Một năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy virus SARS-CoV-2 lây truyền chủ yếu qua không khí, do người bệnh nói chuyện và thở ra các giọt bắn, cũng như các giọt dịch nhỏ trong không khí, gọi là khí dung.
Việc lây nhiễm virus đọng trên bề mặt dường như rất hiếm, tạp chí Nature nhận định.
"Từ năm 1946, chúng tôi đã biết rằng ho và nói chuyện sẽ tạo ra lây nhiễm khí dung", Linsey Marr, chuyên gia về lây truyền virus trong không khí tại viện nghiên cứu Virginia Tech (Mỹ), nói với New York Times.
Nhân viên thu ngân siêu thị ở Buenos Aires, Argentina, sử dụng tấm ni-lông để ngăn chặn lây nhiễm Covid-19 qua không khí. Ảnh: AP. |
Nguy cơ lây nhiễm qua không khí lớn hơn qua bề mặt
Các nhà khoa học hiện chưa thể nuôi cấy virus SARS-CoV-2 từ khí dung trong không khí phòng thí nghiệm, nhưng điều đó không có nghĩa đây không phải là cách thức lây truyền Covid-19.
Theo tiến sĩ Marr, hầu hết mẫu nghiên cứu này đều được lấy từ không khí trong bệnh viện, nơi có độ thông gió tốt do đó nồng độ virus bị loãng đi đáng kể.
Tuy nhiên, trong đa số tòa nhà, “tỷ lệ không khí lưu thông thường thấp hơn nhiều, khiến virus có thể tích tụ trong không khí và gây ra rủi ro lớn hơn”, tiến sĩ Marr nhận định.
Mặc dù vậy, một số cơ quan y tế công cộng vẫn nhấn mạnh rằng virus đọng trên bề mặt là mối đe dọa đối với sức khỏe, và các vật dụng cần được khử trùng thường xuyên.
Từ đó, hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 lại gây nhầm lẫn, và đôi khi chưa rõ ràng về các biện pháp ưu tiên để ngăn chặn lây nhiễm.
Trong hướng dẫn được công bố gần đây nhất và cập nhật vào tháng 10/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo: "Tránh chạm vào các bề mặt, đặc biệt là ở những nơi công cộng, vì người bệnh Covid-19 có thể đã chạm vào đây trước đó. Làm sạch bề mặt thường xuyên bằng chất khử trùng tiêu chuẩn".
Người dân đeo khẩu trang khi tham gia giao thông ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AP. |
Trả lời tạp chí Nature hồi tháng 1, một đại diện của WHO cho biết có rất ít bằng chứng về việc SARS-CoV-2 lây truyền qua các bề mặt chứa virus, được gọi đồ vật truyền bệnh, nhưng đây vẫn có thể là một trong những cách thức lây nhiễm.
Bằng chứng là các nhà khoa học phát hiện ARN của SARS-CoV-2 “ở gần những người bị nhiễm virus này”.
Trên trang web chính thức, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết lây truyền qua bề mặt “không phải là cách lây lan phổ biến của Covid-19", nhưng "việc thường xuyên khử trùng các bề mặt và vật thể được nhiều người chạm vào cũng là biện pháp quan trọng" để hạn chế lây nhiễm.
Nature nhận định các quy định này không chỉ rõ nguy cơ lây nhiễm qua không khí lớn hơn nhiều so với lây nhiễm qua bề mặt.
Điều này dẫn đến việc các tổ chức tiếp tục ưu tiên đầu tư vào công tác khử trùng tốn kém, thay vì nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp đeo khẩu trang và cải thiện hệ thống thông gió.
Nếu quy định này được áp dụng, người dân có thể sẽ cần đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà và thực hiện giãn cách xã hội. Khi chăm sóc bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế cần đeo khẩu trang N95 để lọc các giọt mang virus dù là nhỏ nhất trong không khí.
Một y tá ở Washington đeo mặt nạ phòng độc để chống lây nhiễm khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AP. |
Hệ thống thông gió trong trường học, viện dưỡng lão, khu dân cư và doanh nghiệp có thể cần bổ sung hệ thống lọc không khí hiệu quả hơn, đồng thời trang bị thêm đèn cực tím để tiêu diệt các hạt virus trôi nổi trong nhà.
Tuy phức tạp hơn khử trùng bề mặt, nhưng các biện pháp nói trên có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong phòng chống lây nhiễm Covid-19.
Điều chỉnh biện pháp ưu tiên ngăn chặn Covid-19
Theo ước tính của Cơ quan Giao thông Đô thị Thành phố New York, mỗi năm chi phí vệ sinh liên quan đến Covid-19 của họ sẽ vào khoảng 380 triệu USD từ nay đến năm 2023.
Cuối năm 2020, cơ quan này yêu cầu chính phủ Mỹ tư vấn về việc có nên chỉ tập trung vào ngăn chặn lây nhiễm qua không khí hay không. Trước đó, các biện pháp chủ yếu là khử trùng bề mặt thay vì ngăn chặn lây nhiễm qua không khí.
Hiện nay, Cơ quan Giao thông Đô thị Thành phố New York cho rằng SARS-CoV-2 hoàn toàn có thể lây nhiễm qua không khí, ở cả hai dạng giọt lớn hay giọt nhỏ.
Do đó, cơ quan này bắt đầu tập trung vào cải thiện hệ thống thông gió hoặc lắp đặt các máy lọc không khí. Người dân cũng được khuyến cáo nên đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách an toàn với nhau.
Trong thư ngỏ gửi tới WHO hồi tháng 7/2020, 239 nhà khoa học ở 32 nước đưa ra bằng chứng cho thấy các hạt rất nhỏ trong không khí cũng có thể mang theo virus và lây nhiễm sang người. Do đó, các nhà khoa học kêu gọi WHO sửa đổi các khuyến nghị phòng chống Covid-19.
Nhân viên khử trùng một rạp chiếu phim ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Nature cho rằng các cơ quan như WHO và CDC cần cập nhật hướng dẫn của họ dựa trên các cơ sở thông tin hiện có.
Nghiên cứu về SARS-CoV-2 và về Covid-19 đang tiến triển nhanh chóng, vì vậy các cơ quan y tế công cộng có trách nhiệm cung cấp thông tin rõ ràng, cập nhật thường xuyên để khuyến cáo cho người dân các biện pháp giữ an toàn cho bản thân, cũng như cho mọi người xung quanh, tạp chí Nature khuyến cáo.