Vingroup vừa cho biết tập đoàn này đang làm thủ tục để triển khai xây dựng căn hộ giá rẻ tại Gia Lâm, Đan Phượng (Hà Nội), quận 7, quận 9 (TP.HCM) và một số tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thanh Hóa. Đây cũng là khu vực tập trung hầu hết các nhà đầu tư nhà giá rẻ nên việc “phả sức nóng cạnh tranh” của doanh nghiệp này khiến không ít chủ đầu tư phải lên tinh thần.
Tìm phương án cạnh tranh phù hợp
Chưa tính đến thị trường các tỉnh lẻ, chỉ nhìn nhận ở TP.HCM thì nhu cầu nhà ở giá rẻ là tương đối lớn. Quỹ đất mà các chủ đầu tư lựa chọn để triển khai nhà giá rẻ tại đây tập trung chủ yếu ở các quận vùng ven như quận 12, Thủ Đức, quận 7, quận 9…
Xét về vị trí triển khai, Vingroup sẽ gây sức ép đến phần lớn các chủ đầu tư trong khu vực như Nam Long, Hoàng Quận, Hưng Thịnh, Đức Khải…
Phân khúc bình dân sẽ là động lực cho thị trường BĐS năm 2017. Ảnh: Huy Nguyễn. |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP.HCM, cho rằng việc cạnh tranh với các doanh nghiệp khác là không tránh khỏi.
Không chỉ là vấn đề thương hiệu, nếu triển khai hết 200.000 - 300.000 căn hộ như đã công bố trong chiến lược của mình, Vingroup chắc chắn sẽ chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp khác về quỹ đất, giá mua nguyên vật liệu đầu vào, chi phí thiết kế... Đây đều là những yếu tố cấu thành nên giá sản phẩm.
Một yếu tố khác khiến cho các chủ đầu tư khó có thể chủ động được chính là tâm lý của khách hàng khi mua nhà. Có thể thông tin về nhà bình dân của Vingroup sẽ khiến họ chờ đợi, hoặc đưa ra những so sánh về thương hiệu. Trước mắt sẽ là các dự án đươc triển khai trong cùng khu vực chịu tác động về biểu hiện tâm lý này.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Khối phát triển kinh doanh và Marketing Công ty CP Đầu tư Nam Long, cho rằng việc ra mắt thương hiệu Vincity với giá khoảng 700 triệu đồng/căn là tín hiệu đáng mừng cho người mua nhà Việt Nam. Khi đó, sức cạnh tranh sẽ lớn hơn, các doanh nghiệp phải tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn, có dấu ấn riêng để thu hút người mua. Điều này đem đến những sản phẩm tốt hơn cho họ.
Bên cạnh việc tạo sức ép cạnh tranh, sự tham gia của ông lớn này cũng giúp cho nhiều chủ đầu tư dễ thở hơn với bài toán hạ tầng. Theo nhiều chuyên gia thì đây chính là tính tích cực của việc cạnh tranh đầu tư.
Theo chia sẻ của lãnh đạo một đơn vị phân phối BĐS, mọi sự cạnh tranh đều mang đến giá trị tích cực. Nếu các dự án nhà bình dân của Vingroup được triển khai đồng nghĩa với việc hạ tầng của khu vực cũng được nâng lên. Thậm chí các dự án lân cận có thể được tận dụng những tiện ích hay dịch vụ mà ông lớn này phát triển.
Dù khá bất ngờ với công bố của Vingroup, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng đây chính là điều tốt cho thị trường.
“Trong 1 - 2 năm tới, các chủ đầu tư cũng sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều bởi nhu cầu về nhà ở của thị trường đang rất lớn, trong khi kế hoạch của Vingroup lại kéo dài trong ít nhất 5 năm. Đây là khoảng thời gian đủ để các doanh nghiệp đưa ra những chiến lược cạnh tranh phù hợp”, ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, cho biết.
Động lực để thúc đẩy rổ hàng hóa bình dân
Theo các chuyên gia, nhà giá rẻ sẽ là động lực của thị trường BĐS năm 2017, đặc biệt là rổ hàng hóa giá rẻ sẽ được hâm nóng hết mức có thể.
Không chỉ Vingroup đưa ra thông tin về việc làm nhà giá rẻ mà hầu hết các doanh nghiệp đã và đang triển khai cũng nhắm phân khúc này như một động lực phát triển cho tương lai gần.
Tại thị trường Hà Nội, tập đoàn Mường Thanh vừa chia sẻ với báo chí kế hoạch trong tháng 12 này sẽ tung ra thị trường 3.000 căn hộ có giá chỉ từ 10 triệu đồng/m2, các căn hộ có diện tích nhỏ từ 50-60m2.
Trên đà đó, thị trường nhà giá rẻ Hà Nội cũng đón nhận các đơn vị mới như Vinh Hạnh với Tứ Hiệp Plaza, Xuân Mai Corp với Xuân Mai Spark Tower, Geleximco với Gelexia Riverside và Gemek Premium…
Tại Hưng Yên, chủ đầu tư Vihajico - chủ đầu tư Ecopark trong năm 2016 trình làng 2 dự án giá rẻ. Đó là West Bay Sky Residence với các căn hộ có giá bán chỉ từ 688 triệu đồng/căn và Aqua Bay Sky Residence giá bán từ 789 triệu đồng/căn.
Các dự án có mức giá tương tự ở khu vực VinCity sẽ xây dựng. Đồ họa: Bảo Vân. |
Tại thị trường TP.HCM, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, cũng cho biết trong giai đoạn từ tháng 12/2016 đến năm 2019, công ty sẽ cung cấp ra thị trường hơn 34.000 căn đáp ứng nhu cầu nhà ở hiện đang cấp bách của các đối tượng chính sách, công nhân và người có thu nhập thấp tại TP.HCM cũng như các tỉnh thành phía Nam.
Một chủ đầu tư khác là Hung Thinh Corp vừa chính thức giới thiệu đến khách hàng dự án Moonlight Park View tại khu Tên Lửa quận Bình Tân với 463 căn hộ, giá bán từ 1,2 tỷ đồng/căn. Him Lam Land cũng chuyển hướng đầu tư khi đưa ra kế hoạch tung 2.000 căn nhà giá rẻ ra thị trường...
Số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, toàn thành phố có 476.000 hộ chưa có nhà ở riêng, 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, thành phố cần đầu tư xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội, với quy mô gần 45.000 căn.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số khiêm tốn và chưa thể đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân thành phố. Vì vậy, sự chuyển hướng của các doanh nghiệp có tiềm lực đang là tín hiệu tích cực cho phân khúc nhà ở vốn thiệt thòi này. Không chỉ đáp ứng được nguồn cầu mà niềm tin vào chất lượng nhà bình dân sẽ được nâng cao trong mắt người mua nhà.
Nhiều ý kiến băn khoăn nếu có quá nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bình dân với giá “càng ngày càng rẻ” thì liệu có dẫn đến lo ngại chất lượng sản phẩm không đảm bảo.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá: “Sự sàng lọc của thị trường sẽ ngày càng khốc liệt. Cạnh tranh càng lớn thì buộc các doanh phải cân đối để có thể tồn tại và phát triển. Nếu một sản phẩm giá rẻ 800 triệu đồng mà chất lượng kém thì người tiêu dùng sẽ cố thêm 50 triệu nữa để sở hữu một căn nhà 850 triệu đồng mà chất lượng tốt hơn”.