Theo báo cáo mới nhất của Quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) thuộc Tập đoàn VinaCapital, VOF đã chi ra gần 45 triệu USD để mua cổ phiếu của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) trong các đợt IPO của 2 đơn vị này tháng 1 vừa qua.
Theo đó, mức giá thắng thầu của VOF thấp hơn 4% so với mức giá bình quân 23.000 VND/cổ phiếu của thương vụ IPO Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Số tiền quỹ này chi ra vào khoảng 25 triệu USD và nắm giữ 10% vốn cổ phần chào bán của đơn vị dầu khí này.
Các phân xưởng công nghệ, nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng. |
Ở một thương vụ khác, VOF cũng đã rót hơn 20 triệu USD vào PV Power trong đợt IPO vừa qua của công ty điện lực lớn thứ hai tại Việt Nam.
Theo nhận định của VOF, đây cũng là một khoản đầu tư hấp dẫn với mức P/E ước tính là 11,5x ở mức giá khởi điểm là 14.400 VND (0,63 USD).
Bên cạnh đó, báo cáo của VOF cũng cho biết trong tháng 1 vừa qua có 5 vụ IPO lớn nhưng quỹ này chỉ tham gia mua cổ phiếu tại 2 công ty gồm Lọc hóa dầu Bình Sơn và PV Power, do định giá hợp lý và triển vọng tăng trưởng trong trung hạn.
Cũng trong bản báo cáo, quỹ này cũng cho biết sẽ tiếp tục đánh giá các cơ hội đầu tư vào các vụ IPO và thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018, đồng thời đang đàm phán mua cổ phần tư nhân của một số công ty.
Lọc hóa dầu Bình Sơn đã huy động được 245 triệu USD trong đợt IPO tháng 1 vừa qua. Ảnh: Minh Hoàng. |
Về việc quyết định chi hàng chục triệu USD vào Lọc hóa dầu Bình Sơn, VOF cho biết BSR có vị thế là đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên và duy nhất đang vận hành của Việt Nam, đáp ứng 33% nhu cầu xăng dầu trong nước. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh nhà máy lọc dầu có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi sự biến động của giá dầu so với các phân khúc khác của ngành dầu khí.
Trong đợt IPO vừa qua với việc bán hết lượng cổ phần đưa ra đấu giá cả PV Power và Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa qua đã huy động được mức vốn cao hơn kỳ vọng của Chính phủ, lần lượt 308 triệu USD tại PV Power và 245 triệu USD tại Lọc hóa dầu Bình Sơn. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã huy động được khoảng 184 triệu USD từ việc bán 20% vốn cổ phần tại PVOil mới đây.
VOF được thành lập từ năm 2003, và là quỹ đầu tư vào nhiều danh mục tài sản, VOF hiện tập trung vào các thương vụ cổ phần tư nhân (private equity). Tiêu dùng và công nghiệp là hai mảng đầu tư chủ yếu trong danh mục đầu tư của VOF, trong khi đó, lĩnh vực tài chính chiếm gần 10%.
Tính đến cuối tháng 1/2018, giá trị tài sản ròng của VOF vào khoảng 1,2 tỷ USD, NAV/cổ phiếu là 6,03 USD, tăng 9,2% so với tháng trước.
Giám đốc đầu tư của VinaCapital, Andy Ho cho biết quỹ sẽ dành 200 triệu USD cho kế hoạch đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân hóa và hiện đã có 120 triệu USD tiền mặt. VOF sẽ tiếp tục tìm kiếm các công ty có giá trị từ 100 triệu đến 500 triệu USD, để đầu tư vào từ 10 đến 50 triệu USD.
Ngoài đầu tư vào Lọc hóa dầu Bình Sơn và PV Power, VOF cũng đang đầu tư vào nhiều doanh nghiệp, tổng công ty lớn tại Việt Nam như Tập đoàn Hòa Phát (HPG); Vinamilk (VNM), Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), cùng hàng loạt cổ phiếu khác như Khang Điền (KDH), Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Vietjet Air (VJC), Eximbank (EIB) hay HDBank (HDB)...
Trong năm 2017, VOF đã mua cổ phần tại một số doanh nghiệp Việt Nam như Tasco, FPT Retail, Ngân hàng Phương Đông và HDBank.