Ngày 11/9, Reuters đưa tin Tập đoàn Vingroup xem xét bán cổ phần tại các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế và giáo dục theo kế hoạch thoái vốn tại những mảng kinh doanh không cốt lõi.
Các nguồn tin của Reuters cho biết Vingroup đang tìm kiếm bên mua hệ thống trường Vinschool và bệnh viện Vinmec. Có 2 bên mua đã "thể hiện sự quan tâm" đến Vinschool và Vinmec. Một nguồn tin cho biết việc bán cổ phần kiểm soát có thể giúp Vingroup thu về khoảng 1,5 tỷ USD.
Phản ứng lại, đại diện Vingroup khẳng định tập đoàn không hề có kế hoạch bán cổ phần Vinmec và Vinschool. "Vinmec và Vinschool có ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái của Vingroup và chúng tôi vẫn cam kết phát triển hệ thống này trở nên tốt đẹp, toàn diện hơn", Vingroup khẳng định.
Một trường Vinschool tại Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng. |
"Chúng tôi vẫn liên tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước để phát triển và nâng Vinmec lên tầm đẳng cấp quốc tế. Với Vinschool, chúng tôi không có kế hoạch mở rộng quốc tế nên không có kế hoạch hợp tác nào", người đại diện tập đoàn nói thêm.
Hệ thống Vinschool điều hành 27 cơ sở giáo dục, Vinmec có 7 bệnh viện tại Việt Nam. Hồi năm ngoái, Vingroup nhượng chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+ và VinEco cho Tập đoàn Masan.
Ông Nguyễn Việt Quang, CEO Vingroup, từng cho biết tập đoàn này đang thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi.
Hiện, bất động sản, công nghệ và ôtô là trọng tâm tăng trưởng của Vingroup. Trong nửa đầu năm 2020, VinFast lỗ gần 6.600 tỷ đồng. Con số này cao gấp 4 lần cùng kỳ năm trước với tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) âm 23,44%.