Bức xúc vì ngân sách ngày càng thâm thủng, nợ công ngày càng lớn, trong khi vốn nhà nước bị chôn ở nhiều ngành, lĩnh vực không cần thiết, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ bán Vinamilk, tập đoàn Cao su… để lấy tiền chi tiêu ngân sách, giảm gánh nặng nợ vay.
Trước việc ngân sách nhà nước bị thâm hụt, Đại biểu quốc hội Trần Quang Chiểu đã đưa ra đề xuất bán ngay vốn Nhà nước trong những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối để lấy tiền xây dựng trường học, bệnh viện chống quá tải cho ngành y tế. Tuy nhiên, đứng ở góc độ kinh tế, chuyên gia Nguyễn Thế Khoa, chuyên viên tư vấn khối khách hàng doanh nghiệp JP Mogan Bank Úc lại cho rằng: Trên thực tế, có một số vấn đề mà ông Trần Quang Chiểu chưa nhận ra khi đưa ra đề xuất trên, bởi có rất nhiều điểm bất ổn sẽ gây xáo trộn nền kinh tế Việt Nam.
Bán Vinamilk, Nhà nước có ngay 60.000 tỷ đồng chi tiêu nhưng sẽ gây bất ổn kinh tế và khiến CPI cả nước tăng phi mã - theo đánh giá của chuyên gia kinh tế. |
Ông Nguyễn Thế Khoa giải thích: “Các doanh nghiệp mà ông Trần Quang Chiểu nói SCIC - đại diện vốn nhà nước -đang sở hữu 45,05% cổ phần Vinamilk, không cần nắm quyền chi phối nằm trong nhóm kiểm soát room nước ngoài. Và cũng không có doanh nghiệp hay cá nhân nào trong nước đủ khả năng mua lại chừng ấy vốn của nhà nước. Và phần lớn các doanh nghiệp mà nhà nước đang nắm quyền chi phối đang là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Vinamilk đang là doanh nghiệp thống lĩnh ngành sữa trong nước và đang góp phần giúp “giải nhiệt” từ biến động giá sữa trong thời gian qua. Vinamilk là một trong những yếu tố giúp điều chỉnh CPI cả nước không tăng một cách phi mã. Nếu bán số cổ phần mà SCIC đang nắm giữ ở Vinamilk sẽ là một vấn đề đáng quan tâm. Vì thời gian qua, việc giá sữa ngoại tăng giá bất hợp lý, lách luật để không bị kiểm soát giá đã khiến CPI tăng.
Nếu bán cổ phần tại Vinamilk - một doanh nghiệp thống lĩnh ngành sữa thì rất khó, vì trong nước cũng không thể có ai hay doanh nghiệp nào có thể mua lại khối lượng cổ phần lớn đến thế. Mà chỉ có khối doanh nghiệp nước ngoài mới đủ khả năng. Điều đó, đồng nghĩa với việc nhà nước phải nới room ngoại lên mức có thể nắm quyền chi phối tại nhóm doanh nghiệp được nhà nước quy định giữ room 49%.
Như vậy, các doanh nghiệp nhà nước đang nắm quyền chi phối sẽ phải điều chỉnh lại room ngoại, sẽ gây bất ổn về kinh tế khi khối ngoại nắm quyền kiểm soát. Như công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam (Casumina) có giá bán cạnh tranh trực tiếp rẻ hơn 20% đến 30% giá của các hãng khác như Michelin, Brigestone...
Nhờ yếu tố giá thành hợp lý, phù hợp với đa phần người dân có thu nhập trung bình và thấp vốn chiếm phần đông dân số Việt Nam nên Casumina trở thành lựa chọn hàng đầu của người dân Việt. Thử hỏi: Nếu bị doanh nghiệp ngoại như Michelin hay Brigestone nắm quyền chi phối thì giá cả sẽ biến động như thế nào? Và nếu nới room ngoại cho tất cả các doanh nghiệp thuộc nhóm giới hạn room nước ngoài 49% như thế sẽ tạo đà cho những cuộc chiến mua bán và sáp nhập (M&A) khối doanh nghiệp nội đầu ngành có giá trị vốn hóa thị trường thấp hơn giá trị thực. Điển hình là Bibica, nếu nới room vượt 49% thì Lotte thoải mái vung tiền thu gom cổ phiếu Bibica và điều tất yếu là ta không thể kiểm soát được thị trường. Từ đó có thể gây bất ổn nền kinh tế khi khối ngoại nắm quyền chi phối các doanh nghiệp đầu ngành”.
Như vậy, “nếu việc bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm quyền chi phối của nhà nước mà tạo ra bất ổn kinh tế khiến chỉ số CPI cả nước tăng phi mã thì xây thêm trường học, bệnh viện liệu có ý nghĩa gì?!” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh.