Lãnh đạo Vincom Retail cho biết hiện tại công ty chưa có kế hoạch đổi tên thương hiệu dù Vingroup không còn là công ty mẹ. Ảnh: T.L. |
Đây là một trong những nội dung được lãnh đạo Công ty CP Vincom Retail (HoSE: VRE) chia sẻ tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 diễn ra sáng 23/4.
Cụ thể, trước câu hỏi của cổ đông về việc Vincom Retail có kế hoạch đổi tên sau khi Tập đoàn Vingroup không còn là công ty mẹ của VRE, Tổng giám đốc Phạm Thị Thu Hiền cho biết tới thời điểm hiện tại, Vincom không có ý định đổi tên vì đối với người tiêu dùng, Vincom vẫn là thương hiệu có giá trị cao.
Liên quan vấn đề này, bà Trần Mai Hoa, Phó chủ tịch HĐQT Vincom Retail cho biết Vincom là một trong những thương hiệu TTTM đầu tiên của người Việt. Thương hiệu này đã tồn tại và gắn bó với người dân Thủ đô đến nay là 20 năm.
“Cái tên này là niềm tự hào, có thể nói là khổ tận cam lai để có được thương hiệu như ngày hôm nay. Năm nay cũng là tròn 20 năm thương hiệu Vincom ra mắt khách hàng. Hiện tại, ban lãnh đạo chưa có kế hoạch đổi tên thương hiệu, nếu có thay đổi sẽ công bố thông tin tới cổ đông”, bà Mai Hoa chia sẻ.
Chia sẻ thêm về nhóm cổ đông mới tham gia Vincom Retail, bà Hoa cho biết đây là nhóm cổ đông có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, “tuy không làm TTTM nhưng đã có các mô hình bán lẻ thành công”.
Phó chủ tịch VRE cho biết để phát triển mô hình TTTM hiệu quả, cần giải quyết 2 vấn đề là chủ đầu tư phát triển môi trường cho đối tác cùng tham gia và hai là sự tham gia của các nhà bán lẻ. “Các nhà bán lẻ là yếu tố thành công của các TTTM”, bà Hoa nhấn mạnh.
Do đó, theo lãnh đạo Vincom Retail, việc các cổ đông mới là nhóm có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, đồng thời lại có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, điều hành sẽ là lợi thế của Vincom Retail trong thời gian tới khi có thêm sức mạnh, nguồn lực và kinh nghiệm.
Đánh giá về thị trường bán lẻ năm nay, CEO Phạm Thị Thu Hiền cho biết mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế nói chung và mức chi tiêu của khách hàng.
Ban lãnh đạo công ty nhìn nhận thị trường năm nay vẫn còn nhiều thách thức như khách hàng hạn chế chi tiêu, doanh thu trên mỗi khách thuê giảm, không chỉ tại các điểm kinh doanh của Vincom mà cả những địa điểm khác của khách hàng.
Dù vậy, năm 2024, Vincom Retail dự kiến tỷ lệ lấp đầy các TTTM vẫn tăng do các trung tâm mở mới vẫn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao.
Trong năm nay, bà Hiền cho biết Vincom sẽ đưa thêm 6 TTTM mới vào vận hành, trong đó 4 trung tâm dự kiến đi vào hoạt động trước tháng 6 và 2 trung tâm vận hành từ quý IV.
Tỷ lệ lấp đầy tại TTTM Vincom Plaza mới đã đạt trên 60%; trong khi trung tâm Vincom Mega Mall Grand Park đã đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%, dự kiến khi đi vào khai trương, tỷ lệ lấp đầy của khách thuê sẽ đạt 100%.
“Vincom cũng đã định hình lại mô hình kinh doanh, tốc độ chạy thuê đã tăng trong quý II và sẽ tăng dần trong quý III và IV, dự kiến tỷ lệ lấp đầy cũng sẽ tăng lên”, bà Hiền nhấn mạnh.
Đồng thời, nữ CEO cho biết công ty đã đặt ra kế hoạch từ nay đến 2027 sẽ phát triển thêm 800.000 m2 sàn thương mại bán lẻ. Với kế hoạch này, Vincom Retail dự kiến cần hơn 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư để phát triển các dự án trong tương lai.
Theo bà Hiền, việc có sự chuẩn bị về vốn đầu tư cho các dự án tương lai sẽ mang lại sự bền vững và ổn định cho doanh nghiệp.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.