Trong ký ức của nhiều iFan, iPhone 4 là sản phẩm của nhiều cái đầu tiên: smartphone đầu tiên dùng màn hình Retina, iPhone đầu tiên có camera trước, iPhone đầu tiên có thiết kế phẳng, iPhone đầu tiên mang dáng vẻ cao cấp với chất liệu kim loại...
Ở Việt Nam, iPhone 4 còn mang thêm một danh hiệu: iPhone đầu tiên về nước với mức giá không tưởng 2.000 USD cho phiên bản 32 GB (tương đương khoảng 40 triệu đồng vào tháng 6/2010).
Thời điểm đó, mức giá này gấp đôi iPad 3G, ngang với MacBook Pro 15 inch bản mới nhất, bằng một chiếc xe máy Honda Air Blade hay máy ảnh Canon 7D vừa ra mắt, và tương đương 80 chiếc Nokia 1202.
Làng công nghệ bị cuốn vào cơn lốc iPhone 4. Người người chờ đợi, nhà nhà bàn tán. Các tin tức về sản phẩm này được đăng tải hàng giờ. Trên thế giới, những hàng dài người chờ đợi trước Apple Store lần đầu xuất hiện.
iPhone 4 đã ảnh hưởng xu hướng thiết kế đến tận năm 2016. Ảnh:JeffGeerling. |
Tạo ra xu hướng
Sức hút của iPhone 4 trước hết đến từ chính bản thân sản phẩm này, khi nó biến unibody thành chuẩn mực. iPhone 4 được nâng cấp chip A4, camera tốt nhất nhì thời điểm đó, và cũng là sản phẩm được dùng để trình diễn Facetime lần đầu tiên.
Khác với hiện tại, iPhone 4 có không ít đối thủ, từ HTC Incredible, HTC Evo 4G, Samsung Galaxy S tới Nokia N8 hay BlackBerry Bold 9800. Thế nhưng, chất riêng của iPhone 4 dường như làm lu mờ tất cả.
Lý do tiếp theo là hiệu ứng của toàn thế giới. Khác với các phiên bản trước, bản iPhone 4 quốc tế chỉ được bán tại châu Âu. Các thị trường xách tay quen thuộc như Mỹ hay Nhật đều là bản lock. iPhone 4 với nhiều thay đổi gây khó khăn kỹ thuật cho giới xách tay "bẻ khóa". Trong khi đó, đến tháng 9/2010, 3 tháng sau khi ra mắt, hàng chính hãng mới có tại Việt Nam.
Chỉ trong nửa ngày, Apple tuyên bố "thất thủ" trên toàn thế giới khi lượng đặt trước vượt mọi kỷ lục. Đợt hàng thứ hai phải đợi đến 3 tuần sau đó mới xuất xưởng.
iPhone 4 cháy hàng trên toàn thế giới. Ảnh: Alamy. |
Khuấy đảo thị trường Việt
Vất vả xách tay, cộng với tâm lý muốn sở hữu sớm "siêu phẩm", giá cả iPhone 4 tại Việt Nam liên tục được giữ ở mức cao. Dù lên xuống khá thất thường, iPhone 4 xách tay được rao bán ở mức 20 triệu trong suốt 3 tháng.
Khi hai nhà mạng VinaPhone và Viettel công bố kế hoạch mang hàng chính hãng với mức giá "cạnh tranh" về nước, hàng xách tay lập tức sụt giá sâu, về mức trên dưới 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, số lượng máy chính hãng hạn chế khiến sức nóng của iPhone 4 không hề giảm.
iPhone 4 của hai nhà mạng Viettel và VinaPhone tại Hà Nội hết chỉ sau 30 phút mở bán. Tại TP.HCM, nhiều cửa hàng thậm chí không có hàng khi vừa mở cửa do lượng đặt mua quá lớn.
Thậm chí, ngay cả khi Apple khá mập mờ về các lỗi mất sóng, nguy cơ khi mua hàng xách tay, iPhone 4 vẫn không có xu hướng giảm nhiệt nhiều tháng sau đó.
