Theo Technology Review, ngày 19/1, một tuần trước khi Tết âm diễn ra, dịch viêm phổi đã xuất hiện được một thời gian, tuy nhiên chỉ khoanh vùng ở khu vực nhỏ. Chính quyền Trung Quốc đảm bảo với người dân dịch bệnh chỉ ảnh hưởng khi mọi người tiếp cận những ngôi chợ bán thực phẩm động vật hoang dã.
Tuy nhiên, đến đêm 20/1, bác sĩ Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) cũng là người đầu tiên tiết lộ về dịch SARS năm 2003, đã đính chính trên sóng truyền hình quốc gia. Ông cho hay virus có thể lây từ người sang người. Sự hoang mang bắt đầu từ đây. Ngay sau đêm đó, cư dân Vũ Hán bắt đầu mang khẩu trang. Chưa đầy 48 giờ sau, thành phố đã bị cô lập.
Bên cạnh cuộc đấu tranh giữa người và virus là cuộc giằng co giữa các luồng thông tin. Ảnh: VOA. |
'Bệnh dịch thông tin'
Ngày 2/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi chủng virus mới là “bệnh dịch của thông tin". Liên tục xuất hiện những đồn đoán sai lệch song song với tin chính xác, khiến người dân rất khó tìm được nguồn thông tin và hướng dẫn đáng tin cậy. Đây cũng là điểm làm cho corona khác biệt với các đợt bùng phát virus trước đó.
SARS, MERS hay Zika trước đó cũng gây ra lo sợ toàn cầu, nhưng những lo ngại xung quanh virus corona lại được truyền thông xã hội khuếch đại hơn bao giờ hết. Qua các trang mạng xã hội, những thông tin sai lệch về sự lây lan, phát triển của virus lan truyền với tốc độ nhanh chưa từng thấy, tạo tâm lý hoang mang, lo lắng bao trùm, thổi bùng nạn phân biệt chủng tộc.
Bị lên án vì chậm trễ công bố dịch, WHO cũng vớt vát bằng cách liên hệ với Twitter, Facebook, Tencent và TikTok để kiểm soát luồng thông tin thật giả lẫn lộn trên các mạng xã hội này. Cơ quan này cùng với Google kích hoạt cảnh báo Google SOS, đẩy thông tin chính thức từ website WHO lên hàng đầu kết quả tìm kiếm khi người dùng truy cập thông tin liên quan đến chủng virus. Những sự cố gắng này được cho là khá muộn màng và chưa thực sự có tác dụng.
WHO cũng làm việc với Facebook để nhắm mục tiêu quảng cáo đến những thành phần dân số đặc biệt, kết hợp nhân khẩu học để cung cấp các thông tin sức khỏe quan trọng. Họ cũng tiếp cận những nhân vật có ảnh hưởng ở châu Á nhằm kiểm soát thông tin.
Nạn phân biệt chủng tộc với người gốc Á bị thổi bùng trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Ảnh: Breibat. |
Truyền thông xã hội cũng như các tổ chức y tế, vào cuộc với nỗ lực chống lại những nguồn tin không chính xác.
TikTok xóa các video cố ý gây hiểu lầm và cảnh báo “không cho phép những thông tin sai lệch tác động tiêu cực đến cộng đồng của ứng dụng nói riêng và công chúng nói chung”. Facebook cũng cật lực xóa các bài đăng với lời khuyên về sức khỏe không đáng tin cậy. Tencent, chủ sở hữu WeChat sử dụng nền tảng kiểm tra thực tế của mình để truy xét kỹ lưỡng những tin tức về virus corona lan truyền trên mạng.
Tuy nhiên, sự bùng nổ thông tin đã áp đảo hầu hết nỗ lực phối hợp loại bỏ tin đồn thất thiệt. Hàng loạt bài đăng, ảnh chế nội dung bài ngoại, phân biệt chủng tộc vẫn xuất hiện trên TikTok và Facebook.
Phân biệt chủng tộc gia tăng
Một số thanh thiếu niên thậm chí còn giả bệnh để kiếm tương tác ảo. Theo The Daily Beast, một video trên TikTok do nhóm thanh thiếu niên tại Vancouver, Canada quay cảnh một người đang ho với phần chú thích "Bạn tôi bị nhiễm Corona" đã được xác định là giả. Đoạn clip đạt được hơn 4,1 triệu lượt xem, 817.000 lượt thích và 5.100 bình luận.
Vấn đề trực tuyến nhanh chóng chuyển thành tương tác trực tiếp. Tại Ý, một trong những nhạc viện lâu đời nhất thế giới là Santa Celicia gây phẫn nộ khi đình chỉ học tất cả các sinh viên châu Á, sau khi xuất hiện 2 trường hợp nhiễm bệnh tại nước này.
Người gốc Á đang phải đối mặt với sự quấy rối và phân biệt chủng tộc, tình hình kinh doanh trong các khu phố người Hoa, các nhà hàng Trung Quốc cũng dần đi xuống.
Mức độ phân biệt đối xử tương tự cũng xảy ra với những người dân đến từ Vũ Hán hay tỉnh Hồ Bắc. Trong một số trường hợp, họ bị cấm lưu thông khi đi du lịch, lý do chính là khách sạn không thể cung cấp phòng cho những người này một khi chứng minh nhân dân cho biết họ đến từ những nơi trên.
Song song với các phương tiện truyền thông xã hội đã và đang gây ra sai lệch thông tin, may mắn thay vẫn tồn tại một nguồn thông tin quan trọng giúp xác minh. Các nhà báo trên khắp thế giới sử dụng một số trang mạng xã hội Trung Quốc để có được bức tranh toàn cảnh hơn về tình hình dịch, bên cạnh việc thu thập và lưu trữ các báo cáo đã được xác minh.
Sự bất mãn lan tràn gây khó khăn cho bộ máy kiểm duyệt nội dung khổng lồ của Trung Quốc. Ảnh: Medium. |
Bên cạnh đó, sức ảnh hưởng từ những phát biểu, báo cáo mà các cá nhân đưa ra lan truyền từng ngày tại Trung Quốc cũng gây áp lực, buộc chính phủ nước này phải đưa ra thông tin xác thực hơn về cơn khủng hoảng.
Trong những ngày đầu xuất hiện virus corona, một số bác sĩ đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội để cảnh báo mức độ nghiêm trọng của tình hình. Mặc cho chính phủ nhanh chóng bóp nghẹt các luồng thông tin, những cảnh báo của họ vẫn không ngừng lan truyền, thúc đẩy những người đứng đầu đối mặt thực tế rõ ràng hơn.
Khi một trong số những bác sĩ đó là Li Wenliang qua đời vì virus, trên các nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc là vô vàn những lời khiển trách, đặt nghi vấn về trách nhiệm của chính phủ. Sự bất mãn lan tràn đến mức gây khó khăn cho công tác kiểm duyệt nội dung.
Hoạt động truyền thông xã hội như vậy cũng có thể được khai thác nhằm nắm bắt và theo dõi dịch bệnh trong tương lai, đặc biệt tại những nơi bị kiểm soát chặt chẽ hoặc thiếu nguồn thông tin dịch bệnh. Điều này có thể giúp các tổ chức phản ứng sớm hơn trong những đợt bùng phát, ngăn chặn trước khi tình trạng khẩn cấp đối với sức khỏe toàn cầu được báo động.
Theo cách kỳ lạ, các phương tiện truyền thông xã hội cũng trở thành không gian cho “sự đau buồn tập thể”.
Trên Weibo và WeChat, những câu chuyện về nỗi thất vọng hay khen ngợi lòng tử tế cũng rất nhiều. Song song những biểu hiện sợ hãi từ một số người đang mắc kẹt trong vùng bị cách ly và rất nhiều bệnh nhân không được điều trị, các câu chuyện được người ta truyền nhau về những nhà hảo tâm, tình nguyện viên giúp đỡ nhau theo những cách hào phóng đến bất ngờ.