“Khoa học công nghệ mà không có văn hóa lịch sử giống như la bàn mà không có hướng”. Đó là chia sẻ của bà Sophie Maysonnave - Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam - trong sự kiện công bố 24 dự án khoa học công nghệ và văn hóa lịch sử nhận tài trợ từ Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) năm 2022, diễn ra cuối tháng 10.
Mở đường cho nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn
TS Nguyễn Phi Lê từ Nhật Bản về Việt Nam năm 2019 đúng thời điểm ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên đỉnh điểm. Với chuyên môn về khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo (AI), cô nung nấu ý tưởng ứng dụng công nghệ cao vào quan trắc và dự báo chất lượng không khí.
Theo nữ giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, việc dự báo chất lượng không khí dựa trên các trạm quan trắc đặt cố định tại một số vị trí nhất định như hiện nay có hạn chế lớn về chi phí và khả năng phủ rộng. Nghĩ là làm, TS Nguyễn Phi Lê và các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu hệ thống quan trắc không khí di động Fi-Mi.
Nữ tiến sĩ trẻ không thể ngờ chỉ trong một thời gian rất ngắn, ý tưởng của cô đã trở thành hiện thực với 30 thiết bị quan trắc di động được chế tạo thành công. Đây là tốc độ hiếm thấy với các dự án khoa học công nghệ hiện nay, khi mà kinh phí và thủ tục hành chính vẫn là rào cản lớn.
TS Nguyễn Phi Lê - chủ nhiệm dự án tiêu biểu được nhận tài trợ của VINIF năm 2020. |
“Nếu không có sự hỗ trợ tài chính của Quỹ VINIF, chúng tôi không thể mang những nghiên cứu cơ bản để ứng dụng vào thực tế được”, TS Nguyễn Phi Lê tiết lộ.
Dự án của TS Nguyễn Phi Lê là một trong số những dự án điển hình nhận được tài trợ của Quỹ VINIF năm 2020. Đây cũng là một trong 12 dự án hoàn thành xuất sắc và được lựa chọn để công bố kết quả tại lễ tổng kết do VINIF tổ chức.
Thành công của các dự án cũng chính là mục tiêu của VINIF: Chắp cánh cho các nhà khoa học Việt, mở đường để những tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến nhất sớm đi vào thực tiễn, góp phần giải quyết những bài toán cấp bách của xã hội.
Thúc đẩy sự phát triển toàn diện của khoa học Việt
Không chỉ tiếp sức cho các dự án khoa học công nghệ, VINIF còn đồng hành cùng các nghiên cứu về văn hóa lịch sử - lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có lúc bị lãng quên. Sau hai năm triển khai, qua ba vòng đánh giá xét chọn của hội đồng chuyên gia uy tín gồm GS Lê Văn Lan, nhà thơ Vũ Quần Phương, GS.TS Lê Hồng Lý, GS.TS Bùi Quang Thanh, VINIF đã tài trợ 7 dự án và 14 sự kiện văn hóa lịch sử.
Theo GS Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học Quỹ VINIF, mục tiêu của Quỹ là góp phần xây dựng thế hệ các nhà khoa học sáng tạo, hội nhập đồng thời kiến tạo môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp ngay trong nước. Vì thế kể từ năm 2019 đến nay, VINIF không ngừng đổi mới các chương trình để phù hợp với thực tế nghiên cứu.
“Hai năm trở lại đây, song song với khoa học công nghệ, VINIF cũng dần trở thành đơn vị đồng hành cùng cộng đồng nghiên cứu văn hóa, lịch sử, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện và đưa các giá trị thuần Việt ra trường quốc tế”, GS Vũ Hà Văn cho biết.
Giáo sư Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học VINIF và VinBigData - chia sẻ tại sự kiện. |
Dẫn chứng từ dự án “Chuông và minh chuông chùa Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến đời Lê” của GS Đinh Khắc Thuận, với mục tiêu sưu tập bằng chứng trên những minh văn của 100 quả chuông đồng cổ suốt 10 thế kỷ từ thời Bắc thuộc đến đời Lê, GS Vũ Hà Văn cho biết VINIF mong muốn đồng hành với những nhà nghiên cứu đang đau đáu phục dựng những “mảnh vỡ quá khứ”, từ đó mở ra góc nhìn mới, sâu sắc hơn về lịch sử và văn hóa rực rỡ của dân tộc.
Các dự án nhận tài trợ từ VINIF không chỉ góp phần nâng tầm lịch sử, văn hóa Việt Nam mà còn mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế quan trọng, đồng thời là cầu nối để đưa những giá trị truyền thống của Việt Nam ra thế giới.
Bà Sophie Maysonnave - Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam - ấn tượng với tư duy của Quỹ VINIF. |
Tại sự kiện, bà Sophie Maysonnave - Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam - bày tỏ ấn tượng với tư duy và cách làm của VINIF nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của khoa học Việt.
Bà chia sẻ: “Khoa học công nghệ mà không có văn hóa lịch sử thì giống như la bàn mà không có hướng. Đây đều là những công cụ quan trọng để giải quyết thách thức của ngày hôm nay và ngày mai về phát triển bền vững”.