Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast là một trong những công ty con lớn nhất của Tập đoàn Vingroup. Tính đến cuối tháng 9, Vingroup đã đầu tư 12.847 tỷ đồng góp vốn vào công ty sản xuất ôtô và xe điện này. Khoản đầu tư đã tăng gấp đôi so với đầu năm và là khoản góp vốn vào công ty con lớn thứ 2 sau Công ty CP Vinhomes (22.981 tỷ).
Thông qua khoản đầu tư này, Vingroup đang sở hữu trực tiếp 51,15% vốn tại VinFast, phần vốn còn lại cũng do các cổ đông cá nhân có liên quan tới Vingroup nắm giữ.
Theo thống kế của Zing.vn, trong chưa đầy một tháng từ 11/11 đến ngày 10/12, VinFast đã thông báo phát hành 69 lô trái phiếu riêng lẻ, tổng mệnh giá phát hành là 9.025 tỷ đồng.
Trong đó bao gồm 5 lô trái phiếu với giá trị 475 tỷ đồng, 6 lô có giá trị 190 tỷ đồng và còn lại là các lô có giá trị 95 tỷ đồng. Toàn bộ số trái phiếu này được phát hành bằng Đồng Việt Nam, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo lãnh thanh toán nhưng không có tài sản đảm bảo.
VinFast phát hành hơn 9.000 tỷ đồng trái phiếu trong chưa đầy một tháng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào năm 2022 với lãi suất năm đầu tiên tối đa là 10%/năm. Các năm tiếp theo lãi suất được thả nổi theo thị trường và xác định bằng tối đa 4%/năm cộng với lãi suất tham chiếu.
Trong đó, lãi suất tham chiếu là trung bình cộng của các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân (trả lãi sau) kỳ hạn 12 tháng do BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Techcombank công bố.
Liên quan đến số trái phiếu này, VinFast đã công bố kết quả của 7 đợt phát hành, phần lớn đều được mua hết từ 26 - 29/11. Trái chủ là các nhà đầu tư tổ chức nhưng không được tiết lộ danh tính. Riêng lô trái phiếu mã VF11202207, VinFast chỉ phát hành được 95 tỷ đồng thay vì 475 tỷ đồng theo kế hoạch trước đó.
Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là tổ chức bảo lãnh phát hành, đại lý lưu ký và làm đại diện cho người sở hữu trái phiếu, trong khi Techcombank là tổ chức quản lý tài khoản.
Nếu tính từ đầu tháng 12 đến nay, VinFast đã phát hành tổng cộng 24 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.800 tỷ đồng.
Trước đó hồi tháng 9, Hội đồng quản trị Vingroup đã thông qua quyết định bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của VinFast liên quan đến trái phiếu có tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỷ đồng dự kiến phát hành trong năm nay. Đến giữa tháng 11, Vingroup tiếp tục thông báo bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của công ty con này dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2019-2020 với tổng hạn mức không vượt quá 30.000 tỷ.
Chia sẻ sau thương vụ sáp nhập chuỗi Vinmart và Vinmart+ vào Masan mới đây, lãnh đạo Vingroup cho biết tập đoàn đã quyết định dồn lực chính vào công nghiệp - công nghệ với hai mảng sản xuất ôtô (VinFast) và điện thoại (Vinsmart).
Dự án VinFast được Vingroup đầu tư xây dựng từ tháng 9/2017 với vốn đầu tư ban đầu 1,5 tỷ USD. Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư đến 2020 sẽ là 97.400 tỷ và tổng vay nợ dự kiến là hơn 86.000 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh bộ phận của Vingroup cho biết, hoạt động sản xuất (bao gồm VinFast) của tập đoàn có tổng tài sản hơn 84.027 tỷ đồng đến cuối quý III. Trong đó, tài sản cố định và xây dựng cơ bản tăng từ đầu năm là gần 24.900 tỷ và nợ phải trả là 11.112 tỷ đồng.
9 tháng đầu năm bộ phận kinh doanh này của công ty ghi nhận 4.286 tỷ đồng doanh thu thuần và lỗ trước thuế 4.687 tỷ đồng.
Đến ngày 30/9, tổng vay nợ tài chính ngắn hạn của Vingroup cũng là 96.841 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản và tăng gần 16.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tập đoàn này cũng đang còn 10.264 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.