Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VinFast vượt bao nhiêu cửa ải để được ADB rót vốn?

Để nhận được nguồn vốn vay hỗ trợ, các dự án phải vượt qua nhiều cửa ải về sức khỏe tài chính, năng lực triển khai, tiêu chuẩn môi trường, an toàn lao động và có tầm vóc quốc gia.

Ngày 24/10, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ra thông báo đã huy động được 135 triệu USD cho VinFast để hỗ trợ sản xuất xe buýt điện vận tải công cộng và mạng lưới trạm sạc xe điện đầu tiên của Việt Nam.

Với giới đầu tư, số tiền 135 triệu USD không phải tâm điểm. Điều đáng quan tâm là làm thế nào một doanh nghiệp tư nhân như VinFast lại được ADB đứng ra thu xếp vốn. Đối tác của ADB là các quỹ ủy thác từ Chính phủ và định chế lớn với yêu cầu cho vay khắt khe về mục đích sử dụng cũng như năng lực triển khai.

Bài sát hạch khắc nghiệt

Nói về điều kiện của ADB, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - cho hay trước hết, doanh nghiệp dự án phải có mục đích vay vốn rõ ràng và lĩnh vực đầu tư nằm trong danh mục ưu tiên như năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, phát triển nông thôn… Hàng loạt điều kiện khác sẽ được xem xét như năng lực tài chính, trong đó gồm dòng tiền hiện tại và tương lai, uy tín doanh nghiệp...

VinFast,  ADB rot von anh 1

VinBus - xe buýt điện thông minh do VinFast sản xuất.

Tuy nhiên, một chuyên gia ngành tài chính đang làm việc trong ngành ngân hàng ở Philippines (nơi đặt trụ sở của ADB) cho biết ngay cả khi đạt được những điều kiện này, dự án vẫn có thể bị từ chối cho vay. Bởi ngoài điều kiện về tài chính, dự án muốn được ADB thu xếp vốn phải vượt qua “kỳ thi” về tiêu chuẩn hoạt động môi trường và xã hội. Đây là bộ tiêu chí được đánh giá là toàn diện và có chuẩn mực cao hàng đầu thế giới hiện tại.

Một trong những vấn đề được tập trung đánh giá là rủi ro tác động tới đa dạng sinh học môi trường. Dự án đạt chuẩn của ADB phải đảm bảo duy trì được hiện trạng môi trường xung quanh về các yếu tố như chất lượng không khí, tiếng ồn, môi trường nước mặn, nước ngầm, nước thải, môi trường đất, thủy sinh vật… Thậm chí, những yếu tố này sau khi có dự án phải được đảm bảo ở mức tốt hơn. Điều kiện này đòi hỏi dự án đầu tư theo chuẩn mực cao nhất ngay từ thiết kế, đầu tư, thi công xây dựng đến vận hành.

Ngoài ra, “kỳ sát hạch” của ADB còn tập trung đánh giá đồng loạt nhiều phương diện tại khu vực dự án như đời sống văn hóa xã hội của người dân; điều kiện lao động; sức khỏe, an toàn, an ninh cộng đồng; khả năng tiết kiệm tài nguyên và ngăn ngừa ô nhiễm; tiêu chuẩn về người thiểu số bản địa…

Thậm chí, không chỉ doanh nghiệp có dự án, ngay cả các đối tác, nhà cung cấp cho dự án cũng được ADB xem xét, đánh giá những vấn đề trên. “Không đơn thuần là cam kết, ADB sẽ xem xét trên cơ sở thực hiện thực tế. Thông thường, đoàn đánh giá của ADB gồm các chuyên gia về tài chính, môi trường, xã hội sẽ xuống tận dự án, kiểm tra, làm việc trực tiếp với từng bên liên quan; đánh giá điều kiện cơ sở vật chất, môi trường làm việc, chất lượng nước thải; gặp gỡ công nhân, người dân khu vực dự án… để đảm bảo thông tin chính xác, khách quan”, vị chuyên gia nói.

VinFast,  ADB rot von anh 2

VinFast được ADB huy động 135 triệu USD để hỗ trợ sản xuất xe buýt điện vận tải công cộng và mạng lưới trạm sạc xe điện.

Dự án được rót vốn phải có giá trị quốc gia

Riêng với trường hợp của VinFast, theo giới chuyên gia, khoản vốn 135 triệu USD được ADB thu xếp từ các tổ chức thế giới như Quỹ đối tác Tài chính Khí hậu Australia do Chính phủ Australia (ACFP) tài trợ; Quỹ Công nghệ sạch (CTF), Quỹ Phát triển và Đổi mới khí hậu do ngân hàng Goldman Sachs và tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies tài trợ; Quỹ Hợp tác Công nghiệp của Phần Lan, Ngân hàng Phát triển Áo. Điều này đồng nghĩa VinFast cũng như dự án của mình phải đáp ứng những tiêu chí khắt khe từ hàng loạt quỹ uy tín hàng đầu thế giới khác.

VinFast,  ADB rot von anh 3

VinBus thân thiện với người khuyết tật.

Với hàng loạt tiêu chí chặt chẽ, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thừa nhận tại Việt Nam, những cái tên trong danh sách vay vốn của ADB những năm qua thường là các dự án hạ tầng quy mô hay dự án lớn của doanh nghiệp Nhà nước. Một doanh nghiệp tư nhân như VinFast được ADB rót vốn theo ông là không dễ, thậm chí có thể nói đáng tự hào.

Theo ông Hiển, lý do là dự án vượt khỏi tầm vóc của một “dự án tốt” thông thường như sản phẩm chất lượng, yếu tố pháp lý đảm bảo, tiềm năng phát triển. "Dự án được ADB cho vay phải có tầm vóc quốc gia", vị chuyên gia nói.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận định đúng như tên gọi có yếu tố phát triển châu Á, mỗi khoản vay với định chế tài chính lớn này không chỉ “đưa vốn cho doanh nghiệp” mà “cho cả quốc gia”. Bởi thế, chỉ những dự án mang giá trị quốc gia, giúp cải thiện đời sống người dân, giải quyết những vấn đề lớn của đất nước mới được ADB ưu tiên.

Với VinFast, như một chuyên gia kinh tế phân tích, ngay từ đầu, hãng xe Việt đã hướng tới câu chuyện lớn ở tầm quốc gia, thậm chí là thế giới, là tương lai di chuyển xanh, bền vững và bảo vệ môi trường.

Không đơn thuần là cam kết miệng, những bước đi thật được VinFast đổ tâm huyết, từ chuyển đổi sang hãng xe thuần điện, hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới về pin, tới việc cho ra mắt thực tế dải sản phẩm ôtô điện hoàn chỉnh…

“Không chỉ chứng minh với các tổ chức, định chế tài chính, VinFast đang cho cả người dùng thấy nỗ lực, tầm nhìn và hành động vì sự phát triển bền vững”, vị này nhận định.

Giang Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm