Giới chức y tế Trung Quốc ghi nhận 44 ca “viêm phổi virus không rõ nguồn gốc”, làm dấy lên lo ngại rằng virus có triệu chứng giống cúm này có thể liên quan đến virus SARS từng làm chết hàng trăm người ở châu Á 17 năm trước, theo Nikkei Asian Review.
Các ca nhiễm trên, ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, khiến chính quyền Hong Kong, Macao, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia có những biện pháp khẩn cấp, bao gồm thắt chặt kiểm soát y tế ở cửa khẩu và kiểm tra nhiệt độ đối với mọi chuyến bay từ Vũ Hán.
Giới chức Trung Quốc ngày 3/1 cho biết 11 ca vẫn đang tình trạng nguy kịch với các triệu chứng viêm đường hô hấp như sốt và khó thở.
Một người đàn ông đeo khẩu trang ở sân bay Sultan Syarif Kasim II, ở Pekanbaru, Indonesia. Các nước châu Á đang cảnh giác trước căn bệnh bí ẩn ở Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Lo ngại bùng phát ở Vũ Hán
Giới chức y tế Hong Kong ở trong tình trạng báo động cao sau khi phát hiện 5 bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp và sốt khi trở về từ Vũ Hán, cách Hong Kong bốn giờ bằng tàu hỏa.
Trong đó, hai bệnh nhân đã ra viện sau khi hồi phục hoàn toàn, một bệnh nhân âm tính với SARS, cúm và cúm gà. Hai người còn lại đang đợi kết quả xét nghiệm.
“Ở Hong Kong cho đến nay chưa ghi nhận ca viêm phổi nghiêm trọng liên quan tới đợt bùng phát ở Vũ Hán”, Sophia Chan, người phụ trách thực phẩm và y tế ở Hong Kong, cho biết vào tối 2/1.
Chính quyền Hong Kong đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa mới, bao gồm thông báo hàng ngày về các ca nghi nhiễm bệnh, lắp đặt thêm các máy đo thân nhiệt ở sân bay Hong Kong, và tăng cường lau và khử trùng tàu, máy bay từ Vũ Hán.
Bà Sophia Chan (thứ hai từ trái), phụ trách thực phẩm và y tế trong chính quyền Hong Kong, chủ trì cuộc họp rà soát các biện pháp khẩn đối phó với các ca viêm phổi ở Vũ Hán. Ảnh: Chính quyền Hong Kong. |
“Cơ quan chức năng chưa xác nhận mầm bệnh nào gây ra các ca nhiễm”, cố vấn cao cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với South China Morning Post ngày 1/1, và khẳng định cơ quan này đã có cơ chế theo dõi các ca bệnh nhằm đảm bảo trao đổi thông tin, phối hợp trong khu vực.
Yuen Kwok-yung, nhà vi sinh vật học ở Đại học Hong Kong, nói với truyền thông địa phương ngày 1/1 rằng chứng viêm virus ở Vũ Hán điểm tương đồng với đợt bùng phát cúm gia cầm năm 1997 và đại dịch SARS ở Trung Quốc. Ông nói có khả năng lây nhiễm qua động vật.
“Hiện tại, chúng tôi chưa xác định điều gì đáng kể”, ông Yuen nói, và kêu gọi công chúng không nên lo ngại.
SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) xuất hiện ở miền Nam Trung Quốc cuối năm 2002, sau đó lây nhiễm tới 8.000 người và làm tử vong 775 người trên toàn cầu.
Trung Quốc đã cách chức Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ là Trương Văn Khang, sau khi khi WHO chỉ trích ông che đậy và báo cáo thấp số ca nhiễm SARS. WHO tuyên bố Trung Quốc không còn ca nhiễm SARS tháng 5/2004.
Nhân viên y tế sơ tán những người giả làm bệnh nhân SARS trong cuộc diễn tập ở Hong Kong tháng 11/2004. Ảnh: Reuters. |
Các ca nhiễm ở TQ làm tại cùng một chợ
Tất cả bệnh nhân trong đợt bùng phát ở Vũ Hán đã được cách ly và những người tiếp xúc với họ đều được theo dõi y tế. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy “không có dấu hiệu lây từ người sang người”, và chưa nhân viên y tế nào bị lây bệnh, theo giới chức thành phố Vũ Hán.
Hầu hết bệnh nhân làm việc tại một chợ bán buôn hải sản. Truyền thông Trung Quốc cho biết chợ hải sản này, vừa bị đóng cửa, cũng bán các loài khác như thỏ, rắn và gà lôi.
Nhóm chuyên gia từ Ủy ban Y tế Quốc gia đang “thực hiện việc kiểm tra và kiểm chứng cần thiết”, truyền hình quốc gia CCTV đưa tin.
“Chưa thể kết luận đây là virus SARS như là tin đồn”, Nhân dân Nhật báo viết trên mạng xã hội Weibo. Cảnh sát Vũ Hán cho biết đã bắt giữ 8 người vì phát tán tin giả về các ca nhiễm.
Trong khi đó, Đài Loan thắt chặt việc kiểm tra đối với các chuyến bay từ Vũ Hán. Giới chức y tế đã lên máy bay để kiểm tra và tuyên truyền trước khi cho hành khách xuống, theo Chou Jih-haw, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch tễ Đài Loan. Ông nói một hành khách 6 tuổi bị sốt nhẹ sau khi quá cảnh ở Vũ Hán và giờ đang được theo dõi tại nhà.
Giới chức y tế ở Macao từ 1/1 bắt đầu theo dõi nhiệt độ trên hai chuyến bay mỗi ngày từ Vũ Hán. Hàn Quốc cũng có các biện pháp tương tự, và lập trung tâm khẩn cấp để đối phó.
Ở sân bay Changi, Singapore, hành khách từ Vũ Hán đến vào ngày 3/1 đều phải đo thân nhiệt.
“Những trường hợp nghi bị sốt hoặc viêm phổi, viêm hô hấp cấp tính và đã tới Vũ Hán trong vòng 14 ngày trước khi bắt đầu triệu chứng sẽ bị cách ly để ngăn lây lan”, Bộ Y tế Singapore cho biết trong một thông cáo, và nói chưa phát hiện ca nào.
Bộ Y tế Malaysia cũng có biện pháp theo dõi các triệu chứng sốt ở các cửa khẩu biên giới.
Chưa nước nào mở rộng việc kiểm soát đối với hành khách từ các vùng khác của Trung Quốc.