Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VinFuture và Nobel: Chung tầm nhìn phát hiện công trình KH-CN

Hai chủ nhân Giải thưởng VinFuture được nhận giải Nobel Hóa học 2024 cho thấy tầm nhìn tiên phong của giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt khởi xướng.

Giải Nobel Hóa học 2024 với công trình sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để "giải mã" cấu trúc của hầu hết loại protein được cộng đồng nghiên cứu quan tâm đặc biệt. Cấu trúc protein được coi là bài toán "nửa thế kỷ" của cộng đồng khoa học cũng như cả thế giới, trong đó nút thắt lớn nhất là dự đoán cấu trúc protein mà không cần thí nghiệm.

Đặc biệt, trong số 3 chủ nhân giải Nobel Hóa học 2024, hai nhà khoa học là TS Demis Hassabis và TS John Jumper với công trình đột phá trên đã sớm được vinh danh tại Giải đặc biệt VinFuture dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới vào năm 2022.

Thời điểm đó, Hội đồng Giải thưởng VinFuture đã đánh giá công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2 của hai nhà khoa học tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, giúp thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp.

VinFuture anh 1

TS Demis Hassabis (Anh) và TS John Jumper (Mỹ) - đồng chủ nhân giải Đặc biệt VinFuture dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới 2022 - vừa được trao giải thưởng Nobel Hóa học năm 2024.

Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - GS.TS Chu Hoàng Hà cho rằng, Hội đồng giải thưởng VinFuture cho thấy tầm nhìn xa, đúng hướng khi vinh danh những công trình có sức ảnh hưởng lớn tới nhân loại. "Đây là những công trình không chỉ đóng góp cho sự phát triển của khoa học mà lớn hơn là cho cuộc sống của hàng triệu người", GS.TS Chu Hoàng Hà nói.

Ông cũng nhắc lại, trước đó 2 chủ nhân của Giải thưởng VinFuture là GS Kariko và TS Weissman cũng đoạt giải Nobel Y sinh 2023. Đó không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ngoài tầm nhìn xa, GS.TS Chu Hoàng Hà nhấn mạnh khả năng đón đầu xu hướng của VinFuture khi lựa chọn vinh danh công trình hướng tới những lĩnh vực có sức tác động lớn như trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh, an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng…

VinFuture anh 2

Trước đó, 2 chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture mùa đầu tiên là TS Katalin Karikó và GS Drew Weissman cũng được vinh danh ở giải Nobel Y học 2023.

Chung quan điểm, TS Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc sớm vinh danh những công trình như AlphaFold 2 là kết quả của định hướng, sứ mệnh đúng đắn, mang tính nhân loại và toàn cầu của VinFuture.

Là giải thưởng ra đời sau nhưng theo TS Nghiêm Vũ Khải, VinFuture có tư duy và góc nhìn mới mẻ mang tính thời đại cùng cách làm đột phá. Kết hợp với cơ sở, kế thừa truyền thống, giải thưởng đang tạo ra sức ảnh hưởng lớn ở phạm vi toàn cầu.

VinFuture anh 3

Giải thưởng VinFuture được đánh giá góp phần thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học công nghệ toàn cầu, đồng thời nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới.

Ở góc độ khoa học, TS Lê Thị Hồng Lan - chuyên gia về công nghệ sinh học - cho rằng giải thưởng VinFuture đặc biệt vì không chỉ tập trung vào các công trình có thành tựu rõ ràng mà còn đánh giá tiềm năng phát triển trong tương lai.

Bà nhấn mạnh ý nghĩa của việc phát hiện và vinh danh công trình bứt phá từ VinFuture. "Việc lựa chọn chính xác của Giải thưởng VinFuture không chỉ tạo ra động lực chủ nhân giải thưởng mà còn đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy những nghiên cứu mang tính đột phá", TS Lan nói.

Nhìn tổng thể, theo bà, VinFuture đang ngày càng khẳng định vị thế trong giới khoa học toàn cầu, không chỉ ghi nhận thành tựu khoa học mà còn là cầu nối giữa các nhà nghiên cứu và cơ hội mới, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khoa học, công nghệ trong tương lai.

Hảo An

Bạn có thể quan tâm