Trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vừa công bố, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết Trung Quốc sẽ không tập trung sản xuất hàng may mặc theo chiến lược 5 năm lần thứ 14 của ngành dệt may nước này. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ dần trở thành nước tiêu thụ hàng dệt may lớn của Việt Nam.
Thực tế, số liệu quý I cho thấy xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Trung Quốc tăng trưởng tốt nhất trong số 5 thị trường lớn và đã vươn lên ngang bằng kim ngạch xuất khẩu vào EU.
Vinatex dự báo Trung Quốc sẽ dần trở thành thị trường lớn của dệt may Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam, với mức tăng trưởng 5,9% trong quý I, được kỳ vọng sẽ phục hồi nhu cầu trong năm nay với gói kích thích 1.900 tỷ USD và tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên diện rộng. Tuy nhiên, Vinatex cho rằng việc bỏ giãn cách xã hội sớm sẽ đặt ra thách thức trong kiểm soát đại dịch ở quốc gia này.
Song song đó, châu Âu cũng đang đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh lần 3, còn kinh tế Nhật Bản chưa có dấu hiệu phục hồi. "Khả năng tăng trưởng tại 2 thị trường này sẽ gặp nhiều thách thức trong năm 2021", Vinatex nhìn nhận.
Theo dự báo của McKinsey, với kịch bản sớm nhất, đến quý III/2022 dệt may thế giới mới phục hồi trở lại bằng năm 2019, còn theo kịch bản chậm phải đến quý IV/2023. Hiện các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã có đơn hàng ít nhất đến hết quý II nhưng giá thấp và chưa có hiệu quả.
Bên cạnh đó, khách hàng vẫn yêu cầu chính sách kéo dài thời gian thanh toán như trong năm 2020 dẫn đến xu hướng kéo dài ngày thanh toán phải thu trong những năm tới. Đồng thời, lạm phát dự báo tăng khiến lãi suất vay ngân hàng tăng, kéo theo sự gia tăng về chi phí tài chính của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, Vinatex đặt mục tiêu phục hồi sớm hơn dự báo của thế giới ít nhất 1 năm. Doanh thu hợp nhất năm nay phấn đấu đạt 17.365 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 700 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 18% so với năm 2020.