáng lập của tập đoàn Home Depot, theo dõi cuộc họp báo của Tổng thống Donald Trump và tự hỏi liệu truyền thông có đang làm quá nguy cơ của virus, mặc dù vậy, Langone cũng gọi 2 cuộc điện thoại. Một cuộc nhằm liên lạc với quản lý cấp cao của Bệnh viện NYU Langone, New York. Một cuộc gọi khác tới một bác sĩ đầu ngành đang làm việc tại cơ sở này.
"Tôi được thông báo, từ những người am hiểu hơn mình trong lĩnh vực dịch bệnh, là hiện tại nó chỉ là một trận cúm tồi tệ", Langone nói. Người đàn ông 84 tuổi dự kiến trở về New York trong tháng này để tiến hành một hoạt động bổ nhiệm nhân sự. Người đàn ông cho biết sẽ điều trị tại Bệnh viện NYU Langone trong trường hợp nhiễm bệnh.
Một số tỷ phú, trùm ngân hàng, hay các thành viên thuộc tầng lớp quý tộc tại Mỹ tỏ ra bình tĩnh, trong khi những người khác lại ngày càng tỏ ra lo lắng. Khác với giới bình dân, những người giàu có thể chuẩn bị cho sự bùng phát của dịch bệnh, như thuê máy bay để rời khỏi các điểm nóng, liên hệ với các chuyên gia y tế hàng đầu và tiếp cận với chăm sóc y tế thượng hạng.
Người được cách ly tại bang Washington. Ảnh: AP. |
"Chúng tôi như đang có chiến tranh ở đây", Jordan Shlain, một nhà hóa học và quản lý của Private Medical, công ty cung cấp các thiết bị bảo hộ, cho biết. Công ty của Shlain đã mua hàng trăm thiết bị bảo hộ toàn thân trong công việc cho các nhân viên phải đi tới San Francisco, Los Angeles, hay New York. "Chúng tôi phải cầu xin, mượn, và trả tiền (cho các thiết bị bảo hộ)".
Tim Kruse, một bác sĩ gia đình ở Aspen, bang Colorado, cho biết "người giàu không đối mặt với những tình huống, nguy cơ mà người bình thường gặp phải". Tuy nhiên, điều ấy không khiến họ ngừng đặt ra những câu hỏi như liệu họ có cần tới vaccine chống lại virus corona hay không. "Câu trả lời là không. Họ chỉ muốn biết có vậy".
Đồng sáng lập một quỹ bảo hiểm lớn, người đề nghị giấu tên, cho biết ông sẽ không cư xử như phần lớn những người khác khi ngày tận thế xảy ra. Người đàn ông nói sẽ bay tới căn nhà ông sở hữu ở Italy, tâm điểm dịch bệnh tại châu Âu hiện bị Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo hạn chế du lịch. Người đàn ông cho rằng sự hoảng loạn sẽ khiến vé máy bay thêm rẻ.
Trong khi đó, nhà đầu tư Charles Stevenson sống tại khu nhà giàu trên đại lộ Park ở Southampton, New York, cho biết không lo lắng về tình hình hiện tại.
"(Virus) chưa đến gần tôi vào lúc này. Nếu người dân trong khu vực nhiễm virus, tôi sẽ rời khỏi đây", Stevenson nói. Nhà đầu tư này cho biết sẽ đáp máy bay tới Idaho và tự nhốt mình bên trong hầm trú ẩn. "Gia đình tôi có thể vào cùng nếu họ muốn, đó là lựa chọn cá nhân của họ".
Virus corona đã khiến các cặp đôi thượng lưu, những người không thường xuyên dành thời gian bên nhau, gặp rắc rối thực sự, theo Mitchell Moss, người nghiên cứu về chính sách và quy hoạch đô thị tại Đại học New York.
"Điều này sẽ hủy hoại hôn nhân của người giàu. Tất cả những ông chồng và bà vợ thường xuyên đi xa nay phải dành thời gian với người mà họ kết hôn", Moss nói.
Người nghèo gặp khó khăn
Ông Jewel Mullen, phó hiệu trưởng Đại học Texas cho biết hàng triệu người Mỹ không đủ khả năng tài chính để tích trữ nhu yếu phẩm cần thiết, tạm nghỉ việc hoặc xin ý kiến tư vấn từ bác sĩ.
"Các nguồn lực như tiền bạc, phương tiện giao thông và thông tin giúp người dân có các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa, có thể giúp người dân đối phó tốt hơn với thảm họa. Đó là khi chúng ta thấy có sự khác biệt về nhu cầu (trong chuẩn bị đối phó với dịch bệnh)", ông Mullen nói.
Một siêu thị tại Mỹ bị vét sạch hàng hóa vì thông tin về virus corona. Ảnh: AFP. |
JPMorgan Chase & Co, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đã yêu cầu nhân viên không thực hiện các chuyến công tác không cần thiết. JPMorgan là doanh nghiệp mới nhất hạn chế di chuyển, chia nhỏ các nhóm nhân sự và doanh nhân tới các địa điểm khác nhau, hoặc cách ly nhân viên.
Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan, cho biết trước đó không lâu đã có giấc mơ về việc bản thân cùng các tỷ phú khác nhiễm virus corona khi cùng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Thụy Sỹ hồi tháng 1.
"Tôi đã có cơn ác mộng là tất cả chúng tôi bằng cách nào đó đều nhiễm virus ở Davos, và rồi chúng tôi đều rời đi và lây lan dịch bệnh. Tin tốt duy nhất đó là dịch bệnh chỉ khiến giới quý tộc tử vong", Dimon nói.