Một năm sau, iPhone 4S ra mắt, nhưng cũng không vượt qua được cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm. iPhone 4 tiếp tục được bán chính hãng đến cuối năm 2013, tức 4 năm sau khi ra mắt.
Apple sau đó ngưng sản xuất mới iPhone 4 bản 16 GB và 32 GB, khiến lượng hàng càng thêm khan hiếm. Thi thoảng lại có những "lô" iPhone 4 về nước, theo nhiều đường khác nhau, và luôn được tiêu thụ mạnh.
Trong quãng thời gian đó, iPhone 4 đã tạo nên một phong trào iPhone tại Việt Nam. Hàng loạt hội chơi iPhone 4 được thành lập, tổ chức các buổi offline sản phẩm, khơi mào cho trào lưu họp hội, chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm thiết bị sau này.
iPhone 4 cũng là một trong những thiết bị được dựng, "tân trang" lại nhiều nhất, bởi nhu cầu cũng như giá bán của sản phẩm. Quá khan hàng, số sản phẩm dung lượng cao được làm giả lại khá nhiều, khiến thị trường tương đối hỗn loạn một thời gian.
Các công nghệ làm giả tinh vi dần khiến người dùng kỹ tính hơn trong việc lựa chọn thiết bị. Nói không ngoa, chính từ trào lưu hàng dựng này mà người dùng Việt làm quen dần hơn các khái niệm như số IMEI, kiểm tra loa ngoài, camera...
Tận năm 2014, iPhone 4 trải qua nhiều đợt giảm giá và vẫn chiếm thị phần rất lớn tại Việt Nam. Gần như đây là hiện tượng độc nhất, khi một chiếc điện thoại đã 4 năm tuổi đời vẫn sống khỏe.
iPhone 4 đã tạo ra một thế hệ "iFan" Việt Nam. Đến tận ngày nay, sức hút của thiết bị 6 năm tuổi vẫn còn ít nhiều. Ảnh: SpeedAndroid. |
Một biểu tượng cho những giá trị của Apple
iPhone 4 trở thành một biểu tượng giá trị cho sản phẩm Apple, với sức bền, hoạt động ổn định sau nhiều năm và đặc biệt vẫn được hỗ trợ đến tận iOS 7. Hiện tại, nhiều người vẫn than phiền về chiếc iPhone 4 "mãi không chịu hỏng", và chạy tốt các tác vụ thông thường.
Cho đến nay, dù hầu như không còn được nhắc đến nhiều so với những tên tuổi Android giá rẻ ngày càng phổ cập, iPhone 4 vẫn sống bàng bạc trong thị trường. Người mua vẫn dễ dàng tìm thấy những chiếc iPhone 4 với giá từ 1,4 đến 2 triệu đồng tùy phiên bản.
Nhiều người có thể muốn một smartphone "sơ cua", trong khi số khác không thể tìm ra thiết bị nào có giá rẻ nhưng vẫn đủ dùng mượt mà ngoài iPhone 4.
Lời tạm biệt
Nhưng như mọi siêu phẩm khác, iPhone 4 cũng khó lòng sống mãi với thời gian. Các thế hệ đàn em dần xuất hiện, nâng cấp theo xu hướng mới, màn hình lớn, camera tốt hơn... iPhone 4 trở nên già cỗi, không đủ cập nhật với xu hướng hiện tại nữa.
Kể từ ngày 13/9, iPhone 4 chính thức bị dừng hỗ trợ, đồng nghĩa cả Apple và các đối tác sửa chữa của họ sẽ không cung cấp bất cứ dịch vụ nào cho sản phẩm này.
Tại Việt Nam, thực tế động thái này không quá ảnh hưởng, bởi người dùng iPhone 4 hiện tại chủ yếu phụ thuộc vào các cửa hàng, ít thông qua bảo hành chính hãng.
Dẫu vậy, đây cũng là lời cáo chung của siêu phẩm này. Trách nhiệm của Apple hiện tại sẽ được đặt lên vai của iPhone 6, 6S hay iPhone 7 tiếp theo. Còn iPhone 4, đã đến lúc nó lùi về phía sau và tận hưởng ngai vị của mình bên cạnh những huyền thoại khác của làng công nghệ.