Theo báo cáo mới nhất của chính phủ Trung Quốc, virus corona xuất phát từ Vũ Hán đã lấy đi mạng sống của 25 người và lây nhiễm hơn 830 người.
CNN cho biết dịch bệnh mới và phức tạp này đã làm tình trạng an ninh xã hội quốc gia hỗn loạn và làm rối loạn kế hoạch đón Tết của hàng triệu người dân Trung Quốc.
Virus corona có thể sẽ đập tan mọi nỗ lực cứu vãn tình hình kinh tế của chính phủ Trung Quốc khi mà hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại vẫn tiếp tục kéo dài.
Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, nhận định: "Dịch cúm là phát sinh không mong muốn nhất của chính phủ Trung Quốc trong cố gắng tái cân bằng nền kinh tế”.
Virus corona từ Vũ Hán tính đến thời điểm hiện tại đã gây tử vong cho 25 người. Ảnh: AFP. |
Nền kinh tế đang lao đao
Trong năm 2019, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần 3 thập kỷ qua bởi nợ công phình to, tiêu dùng trong nước sụt giảm và ảnh hưởng từ thuế trừng phạt của chính phủ Mỹ.
Lo ngại về tình trạng thất nghiệp, chính phủ Trung Quốc phát động hàng loạt các chính sách nhằm kích thích tăng trưởng.
Chuyên gia Wright gọi thời điểm bùng phát dịch - giáp Tết Nguyên Đán - là "vô cùng không may" với nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc "xuân vận" là đợt "di cư" lớn nhất trong năm của người dân Trung Quốc.
Virus lây lan khiến các cơ quan thẩm quyền Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán - thành phố có dân số hơn 11 triệu người.
Nhiều hãng hàng không quốc tế hủy các chuyến bay đến hoặc xuất phát từ Vũ Hán. Hệ thống quản lý đường sắt Trung Quốc cũng có động thái tương tự nhằm ngăn nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Theo một nghiên cứu từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ, dịch SARS năm 2003 đã làm 8.098 người nhiễm bệnh, 774 người tử vong ở 37 quốc gia khác nhau, gây thiệt hại 40 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc từng bị cáo buộc che giấu thông tin và quy mô dịch SARS. Ảnh: AFP. |
Giống như SARS, sự bùng phát virus corona ở Vũ Hán có thể làm dấy lên nỗi sợ mới. Người dân hạn chế xuống đường và mua sắm sẽ giáng một đòn mạnh vào ngành dịch vụ, hiện chiếm khoảng 52% nền kinh tế Trung Quốc.
Dịch SARS buộc chính phủ Trung Quốc hủy bỏ kỳ nghỉ Quốc tế Lao động kéo dài một tuần, hoãn các sự kiện thể thao, kinh tế và văn hóa, biến Bắc Kinh thành thành phố ma không bóng người.
Tác động tồi tệ
Các nhà đầu tư đang lo lắng virus Vũ Hán sẽ tác động xấu tới ngành công nghiệp du lịch của Trung Quốc. Cổ phiếu của ba hãng hàng không lớn của đất nước (bao gồm Air China, China Southern và China Eastern) trong phiên đóng cửa đều giảm ít nhất 2,5%.
Andrew Lee, nhà phân tích vốn chủ sở hữu tại Jefferies, cho biết lĩnh vực hàng không có khả năng sẽ chịu áp lực lớn hơn nữa nếu dịch bệnh bùng phát mạnh hơn.
Trong dịch SARS, tăng trưởng của Trung Quốc giảm 2% xuống còn 9,1% trong quý II năm 2003. Nhà phân tích Hao Zhou của Commerzbank và nhà kinh tế Marco Wagner lo ngại rằng tác động của dịch virus corona lên GDP của Trung Quốc có thể còn tồi tệ hơn.
Ngành du lịch trong năm 2003 chỉ chiếm 2% GDP của Trung Quốc, nay đã lên tới 5%, cũng có nghĩa những tổn thất sẽ nặng nề hơn.
Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để ngăn chặn sự phát tán của virus từ kinh nghiệm dịch SARS. Năm 2003, chính phủ Trung Quốc từng bị cáo buộc chậm tiết lộ thông tin và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch SARS, gây ra nhiều khó khăn và tổn thất để ứng phó dịch.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự đoán rằng, dù nguy hiểm như dịch SARS, dịch virus corona hiện nay cũng sẽ diễn ra trong thời gian ngắn và nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi.