Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) vừa phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng và Công ty TNHH MTV Vinaconex Đầu tư.
Theo đó, vốn điều lệ của Vinaconex Xây dựng sẽ tăng từ 200 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng sau khi Vinaconex góp thêm 600 tỷ đồng. Vinaconex Đầu tư dự kiến cũng tăng vốn từ 880 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng thông qua việc góp thêm 620 tỷ đồng của chủ sở hữu Vinaconex.
Như vậy, tổng số tiền mà Vinaconex sắp rót thêm vào hai công ty con lên đến 1.220 tỷ đồng. Tiến độ tăng vốn dự kiến diễn ra trong quý II và quý III.
Vinaconex Xây dựng và Vinaconex Đầu tư là 2 công ty con do Vinaconex nắm giữ 100% vốn điều lệ, đều đặt trụ sở tại tòa nhà Vinaconex, số 34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội (cùng vị trí với trụ sở công ty mẹ).
Ngoài ra, Vinaconex thông báo hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp có giá trị gần 24,4 tỷ đồng, tương đương 12,4% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Vina-Sanwa cho Tập đoàn Sanwa Holdings. Kể từ ngày 14/6, Vina-Sanwa không còn là công ty liên doanh của Vinaconex.
KẾT QUẢ KINH DOANH THEO QUÝ CỦA VINACONEX | ||||||
Nhãn | Quý I/2020 | Quý II | Quý III | Quý IV | Quý I/2021 | |
Doanh thu | tỷ đồng | 1001 | 1590 | 1270 | 1692 | 952 |
Lợi nhuận sau thuế | 64 | 322 | 1038 | 261 | 345 |
Tại tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Vinaconex cho biết ban lãnh đạo công ty này đang có kế hoạch trình cổ đông chỉ tiêu kinh doanh năm nay với mức doanh thu tăng 41% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 40%.
Cụ thể, HĐQT Vinaconex đưa ra mức doanh thu kế hoạch cả năm nay là 12.230 tỷ đồng, tăng 41% so với năm liền trước. Tuy nhiên, do không còn lợi nhuận đột biến từ hoạt động đầu tư tài chính (chủ yếu là thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết) nhà thầu xây dựng này ước tính lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ đạt 1.008 tỷ, giảm 40%.
Vinaconex dự kiến đẩy mạnh hoạt động trong 3 lĩnh vực gồm xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính (thông qua mua bán và sáp nhập công ty).
Trong lĩnh vực xây dựng, tổng công ty này cho biết sẽ tập trung đấu thầu các công trình có vốn ngân sách Nhà nước, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài mà có điều kiện thu hồi vốn nhanh, hoặc các công trình xây dựng dân dụng công nghiệp vốn là thế mạnh của Vinaconex.
Trong lĩnh vực bất động sản, tổng công ty dự kiến đẩy nhanh tiến độ các dự án Khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC); dự án Tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại số 93 Láng Hạ (Hà Nội); dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình (Quảng Ninh) kéo dài; và Khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25)…
Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư vào dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cùng các dự án có quỹ đất lớn trong lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp và nghỉ dưỡng.
Trong hoạt động đầu tư tài chính, Vinaconex dự kiến tiếp tục đầu tư vốn và tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty năng lượng, điện, nước, giáo dục, xuất khẩu lao động… Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ tái cấu trúc, mua bán và sáp nhập các công ty nhằm mở rộng quy mô.
Ở chiều ngược lại, Vinaconex cho biết sẽ thoái toàn bộ vốn tại các công ty yếu kém, không có khả năng phục hồi, hoặc các công ty không cần nắm giữ vốn, tỷ lệ nắm giữ quá ít…